Tân Chủ tịch Eximbank (EIB) không phải đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài SMBC

(ĐTCK) Sáng ngay (30/6) Ngân hàng Eximbank (mã CK: EIB) tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 và dự kiến chiều cùng ngày sẽ là ĐHCĐ bất thường. 
Tân Chủ tịch Eximbank (EIB) không phải đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài SMBC

Trước khi ĐHCĐ thường niên diễn ra mấy ngày, nhà băng này bất ngờ gửi thông báo thay Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). 

Theo đó, ông Yasuhiro Saitoh lên giữ vị trí này thay cho ông Cao Xuân Ninh có đơn từ nhiệm. Việc ông Yasuhiro Saitoh lên ghế Chủ tịch Eximbank khiến nhiều người liên tưởng đến việc ông Saitoh là người đại diện cho nhóm cổ đông chiến lược nước ngoài tại Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông Nhật nắm 15% vốn tại ngân hàng này.

Trước đó, SMBC cũng từng đề cử ông Yasuhiro Saitoh tham gia vào HĐQT Eximbank vào năm 2015.

Tuy nhiên, trong văn bản yêu cầu Eximbank họp cổ đông bất thường, SMBC đã đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT. 

Ông Yasuhiro Saitoh, mang quốc tịch Nhật Bản là người ngoại quốc đầu tiên lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ở Eximbank. SMBC - cổ đông Nhật nắm 15% vốn tại ngân hàng đã đề cử ông Yasuhiro Saitoh tham gia vào HĐQT Eximbank vào năm 2015. Bởi vậy, không ít người cho rằng, tân Chủ tịch Eximbank là người đại diện cho cổ đông SMBC.  

Trước đó, tháng 5/2019, SMBC đã có thông báo gửi đến Eximbank khẳng định, kể từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy quyền hay đại diện của SMBC với tư cách là thành viên HĐQT hoặc một chức vụ nào khác tại Eximbank.

Văn bản của SMBC gửi HĐQT Eximbank cũng nêu rõ, để tránh hiểu nhầm, ông Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện hoặc người được ủy nhiệm và không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC.

Xuất phát từ bản chất mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh, trong bất kỳ trường hợp nào, SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại Eximbank.

Cùng với việc chấm dứt mối quan hệ với ông Yasuhiro Saitoh, SMBC cũng đã rút ủy quyền ông Yutaka Moriwaka - thành viên HĐQT từ ngày 9/12/2019. Từ đó đến nay, SMBC cũng chưa cho biết sẽ đề cử ai thay thế ông Yutaka Moriwaki trong thời gian sắp tới. 

Eximbank là ngân hàng đã có sự thay đổi nhiều nhất ở cấp nhân sự "thượng tầng". Trước đó, tại kỳ Đại hội lần 1 năm 2019, ngày 23/3/2019, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông Lê Minh Quốc có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM và tòa đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112.

Sau đó đến ngày 22/05/2019, Eximbank tiếp tục biến động nhân sự cấp cao lần nữa khi ban hành Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng ngồi "ghế nóng", ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ nhiệm do các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa. Tuy nhiên, ông Ninh vẫn điều hành HĐQT Eximbank trong 1 năm qua.

Dù khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao đều đúng theo điều lệ và tuân thủ quy định của pháp luật, nhưng ở cả hai lần công bố ghế Chủ tịch HĐQT, Eximbank đều vướng phải những lùm xùm, tranh chấp.

Như vậy, với ghế tân Chủ tịch HĐQT Eximbank vừa được bầu, nhưng khả năng ông Yasuhiro Saitoh có giữ được ghế "nóng" Eximbank lâu hay không vẫn là dấu hỏi? Vì một khi giữa các nhóm cổ đông lớn của Eximbank chưa tìm được tiếng nói chung, thì nhân sự cấp "thượng tầng" của Eximbank khó có thể ổn định. 

Cổ đông lớn tại Eximbank hiện có: SMBC (sở hữu 15%); Vietcombank đã giảm về dưới 5%; Nhóm cổ đông của Nam A Bank...

Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020).

Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. 

Tin bài liên quan