Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), ẩn số từ hoạt động tái cơ cấu

(ĐTCK) Bộ máy vận hành cồng kềnh, chậm chuyển đổi cơ cấu kinh doanh… đang là những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR - UPCoM). Bởi vậy, việc tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sẽ giúp GVR gia tăng tính hiệu quả, cũng như lợi ích cổ đông.

Hệ thống 133 công ty con, công ty liên kết

Kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán (ngày 21/3/2018) tới nay, kết quả kinh doanh của GVR ghi nhận sự cải thiện so với thời điểm trước đó.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận năm 2018 tăng lần lượt 2.460% và 149% so với năm 2017; năm 2019 tăng tương ứng 42,55% và 56,82% so với năm 2018 (năm 2019, biên lợi nhuận gộp tăng từ 23,01% lên 23,27%, biên lợi nhuận ròng tăng từ 18,07% lên 19,88%).

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), ẩn số từ hoạt động tái cơ cấu  ảnh 1

Doanh thu, lợi nhuận ghi nhận sự tăng trưởng, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) năm 2019 của GVR chỉ lần lượt đạt 6,62% và 4,27%.

Ðiều này cho thấy, GVR sử dụng nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với quy mô vốn có.

Tính tới 31/12/2019, GVR có tổng tài sản lên tới 78.170,8 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định là 27.677 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,41% trong tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 21.535,8 tỷ đồng, tỷ trọng 27,55%; tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn là 13.683,2 tỷ đồng, tỷ trọng 17,05%.

GVR ghi nhận giá trị đầu tư vào công ty liên doanh - liên kết, góp vốn là 3.329,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản (4,26%), song điều đáng chú ý ở đây là số lượng các đơn vị thành viên khi có tới 103 công ty con, 21 công ty liên kết và trong số đó, nhiều đơn vị có kết quả kinh doanh tích cực hơn GVR.

Ðơn cử, tại CTCP Ðầu tư Sài Gòn VRG (SIP), năm 2019 đạt doanh thu 4.318,9 tỷ đồng và lợi nhuận 475,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 139% và 229%.

Hay tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), hoạt động kinh doanh liên tục tăng trưởng cao những năm gần đây và tích lũy được lượng tiền mặt lớn, đạt 1.436,1 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng tài sản.

Còn tại CTCP Thống Nhất (BAX), các chỉ tiêu ROA, ROE đều ở mức cao là 11,12% và 54,35%...

Doanh thu bất động sản khu công nghiệp có tỷ trọng còn khiêm tốn

Theo Báo cáo thường niên 2018, GVR sở hữu 407.800 ha đất cao su, 201.083 ha cao su kinh doanh, 206.717 ha đất kiến thiết cơ bản và diện tích khác.

GVR định hướng chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp trong thời gian tới, bởi đây là mảng có biên lợi nhuận cao hơn và dòng tiền ổn định hơn.

Năm 2019, GVR đã chuyển đổi khoảng 1.000 ha đất cao su sang đất khu công nghiệp.

Tiềm năng là vậy, song đóng góp của mảng khu công nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng. Số liệu tại báo cáo thường niên 2018 cho thấy, GVR quản lý 12 khu công nghiệp với diện tích 6.000 ha, diện tích thương phẩm 4.013 ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy năm 2018 mới đạt 85%.

Cụ thể hơn, năm 2019, trong tổng doanh thu là 20.073,2 tỷ đồng, thì doanh thu kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng mới đạt 1.047,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,22%.

Trước đó, năm 2018, tỷ trọng mảng này cũng chỉ chiếm 3,8% cơ cấu doanh thu, tương đương 547,2 tỷ đồng.

Tuy đóng góp doanh thu khiêm tốn, nhưng đây là mảng có biên lợi nhuận cao, nếu GVR tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, đầu tư, khai thác, thì tỷ suất lợi nhuận sẽ sớm được cải thiện, điều mà nhiều công ty con của GVR đã thành công trong những năm gần đây khi tiến hành chuyển đổi từ cao su thiên nhiên sang khu công nghiệp.

Trên thực tế, dù còn ở mức thấp, song tỷ trọng doanh thu mảng bất động sản khu công nghiệp tại GVR đang tăng dần, từ 3,8% năm 2018 lên 5,22% năm 2019.

Ðồng thời, tỷ trọng lợi nhuận gộp của mảng này cũng tăng lên 13,19% trong năm 2019, so với con số 10,48% của năm 2018.

Một điểm cần lưu ý khác là tỷ lệ sở hữu nhà nước hiện nay tại GVR rất lớn, lên tới 96,77%.

Một khi đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, đồng thời tập trung tái cơ cấu hoạt động, mà cụ thể ở đây là tinh gọn bộ máy vận hành, chuyển đổi cơ cấu kinh doanh vào những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao…, cơ hội để GVR cải thiện hiệu quả hoạt động, gia tăng lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư là không nhỏ.

Mới đây, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu GVR trên sàn này. Hiện cổ phiếu GVR đang giao dịch trên sàn UPCoM. GVR đã lên kế hoạch chuyển sàn từ đầu năm 2019, song chưa thực hiện được vì nhiều nguyên nhân. 

GVR dự kiến sẽ niêm yết trên HOSE trong quý I/2020. Với 4 tỷ cổ phiếu đang giao dịch và thị giá đóng cửa ngày 14/2/2020 là 11.300 đồng/cổ phiếu (giá chốt ngày 14/2/2020), giá trị vốn hóa của GVR đạt khoảng 43.200 tỷ đồng.

Tin bài liên quan