Sabeco: cứng nhắc sẽ ế!

Sabeco: cứng nhắc sẽ ế!

(ĐTCK) "Sabeco được xem là cô gái độc đoán. Khi các chàng đến thì ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng tuổi xuân có hạn...".

Không thấy thay đổi đáng kể nào kể từ khi Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để chuyển thành CTCP vào năm 2008. Đó là ý kiến của một số cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ Sabeco vừa diễn ra.

“Bia là tất cả”

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Sabeco cho biết, Tổng công ty đã kiến nghị Bộ Công thương, chủ sở hữu lớn nhất của Sabeco, đổi tên thành Tổng CTCP Bia Sài Gòn. Bởi lẽ, trong cơ cấu sản phẩm thì bia chiếm gần hết, 97,3% doanh thu của Sabeco đến từ hoạt động kinh doanh bia, chỉ có 2,7% là từ rượu và nước giải khát.

Không có bất kỳ phát biểu hay ý kiến nào tại ĐHCĐ đề cập sản phẩm rượu của Sabeco. Theo báo cáo thường niên năm 2013, Sabeco sở hữu 51% CTCP Rượu Bình Tây. Năm ngoái, công ty rượu này sản xuất được 1,8 triệu lít và kế hoạch năm nay là 1,7 triệu lít. Con số thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2014 là 400.000 lít.

Về nước giải khát, Sabeco sở hữu 51% CTCP Nước giải khát Chương Dương. Ông Tuất chia sẻ, việc nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm nước giải khát mới trong bối cảnh đa dạng chủng loại hiện nay là rất khó khăn, chi phí quảng cáo tiếp thị rất lớn. Do đó, hoạt động kinh doanh nước giải khát của Sabeco trong thời gian tới sẽ ở mức cầm chừng.

Xác định “bia là tất cả”, sắp tới, Sabeco sẽ cơ cấu lại một số sản phẩm. Ông Tuất cho hay, Sabeco hiện có 2 sản phẩm được xếp vào nhóm “bò sữa” là Saigon lon 333ml và Saigon Export chai 355ml, nhưng đáng lo ngại là thị phần 2 sản phẩm “bò sữa” này lại đang giảm dần.

“Cần đưa sản phẩm ‘ngôi sao’ sang làm ‘bò sữa’ để bù lại. Sabeco có kế hoạch làm mới 2 sản phẩm này trong tháng 7 tới với một đợt truyền thông mạnh, hy vọng sẽ giữ được thị phần. Ngoài ra, Sabeco đang chuẩn bị để ra mắt sản phẩm cao cấp là Sài Gòn Gold trong năm nay”, ông Tuất nói.

Hiện bia chai Laser 450ml đang bị lỗ, nên sắp tới, Sabeco sẽ giảm sản lượng đối với sản phẩm này.

“Nhập nhằng” mục tiêu hoạt động

Sabeco hiện vẫn nhập nhằng về mục tiêu hoạt động: nửa vì lợi nhuận, nửa làm chính sách; hoạt động theo mô hình cổ phần nhưng vẫn còn quá nặng “bóng” Nhà nước. Nhất cử nhất động, Sabeco đều phải xin ý kiến đơn vị chủ quản là Bộ Công thương. Ngay cả việc đổi tên thành Tổng CTCP Bia Sài Gòn cũng phải chờ Bộ quyết định.

Ông Tuất nói: “Chúng tôi vẫn bị ép chỉ tiêu lợi nhuận tăng hơn năm ngoái. Nếu phải tăng lợi nhuận trước thuế thêm 3% trong năm nay, tức tăng con số tuyệt đối thêm 110 tỷ đồng, trong khi chi phí vận tải có thể sẽ tăng 500 tỷ đồng, rủi ro giá nguyên vật liệu ước tăng thêm 200 tỷ đồng, thì năm nay, chúng tôi phải tăng lợi nhuận thực tế thêm 810 tỷ đồng. So với 3.700 tỷ đồng đạt được vào năm ngoái, lợi nhuận trước thuế năm nay tăng tới 20%. Sabeco mà làm được điều đó thì thực sự là phi thường. Đấy là chưa nói đến rủi ro dán tem sản phẩm hay các chi phí khác”.

Bên cạnh đó, ông Tuất cho hay, các địa phương tiếp tục gửi công văn đề nghị Sabeco duy trì sản lượng như năm ngoái vì lý do an sinh xã hội. Hiện Sabeco đang phải thực hiện như một DNNN thực thụ, bằng các chính sách xã hội, chính sách phát triển vùng miền, nên rất có thể tiếp tục sản xuất phân bố theo các yêu cầu của tỉnh, địa phương, của Bộ và của Chính phủ, như thế sẽ phần nào phương hại đến lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, Sabeco cố gắng duy trì cổ tức 23%, nếu điều kiện tốt hơn sẽ tăng lên.

Năm 2014, Sabeco đặt kế hoạch tổng doanh thu 29.322 tỷ đồng, tăng 615 tỷ đồng (+2,14%); lợi nhuận trước thuế 3.431 tỷ đồng, giảm 148 tỷ đồng (-0,41%) so với năm 2013.

Sabeco ước tính, nếu quy định dán tem sản phẩm được đưa vào áp dụng thì chi phí từ việc dán tem sẽ làm phát sinh 800 tỷ đồng chi phí, chưa bao gồm chi phí đầu tư máy móc để thực hiện việc này. Chi phí vận tải ước tăng thêm 500 tỷ đồng do việc cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát tải trọng đối với phương tiện vận tải đường bộ.   

Giải trình với cổ đông về việc bán bớt phần vốn nhà nước tại Sabeco, tìm đối tác chiến lược và lên niêm yết, ông Tuất nói: “Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn lên sàn phải có cổ đông bên ngoài sở hữu 20% vốn. Sở hữu nhà nước tại Sabeco hiện nay là 89,54%. Muốn lên sàn phải tìm đối tác chiến lược. Nếu muốn Sabeco lên sàn hoạt động công khai như một công ty đại chúng đầy đủ thì Bộ và Chính phủ sẽ xúc tiến việc tìm kiếm đối tác chiến lược. Đây là việc của Bộ, chúng tôi chỉ đóng vai trò tham mưu cho Bộ và Chính phủ. Theo quy định thì bia không thuộc danh mục Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Hy vọng, trong năm nay, Chính phủ sẽ tìm được cho Sabeco đối tác chiến lược”.

Ông Đồng Việt Trung, Trưởng ban Kiểm soát Sabeco ví von: “Sabeco được xem là cô gái độc đoán. Khi các chàng đến thì ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng tuổi xuân cũng có hạn. Theo Hiệp hội Bia Việt Nam thì thị phần của Sabeco hiện chỉ còn 44% so với 46% trước đây. Nếu không mau chóng tìm đối tác chiến lược thì tính hấp dẫn của Sabeco sẽ giảm”.

Tin bài liên quan