Quỹ Nhật theo tiếp “ván bài mới” tại JVC

Quỹ Nhật theo tiếp “ván bài mới” tại JVC

(ĐTCK) Sở hữu 30% vốn tại CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), nhà đầu tư Nhật Bản - Quỹ Dream Incubator từng mong muốn sẽ giúp JVC kết nối với những đối tác Nhật, Mỹ, Ấn Độ... để phát triển thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 6/2016, nguyên Chủ tịch HĐQT JVC đột ngột bị khởi tố, gắn với hàng loạt sai phạm. 

Sự kiện bất ngờ khiến khoản đầu tư của Dream Incubator có nguy cơ mất tất. Dream Incubator đứng trước lựa chọn: Hoặc thoái vốn với giá giấy vụn, hoặc ở lại tái cấu trúc Công ty...

Khó nhất là khôi phục niềm tin

Chưa tại Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp nào, người viết được chứng kiến báo cáo của Ban Kiểm soát lại... dài như tại JVC sáng 31/8/2017. Từ vực thẳm, mất hết niềm tin của cổ đông, của bạn hàng, của đối tác khi nguyên Chủ tịch JVC bị khởi tố và hàng loạt sai phạm bung vỡ vào giữa năm 2016, những người tiếp quản điều hành công ty này dường như muốn gây dựng lại niềm tin bằng cách minh bạch, lộ hết những vết thương trên cơ thể tài chính. Trình bày 11 trang báo cáo trước Đại hội, Trưởng Ban Kiểm soát Đào Mạnh Hùng không ngại nói thẳng: "Tình hình tài chính của JVC có khá hơn, nhưng hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời còn thấp, việc thu hồi nợ xấu tiến triển chậm và gặp rất nhiều khó khăn...".

Với mức thù lao 3 triệu đồng/tháng cho vị trí Trưởng Ban Kiểm soát, ông Hùng cho biết, ông thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định Nhà nước, thẩm định báo cáo tài chính để kiểm soát hoạt động kinh doanh, công tác kế toán, tài chính tại doanh nghiệp. Ban Kiểm soát cũng thường xuyên trao đổi với HĐQT, Ban Tổng giám đốc các vấn đề về quản trị, về tài chính, kế toán... để giữ cho JVC đi theo chiến lược mới, quyết tâm thoát ra khỏi vũng lầy quá khứ, từng mang đến mất mát cho hàng nghìn nhà đầu tư.

Trước khi ông Hùng phát biểu, Tổng giám đốc JVC, ông Ngô Thanh Sơn đã có báo cáo về hoạt động của JVC với cổ đông. Điểm đầu tiên ông Sơn nêu là những... khó khăn nổi bật Công ty phải gánh chịu trong năm kinh doanh 2016. Nặng nhất là khách hàng và nhà cung cấp mất niềm tin, ngân hàng từ chối tài trợ vốn, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, không tham gia được nhiều gói thầu thiết bị lớn.

“Từng có thời điểm không ai muốn về với JVC, cảm giác mọi cơ hội đã khép lại”, ông Sơn chia sẻ và nói lời cảm ơn những cổ đông, nhân sự đã ở lại JVC và gần 1 năm qua, khi có Ban lãnh đạo mới tiếp quản, một JVC mới đang dần định hình.

Thay 3 chủ tịch trong hơn 1 năm, người ngồi vị trí đương nhiệm là một gương mặt không xa lạ với ngành chứng khoán: Ông Phạm Quang Huy, người nhận giấy phép hành nghề chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1999.

Đại diện của Quỹ Dream Incubator, bà Vũ Thị Thu Hằng cho biết, vào thời điểm khủng hoảng hơn 1 năm trước, Quỹ đã tìm được sự đồng cảm trong tư duy kinh doanh với nhóm cổ đông của ông Phạm Quang Huy. Hai bên đã quyết định sẽ lái JVC đi theo một hướng khác, cái gì hiệu quả thì làm, không thì kiên quyết dứt bỏ. Hiện Dream Incubator và nhóm cổ đông này sở hữu trên 51% vốn tại JVC. Ban lãnh đạo đặt quyết tâm tạo dựng lại JVC. Điểm may cho JVC là không còn vương vấn về sở hữu với những nhân sự đang chịu điều tra hình sự.

JVC có gì để tin?

