Sodic (SIG) bị định giá ngược trên UPCoM?

Sodic (SIG) bị định giá ngược trên UPCoM?

(ĐTCK) Sau 7 phiên giao dịch trên sàn UPCoM, cổ phiếu SIG của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Sông Đà (Sodic) đã giảm hơn một nửa so với mức giá tham chiếu ngày chào sàn là 12.000 đồng/cổ phiếu, kết thúc phiên 18/10 ở mức 5.400 đồng/cổ phiếu.

Ðược thành lập từ tháng 2/2008, SIG hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khảo sát, thiết kế cơ điện công trình, thiết kế kiến trúc, quy hoạch, nội thất công trình, hạ tầng kỹ thuật công trình dân dụng, công nghiệp, cầu đường, thủy lợi; kinh doanh máy móc vật tư; sản xuất truyền tải và phân phối điện...

Những công trình đã được Sodic thực hiện có thể kể tới như Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Nậm Khánh, Thuỷ điện Nho Quế 3, Thuỷ điện Ðắcđrinh, Thuỷ điện Hủa Na và một số công trình khác.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 85,63 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lại giảm hơn 43%, đạt 3,3 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Sodic cũng theo xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, doanh thu thuần của Công ty đạt 229,6 tỷ đồng (hợp đồng xây dựng đóng góp tỷ trọng 77%, doanh thu thủy điện 22%), giảm 7,5% so với năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 13,5 tỷ đồng.

Giải thích nguyên nhân dẫn tới kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh đi xuống, Sodic cho biết, các dự án thủy điện lớn đã hết, công việc truyền thống của Công ty không còn nhiều, trong khi sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn.

Ðáng chú ý, việc thu hồi vốn tại một số công trình gặp khó khăn do chủ đầu tư không sắp xếp được nguồn vốn, khiến công nợ phải thu còn nhiều.

Trong đó, chưa thể thực hiện công tác quyết toán, thu hồi công nợ tại một số dự án như Thủy điện Huội Quảng, Thủy điện Ðồng Nai 5, Xekaman 1, Nậm Pay…

Về công tác quyết toán, thu hồi công nợ, do đặc trưng thực hiện các dự án thuỷ điện lớn, quá trình thanh quyết toán tốn nhiều thời gian nên tình hình chưa có nhiều cải thiện trong thời gian qua.

Ðể giải quyết khó khăn này, Sodic đang tập trung phát triển theo hướng đẩy mạnh hoạt động đầu tư thuỷ điện, tự chủ tài chính.

Sodic đầu tư 2 dự án thuỷ điện thông qua công ty con là Công ty cổ phần Thuỷ điện Sodic Ðiện Biên, bao gồm dự án Thuỷ điện Nậm Mu 2 và dự án Thuỷ điện Mùn Chung 2.

Trong đó, dự án thuỷ điện Nậm Mu 2 đã hoàn thành và đi vào phát điện thương mại từ tháng 2/2019. Dự án Mùn Chung 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.

Bên cạnh việc duy trì và phát triển ngành nghề kinh doanh có thế mạnh là khoan khảo sát, xử lý nền móng các công trình, thi công các dự án thuỷ điện, trong thời gian tới, Sodic tiếp tục duy trì phát triển đầu tư các dự án thuỷ điện, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Mục tiêu tới năm 2020, Công ty sẽ đầu tư các dự án thuỷ điện với tổng công suất dự kiến là 150 MW và nhiều khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật khác.

Ðáng chú ý, dù cuối năm 2018, nợ phải trả của Công ty đã giảm 20,4%, từ 558 tỷ đồng còn 444 tỷ đồng, nhưng trong nửa đầu năm 2019, con số này đảo chiều leo dốc. Cụ thể, 6 tháng năm 2019, nợ phải trả của Sodic là 503,2 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm.

Trong năm 2018, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 39,5 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Bốn cổ đông lớn của Sodic bao gồm 4 cá nhân là ông Nguyễn Khắc Sơn (45,49%), ông Phan Ðình Toại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (19,02%), ông Nguyễn Văn Tuấn (6,05%) và bà Phan Thị Thanh Nga (6,01%).

Về dự báo kết quả quý III, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Khắc Sơn, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng của Sodic cho biết, tuy chưa có con số cụ thể, nhưng trong quý III, doanh thu và lợi nhuận của Sodic có sự cải thiện, đặc biệt là lợi nhuận tăng mạnh.

Ước tính, Sodic đã thực hiện được hơn 50% mục tiêu doanh thu và 70 - 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Nếu Sodic đạt hiệu quả cao trong quý III thì phải chăng thị trường đang định giá ngược mã này?

Tin bài liên quan