Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC

SCIC đồng hành cùng doanh nghiệp, biến nguy thành cơ

(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang vật lộn chống chịu với các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đặc biệt khó khăn khi xây dựng các phương án kinh doanh năm vì tính bất định của đại dịch. “Với vai trò cổ đông lớn, SCIC đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đồng thời phân tích cơ hội, biến “nguy thành cơ”, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết.

SCIC đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch gây ra đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Dịch Covid - 19 đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Đối với kinh tế Việt Nam, theo đánh giá của Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 có tác động mạnh đến một số ngành, lĩnh vực như hàng không, du lịch, dịch vụ; tiếp đến là thương mại - xuất nhập khẩu, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

Mới đây, trong bản báo cáo công bố ngày 30/3/2020 cập nhật tình hình kinh tế vùng Đông Á - Thái Bình, Ngân hàng Thế giới đã giảm đáng kể dự báo tăng trưởng trong khu vực, với Việt Nam chỉ đạt 4,9%, trong lúc Trung Quốc có nguy cơ tụt hẳn xuống mức 0,1%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC đang chịu tác động tiêu cực lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất khẩu toàn cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu sản phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng...

Hiện nay, danh mục quản lý của SCIC bao gồm 145 doanh nghiệp, trong đó tỷ trọng số lượng và giá trị vốn nhà nước của các doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, hàng tiêu dùng.

Trên bình diện chung, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, y tế đều bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid 19 do khó khăn đầu vào và suy giảm nhu cầu đầu ra. Theo đó, có tới gần 90% giá trị vốn của SCIC đầu tư tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ bị suy giảm giá trị.

Số liệu sơ bộ về tình hình kinh doanh ở một số doanh nghiệp trong quý I cho thấy đã bắt đầu có tình trạng thu không đủ bù chi, với doanh nghiệp quy mô lớn của SCIC, thực tế đang diễn biến ra sao?

Chúng tôi liên tục cập nhật hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và thực tế cho thấy tác động rất nghiêm trọng.

Chẳng hạn, với Tập đoàn dệt may (Vinatex), nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát, việc thiếu nguyên liệu và không có thị trường đầu ra có thể khiến một số doanh nghiệp thành viên phải tạm thời đóng cửa. Với ngành thép, tiêu thụ của Vnsteel ở mức tăng trưởng âm trong quý I và dự kiến kéo dài sang cả quý II.

Ngay doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu như CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk), dự kiến doanh số quý II, III giảm so với kế koạch ban đầu, đến quý IV mới trở lại bình thường. Khả năng năm 2020 lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 400 tỷ đồng.

Thời gian này cũng là mùa đại hội đồng cổ đông, với nhiều nội dung quan trọng của doanh nghiệp như kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính kiểm toán... Là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp, SCIC đã có những hành động và giải pháp gì, thưa ông?

Với vai trò là cổ đông năng động, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua hệ thống người đại diện vốn, SCIC đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp tập trung phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn đảm bảo nguồn lực cho sản xuất. Cụ thể, giãn thời gian tổ chức ĐHCĐ theo quy định của Luật Doanh nghiệp tránh việc tụ tập đông người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh trình đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, lợi ích của cổ đông tại doanh nghiệp. Duy trì ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt về nguyên liệu sản phẩm, tồn kho và chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chủ động phân tích đánh giá, dự báo tác động của dịch bệnh đến việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đề ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, các giải pháp ngắn hạn, trung hạn để ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực và nắm bắt cơ hội do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính, lập phương án cơ cấu nợ, chủ động làm việc với ngân hàng tìm giải pháp cơ cấu nợ.

SCIC đã có văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các giải pháp chính sách tín dụng (duy trì, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh, giãn nợ, miễn lãi quá hạn...); điều chỉnh lộ trình thời gian tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, tiền thuê đất... ưu đãi thuế (như giảm thuế, không phạt nộp chậm thuế...) cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Tăng giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng; Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý; Hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia...

Ông có chia sẻ rằng, khó khăn là rất lớn, nhưng nếu co cụm sẽ chỉ làm khó khăn nhân lên. Vậy SCIC và doanh nghiệp đã đối mặt với thách thức ra sao?

Chúng tôi đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống người đại diện rằng, chúng ta sẽ chọn giải pháp đối mặt với khó khăn và cùng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn. Tại Vinatex, SCIC đã chỉ đạo người đại diện tại doanh nghiệp tập trung tái cơ cấu hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí, biến nguy thành cơ, chuyển một phần sản xuất quần áo sang khẩu trang để kịp thời chung tay phòng chống dịch và giải quyết việc làm cho người lao động.

SCIC đã làm việc với ngân hàng thương mại để có giải pháp giãn tiến độ trả nợ của Tổng công ty Thép và các công ty con; làm việc với công ty mua bán nợ (DATC) để có giải pháp chuyển nợ thành vốn góp, giảm chi phí tài chính, gánh nặng nợ cho doanh nghiệp; kiến nghị với Bộ Công thương về vấn đề khai thác và tiêu thụ quặng của doanh nghiệp để tạo thêm nguồn thu bù thiếu hụt do giảm sản lượng thép tiêu thụ...

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH Đầu tư SIC trên cơ sở kế hoạch kinh doanh được phê duyệt, nghiên cứu diễn biến thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp.

Tương tự tại Vinamilk, ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn về sản xuất, SCIC phối hợp với doanh nghiệp để có giải pháp mua cổ phiếu quỹ hỗ trợ cổ đông, tạo lập giá cổ phiếu VNM khỏi bị tác động quá tiêu cực, không đáng có từ biến động của thị trường chứng khoán.

Quả thực thị trường chứng khoán quý I ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục hơn 31% tức là chỉ sau mức sụt giảm quý I/2008, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông có thể chia sẻ góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp SCIC để “biến nguy thành cơ”?

Bên cạnh việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư, bản thân SCIC là một nhà đầu tư năng động, hiệu quả của Chính phủ cũng đã có những phân tích, đánh giá chuyên sâu về tác động của dịch Covid 19 tới thị trường chứng khoán nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng.

Chẳng hạn, chúng tôi thấy rằng tính đến 30/3/2020, giá một số cổ phiếu giảm đến 20 - 30%  so với thời điểm đầu tháng 3. Mức P/E hiện tại của một số cổ phiếu đang tương đương giai đoạn thị trường chứng khoán chạm đáy sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

SCIC đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho SCIC liên quan tới đầu tư tài chính (thẩm quyền quyết định đầu tư; lĩnh vực ngành nghề được phép đầu tư).

Để tìm kiếm cơ hội đầu tư khi thị trường suy giảm, SCIC đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho phép dùng nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư để đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nếu được Ủy ban phê duyệt SCIC sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá diễn biến thị trường và báo cáo cấp có thẩm quyền để có những quyết định nắm bắt cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay.

Song song với các cơ hội trên thị trường chứng khoán, SCIC cũng đã làm việc với các Tập đoàn - Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để một mặt tìm kiếm cơ hội đầu tư đồng thời cũng là cung cấp giải pháp huy động nguồn vốn cho các Tập đoàn - Tổng công ty như Tập đoàn Hóa chất... SCIC cũng đang nghiên cứu cơ hội hợp tác với PVGas đầu tư dự án tổ hợp khí – điện tại Sơn Mỹ - Bình Thuận; hợp tác với Vinalines nghiên cứu đầu tư một số hệ thống cảng biển và tìm kiếm cơ hội dự án với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dự án tại các địa phương ĐakLak, Thái Bình...

Tin bài liên quan