Theo ông Ngô Thanh Sơn, nếu nửa đầu năm 2016, hầu hết mọi người quay lưng đi, thì hiện nay, tình hình tại JVC đang dần cải thiện. Đặc biệt, đối tác Hitachi (Nhật Bản) đã trao lại cho JVC quyền khai thác 14 tỉnh phía Nam, đồng thời nâng tầm quan hệ trên cơ sở niềm tin mới. Đối tác Fujifilm cũng đã ổn định kênh phân phối miền Bắc với JVC và Công ty đang mở rộng danh mục sản phẩm, hệ thống kiểm soát chống nhiễm khuẩn Sakura, siêu âm Sonoisite Fuji...

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Sơn cho biết, JVC từng phân phối độc quyền sản phẩm thiết bị y tế cho Hãng Hitachi với doanh số chiếm đến 60-70%. Khi xảy ra khủng hoảng, Hitachi đã chuyển giao quyền khai thác thị trường miền Nam cho bên khác, nhưng nay, thị trường này trở lại với JVC và Công ty tiếp tục đảm nhận vai trò phân phối độc quyền sản phẩm thiết bị y tế của Hitachi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nửa đầu năm 2016, JVC hầu như không hoạt động gì ngoài việc cố gắng bán các thiết bị tồn đọng với giá rẻ. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo mới vào tiếp quản, JVC đã có 6 tháng cuối năm 2016... bớt lỗ. Nửa đầu năm 2017, tình hình khởi sắc hơn khi các mảng kinh doanh chính dần đi vào ổn định. Công ty dự kiến sẽ đạt doanh số 630 tỷ đồng năm 2017, tăng 26% so với năm 2016 và ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 19 tỷ đồng.

Dù lãi, nhưng điểm khó khăn nhất trong bức tranh tài chính tại JVC chính là khoản lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng từ hậu quả của quá khứ. Hiện JVC có khoản phải thu khó đòi gần 1.200 tỷ đồng, nhưng nhiều khoản trong số này có vướng đến các hồ sơ pháp lý không đủ nguồn gốc, khả năng thu hồi còn mong manh.

Trong khi Ban lãnh đạo dành nhiều nỗ lực để định hình một JVC mới, thì mối quan tâm của các cổ đông là câu chuyện cụ thể về sức khỏe tài chính. Tại Đại hội, cổ đông Phạm Văn Quỳnh đặt câu hỏi: JVC sẽ làm cách nào để xóa lỗ lũy kế? Câu trả lời từ ông Huy là có 3 cách. Thứ nhất, hàng năm, JVC phải lãi cao để bù đắp dần. Thứ hai, JVC tiến hành hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để xóa lỗ lũy kế. Thứ ba, phải thu hồi công nợ, nếu thu được sẽ hạch toán vào lợi nhuận trong kỳ.

Trong một kịch bản giả thuyết, JVC làm ra được 100 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm (theo cách thứ nhất + cách thứ ba), như thế cũng sẽ phải mất 13 năm mới xóa hết lỗ lũy kế. Để quá trình xóa lỗ nhanh hơn, JVC còn cách sáp nhập, hợp nhất với một doanh nghiệp khác (như cách mà một số công ty chứng khoán từng làm). Tuy nhiên, theo ông Huy, việc này cần sự ủng hộ của cổ đông, bởi cần sự quyết định 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết đồng thuận.

Chịu khoản lỗ lũy kế đè nặng, nhưng một chiến lược kinh doanh mới tại JVC đã được thông qua và thống nhất tại Đại hội: JVC sẽ bước tiếp bằng tư duy kinh doanh minh bạch, chỉ kinh doanh những sản phẩm thực sự hữu ích cho người dùng và mang lại hiệu quả (doanh thu, lợi nhuận thực) cho Công ty.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Dream Incubator tại JVC cho biết, Chủ tịch Quỹ, ông Koichi Hori đã “vui hơn nhiều” khi nền tảng kinh doanh mới đang dần định hình tại đây. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng Dream Incubator sẽ ở lại với JVC, thay vì chỉ đầu tư tài chính (như trước khi xảy ra khủng hoảng), sẽ tham gia trực tiếp vào Ban lãnh đạo (bà Hằng, hiện đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc JVC), chung tay xây dựng một công ty thiết bị y tế Việt Nam, với chất lượng Nhật Bản.         

