STV: Cổ phiếu “lạ” trên sàn UPCoM

STV: Cổ phiếu “lạ” trên sàn UPCoM

(ĐTCK) Từ ngày 21/6 đến ngày 30/6, giá bình quân cổ phiếu STV tăng từ 20.430 đồng lên 27.290 đồng (tỷ lệ tăng đạt 33,6%), đặc biệt là các ngày 21, 22 và 23/6, giá cổ phiếu tăng lên mức gần kịch trần.

Giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM dần trở nên sôi động và ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong số các cổ phiếu đáng chú ý của sàn UPCoM, cổ phiếu Công ty cổ phần Chế tác đá Việt Nam (STV) đang nổi lên bởi là một trong những cổ phiếu có mức giá tăng mạnh trong các phiên giao dịch gần đây.

Tính đến thời điểm tại ngày 30/6/2017, giá bình quân cổ phiếu STV đạt 27.290 đồng, EPS tại thời điểm này là 1.050 đồng, như vậy chỉ số P/E là 26. Chỉ số này được xem là rất cao so với các cổ phiếu đang giao dịch tại thị trường UPCoM.

Liệu kết quả kinh doanh của STV có đột biến, hậu thuẫn mạnh mẽ cho giá cổ phiếu đi lên?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Công ty cho biết, ước dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của STV lần lượt là 86,67 tỷ đồng và 7,4 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận trước thuế của STV giảm đến 43,51%.

Theo lãnh đạo STV, có hai lý do chính dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Công ty. Thứ nhất, đơn hàng giảm do Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A mua lại một công ty tại Đồng Nai để chế tác, gia công các sản phẩm đá nhân tạo cho thị trường phía Nam. Các đơn hàng của STV hiện chỉ giới hạn ở khu vực miền Bắc. Thứ hai, biên lợi nhuận thu được từ hoạt động gia công, chế tác hiện rất thấp, chỉ đạt từ 3 - 5%.   

Với thực tế hoạt động như hiện nay, dự kiến mức lợi nhuận trước thuế của STV năm 2017 đạt khoảng 11-12 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 18 tỷ đồng.

Hiện STV cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này buộc Ban Lãnh đạo STV phải thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tạo nguồn thanh toán các khoản nợ của STV. Sau khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, EPS của STV sẽ giảm xuống dưới 1.000 đồng.  

Báo cáo tài chính quý I/2017 của Công ty cho thấy, thời điểm cuối quý, STV có khoản nợ phải trả cho người bán là hơn 85 tỷ đồng. Theo chia sẻ của vị lãnh đạo trên, Công ty đang ở tình thế khá áp lực khi đến hạn thanh toán khoản nợ trên mà không thể vay vốn từ Ngân hàng.

Một yếu tố nữa các nhà đầu tư cũng cần lưu ý là thanh khoản STV cực thấp (bình quân cả năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2107 chỉ dao động 5.000 - 10.000 cổ phiếu/phiên giao dịch). Đây có thể là lý do giá cổ phiếu rất dễ bị “lái”.

Trước đây, giá cổ phiếu bình quân của STV hầu như ít biến động. Bởi vậy, việc giá cổ phiếu của STV tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có triển vọng không mấy lạc quan, thực sự là một hiện tượng nhà đầu tư cần “cảnh giác”.

Tin bài liên quan