Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sắp có công cụ mới

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sắp có công cụ mới

(ĐTCK) Khi xây dựng Dự thảo Nghị định về bán, giao và chuyển giao DN 100% vốn nhà nước để sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều giải pháp mới nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN. Dự thảo này dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào cuối tháng 3 này để xem xét ban hành.

Minh bạch thông tin bán DNNN

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến cuối năm 2013, không kể các nông lâm trường quốc doanh, cả nước còn 949 DN 100% vốn nhà nước. Trong số này, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ cổ phần hóa (CPH) 432 DN từ nay đến hết năm 2015. Ngoài ra, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh tập trung rà soát hơn 500 DN 100% vốn nhà nước còn lại, để bổ sung vào danh sách các DN phải CPH. Trong số khoảng 500 DN còn lại, câu hỏi đặt ra là sẽ được tái cơ cấu theo hướng nào?

Lời giải cho câu hỏi trên nằm ở các quy định cụ thể tại Dự thảo Nghị định về bán, giao và chuyển giao DN 100% vốn nhà nước, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) soạn thảo.

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho hay, để triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định 929/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cần hoàn thiện 2 hệ thống chính sách là CPH và bán, giao, chuyển giao DNNN. Trong khi hệ thống cơ chế CPH hiện đã cơ bản hoàn tất, thì việc ban hành Nghị định về bán, giao và chuyển giao DN 100% vốn nhà nước, sẽ đảm bảo đầy đủ công cụ pháp lý cho nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN.

Điểm mới của Dự thảo Nghị định là đưa ra hệ thống quy định đồng bộ, chặt chẽ về bán DNNN theo hướng thị trường, minh bạch. Theo đó, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, toàn bộ thông tin về DN trong diện Nhà nước cần bán sẽ được công khai trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của bộ và UBND cấp tỉnh với tư cách là đơn vị chủ quản và cả trên website của DN, để nhà đầu tư nắm bắt thông tin. Trong đó, các thông tin phải công bố gồm: tình hình tài chính, thời hạn sử dụng đất còn lại, giá khởi điểm, đối tượng được phép mua DN… Mức giá khởi điểm bán DN phải được định giá thông qua tổ chức định giá chuyên nghiệp.

“Đặc biệt, nhà đầu tư muốn tìm hiểu thông tin sâu hơn về DN trước khi cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư, được quyền yêu cầu lãnh đạo DN cung cấp các thông tin về báo cáo tài chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hợp đồng lớn…”, ông Dũng nói.

“Dọn dẹp” vốn đầu tư ngoài ngành

Liên quan đến cơ chế giao và chuyển giao DNNN, theo ông Dũng, trên thực tế hiện có 4 hình thức: chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); giữa các bộ, UBND cấp tỉnh với nhau; giữa các TĐ, TCT với nhau; giữa các TĐ, TCT, các bộ, UBND cấp tỉnh với nhau. Để điều chỉnh từng hình thức chuyển giao này, Dự thảo Nghị định đưa ra hai hình thức chuyển giao là không bồi hoàn và có bồi hoàn.

Theo đó, chuyển giao không bồi hoàn là chuyển giao DN giữa các bộ, UBND cấp tỉnh với nhau, vì đây là hình thức chuyển giao giữa các cơ quan quản lý với nhau, nên không ảnh hưởng đến vốn điều lệ của DN. Còn chuyển giao có bồi hoàn là chuyển giao DN giữa các TĐ, TCT với nhau. Vì các TĐ, TCT có tài sản đảm bảo chịu trách nhiệm với bên thứ ba, nên khi chuyển giao ảnh hưởng đến vốn điều lệ của DN.

Liên quan đến cơ chế bồi hoàn, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là giá trị bồi hoàn căn cứ vào đâu khi giá trị DN theo sổ sách khác xa giá trị thực tế. Bởi vậy, nếu chuyển giao không thận trọng dễ biến DN nhận chuyển giao đang khỏe mạnh trở nên ốm yếu. Vì thực tế này, mà Dự thảo đưa ra định hướng chuyển giao có bồi hoàn theo nguyên tắc thị trường có sự thỏa thuận giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao…

Ngoài ra, với cơ chế mới tại Dự thảo, theo ông Dũng, sẽ cùng với cơ chế được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, sẽ thúc đẩy quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang bị đình trệ. Theo đó, các TĐ, TCT hiện nắm 100% vốn tại các công ty con đang hoạt động trong những ngành, lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ, thì phải chuyển giao các công ty con này cho các TĐ, TCT có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính phù hợp. Điều này tương tự như cách thức Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuyển giao EVN Telecom cho Viettel gần đây.

“Dự thảo Nghị định còn đưa ra quy định đảm bảo nguyên tắc các DN hoạt động kém hiệu quả, không có khả năng phục hồi, đồng thời chủ sở hữu nhận thấy không cần thiết phải duy trì hoạt động, thì buộc phải giải thể, phá sản, chứ không có ‘cửa’ để được giao, chuyển giao cho các DN khác, hoặc đưa ra bán…”, ông Dũng nói và cho biết thêm, hiện Dự thảo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn tất, dự kiến cuối tháng 3 này sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành.

Tin bài liên quan