Quỹ Dream Incubator là một quỹ đầu tư lớn tại Nhật Bản, đầu tư tại nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... Quỹ này đến Việt Nam từ 10 năm trước, với mong muốn kết nối các doanh nghiệp Việt được Quỹ đầu tư với các đối tác lớn ở nhiều thị trường khác. Quỹ từng đầu tư vào Nutifood (nắm 35% vốn, đã thoái) và đầu tư vào một số công ty phân phối, dịch vụ như Mesa, Phano, L&A... Khoản đầu tư vào JVC mang lại sự mất mát nặng nhất về niềm tin và lỗ tạm tính, tuy nhiên, Quỹ đã quyết định ở lại, xây dựng một JVC khác.

Chúng tôi sẽ tạo dựng niềm tin theo cách mới

Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT JVC

Tôi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT JVC vào tháng 9/2016. Vào thời điểm 1 năm trước, Công ty ở tình trạng vô cùng khó khăn, nợ thuế gần 60 tỷ đồng, Công ty không được cấp hóa đơn nên phải đi xin từng tờ một. Sau 1 năm, JVC đã xử lý rứt điểm khoản nợ thuế và thanh toán được nhiều khoản nợ tồn đọng. Tình hình tài chính đã minh bạch và lành mạnh hơn, dòng tiền vào ổn định, thanh khoản đều, kinh doanh tại JVC hiện nay là doanh thu thật và lãi thật.

Sau tái cấu trúc, JVC có đội ngũ mới với 200 nhân sự, trong đó có 50 kỹ sư được đào tạo bài bản ở các tập đoàn thiết bị y tế lớn, có kinh nghiệm bảo dưỡng, bảo trì trong lĩnh vực này. Hiện Hitachi không phát triển đội ngũ bảo trì tại Việt Nam, mà sử dụng nguồn nhân sự của JVC. Nhân sự tốt là yếu tố cốt lõi, quyết định chất lượng và khả năng thực hiện chiến lược của JVC.

Trong chiến lược kinh doanh mới, chúng tôi kiên quyết phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất cho người sử dụng. Theo cách này, dù chủ dự án là ai thì họ vẫn cần đến các sản phẩm của chúng tôi. Tất nhiên, để chứng minh sản phẩm là tốt, chúng tôi đã và sẽ phải tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo, nhất là đội ngũ bác sỹ đầu ngành để họ hiểu và có niềm tin vào Công ty.

Trong quản trị Công ty, 1 năm trước, JVC không có quy trình, quy chế, hệ thống kế toán không rõ đúng sai... Tuy nhiên, hiện nay, mọi việc đã được xác lập rõ ràng, đúng pháp luật. Chúng tôi quyết định thay kiểm toán cho JVC năm 2017, sẽ chọn PwC, E&Y hoặc Deloitte. Con đường phía trước còn rất chông gai, nhưng tôi tin rằng, chúng tôi sẽ tạo dựng lại được niềm tin từ đối tác, đến cổ đông và các chủ thể khác trên thị trường.

Những ám ảnh về JVC đã vơi dần

Cổ đông Phạm Văn Quỳnh

Tham gia thị trường chứng khoán cỡ 17 năm, đồng thời cũng tham dự hàng trăm đại hội cổ đông, nhưng chưa có đại hội nào đem lại cho tôi nhiều cảm xúc như tại JVC ngày 31/8/2017. Cảm xúc lẫn lộn là bởi tôi có nhiều kỳ vọng và lo âu, liệu Công ty có thể vượt qua khó khăn và hồi sinh không?

Qua các báo cáo, tôi thấy rằng, Công ty chưa thể giải quyết hết hệ quả xấu từ quá khứ, nhưng nỗ lực thực tế của Ban lãnh đạo mới đã giúp tôi phần nào vơi đi những ám ảnh về JVC. Tôi tin rằng, khủng hoảng đã lùi lại quá khứ, JVC chính thức bắt nhịp trở lại với hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Mặc dù kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng của cổ đông, nhưng thông tin JVC chính thức có lãi, đoạn tuyệt quá trình 2 năm khủng hoảng, chìm trong thua lỗ là một điểm sáng.

Là một cổ đông, tôi mong muốn JVC mau chóng lấy lại vị thế kinh doanh, giải quyết hết lỗ lũy kế… Ngoài tôi ra, còn rất nhiều cổ đông khác cùng mong một ngày không xa, JVC sẽ vượt qua khủng hoảng, lấy lại vị thế xứng đáng, bù đắp những lợi ích tương xứng cho cổ đông, trong đó có tôi. Đứng lên đi, JVC! 

Tin bài liên quan