Sơn Á Đông: Cổ đông nhỏ tố bị xem thường

Sơn Á Đông: Cổ đông nhỏ tố bị xem thường

(ĐTCK) Viện lý do hội trường nhỏ, không đủ sức chứa, Công ty cổ phần Sơn Á Đông (mã ADP – sàn UPCOM) không triệu tập cổ đông sở hữu dưới 1.000 cổ phiếu đến tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017. Khi nhận được phản ánh từ cổ đông, sát ngày tổ chức Đại hội, đại diện Công ty hứa hẹn sẽ gửi giấy mời đến cổ đông.

Câu chuyện cổ đông nhỏ bị chèn ép, “chặn cửa”… vẫn thường được nhắc đến trong mỗi mùa ĐHCĐ, nhưng chưa bao giờ hết nóng. Mới đây, ngày 18/4/2017, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh của một cổ đông về việc ADP từ chối cổ đông sở hữu dưới 1.000 cổ phiếu đến tham dự ĐHCĐ thường năm 2017 của Công ty.

Cổ đông này chia sẻ, do chỉ sở hữu 100 cổ phiếu, nên anh không nhận được giấy mời họp ĐHCĐ. Cách đây ít hôm, qua phương tiện truyền thông, anh mới biết ADP sẽ tổ chức họp cổ đông vào ngày 22/4/2017. Sau đó, anh gọi điện đến số điện thoại của người công bố thông tin của ADP để hỏi rõ sự tình. Tuy nhiên, người này trả lời, do hội trường Công ty nhỏ, không đủ sức chứa, nên Công ty không triệu tập cổ đông sở hữu dưới 1.000 cổ phiếu.

“Điều này khiến tôi bức xúc, không chỉ bởi quyền lợi không được đảm bảo, mà Công ty còn có ý xem thường cổ đông nhỏ”, cổ đông này nói.

Liên hệ với lãnh đạo của ADP, phóng viên cũng nhận được câu trả lời tương tự, cho dù vị lãnh đạo này khẳng định, không hạn chế cổ đông đến dự đại hội. Sau một hồi phân trần, lãnh đạo ADP cam kết sẽ gửi giấy mời đến cổ đông.

Tại thời điểm trao đổi với phóng viên, ngày tổ chức ĐHCĐ của ADP đã gần kề. Việc gửi giấy báo sát ngày tổ chức đại hội dường như là một cách “chữa cháy” của doanh nghiệp, nhưng căn cứ theo quy định pháp luật, việc làm này là chưa đúng.

Theo quy định tại các Điều 114, 136, 137, 138 và 139 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các kỳ họp ĐHCĐ. Cụ thể, cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ; yêu cầu sửa đổi những thông tin sai lệch, hoặc bổ sung những thông tin cần thiết về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ.

Người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin số đăng ký cổ đông, sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp, hoặc cung cấp không kịp thời, không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu.

Về thời gian mời họp, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định rất cụ thể, người triệu tập cuộc họp phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc, nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn.

Trên thực tế, câu chuyện của ADP không phải là cá biệt. Bằng nhiều hình thức khác nhau, không ít công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết khiến cổ đông nhỏ “vô tình” bị tước quyền tham dự ĐHCĐ. Có thể kể ra một số vi phạm phổ biến như doanh nghiệp áp đặt các điều kiện tham gia họp ĐHCĐ (cổ đông phải số hữu số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết nhất định mới được tham gia đại hội, những cổ đông sở hữu cổ phiếu ít hơn phải tập hợp lại và chỉ được cử đại diện tham dự đại hội), doanh nghiệp “quên” gửi thư mời họp (trong khi vẫn yêu cầu cổ đông tham dự phải mang theo thư mời)...  

Luật Doanh nghiệp 2014 đã đưa ra các quy định mới, nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông thiểu số như quyền tham gia cuộc họp, tiếp cận danh sách cổ đông, quyền khởi kiện, yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ… Trên thực tế, việc áp dụng và thực thi Luật vẫn còn chưa nghiêm. Vì thế, tiếng nói của các cổ đông thiểu số cần được nhà quản lý lắng nghe hơn để thêm sức ép, buộc các doanh nghiệp biết tôn trọng mọi "ông chủ" của mình.  

 Điều 114. Quyền của cổ đông phổ thông

1. Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:

a) Tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp, hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền, hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;

b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của ĐHCĐ;

c) Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;

d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;

đ) Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;

e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp ĐHCĐ và các nghị quyết của ĐHCĐ;

g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty;

Điều 139. Mời họp ĐHCĐ

1. Người triệu tập họp ĐHCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc, nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp.

2. Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông; đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của công ty và đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương, khi xét thấy cần thiết theo quy định của Điều lệ công ty.

3. Thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu sau đây:

a) Chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp;

b) Phiếu biểu quyết;

c) Mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp.

4. Trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi tài liệu họp theo thông báo mời hợp quy định tại Khoản 3 Điều này có thể thay thế bằng đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty. Trường hợp này, thông báo mời họp phải ghi rõ nơi, cách thức tải tài liệu và công ty phải gửi tài liệu họp cho cổ đông nếu cổ đông yêu cầu.

Tin bài liên quan