Tổng giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận

Tổng giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận

Quý I/2015, VRG sẽ thoái vốn và đấu giá 5 công ty con

(ĐTCK) Giá bán mủ cao su sụt giảm là khó khăn lớn đè nặng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tiến trình tái cơ cấu của các DN ngành cao su năm 2014 và dự kiến có thể kéo dài trong năm 2015.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Trần Ngọc Thuận khẳng định, sẽ không lùi tiến độ và tìm mọi giải pháp để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu đã đặt ra. 

Xin ông cho biết tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu, đổi mới và sắp xếp lại tại các DN thành viên VRG và kết quả đạt được cho đến nay? Kết quả này có tác động thế nào tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên?

Theo Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với Đề án tái cơ cấu VRG, trong giai đoạn 2012 - 2015, VRG duy trì Công ty mẹ -Tập đoàn, 4 đơn vị sự nghiệp nằm trong cơ cấu Công ty mẹ -Tập đoàn và các đơn vị DN do Công ty mẹ -Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ là các công ty TNHH MTV chưa cổ phần hóa. Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ, nhằm đẩy mạnh cổ phần hoá, Tập đoàn dự kiến cổ phần hoá 5 công ty trong năm 2015 và đã được Chính phủ chấp thuận theo Văn bản số 9843/VPCP- ĐMDN ngày 9/12/2014.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, theo Quyết định 38, Tập đoàn thực hiện thoái 100% vốn góp của Công ty mẹ -Tập đoàn ở 23 đơn vị. Trong năm 2014, Tập đoàn đã thoái vốn 659 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 784 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt, nâng tổng số vốn đã thoái lên 976 tỷ đồng.

Về cơ bản, việc thoái vốn đến thời điểm này là có hiệu quả, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn, không làm ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.

Ngành cao su sẽ thực hiện tái cơ cấu đồng loạt trên cả 4 hoạt động 

Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu và sắp xếp lại đối với các đơn vị thành viên trong năm 2015 này như thế nào, thưa ông?

Tập đoàn đang thực hiện các thủ tục thoái vốn và tổ chức đấu giá trong quý I/2015 đối với 5 công ty. Riêng đối với nhóm các công ty thuỷ điện do Tập đoàn giữ quyền chi phối, do liên quan đến việc Tập đoàn bảo lãnh các khoản vay nên không thể tổ chức bán đấu giá rộng rãi.

Tập đoàn đã hoàn thành việc thẩm định giá, thuê đơn vị tư vấn tìm kiếm nhà đầu tư, hiện đang trong quá trình đàm phán để có mức giá tốt nhất. Việc bán thành công nhóm các công ty này quyết định sự thành công của chương trình thoái vốn của Tập đoàn. Tuy nhiên, việc thoái vốn lệ thuộc khá nhiều vào tình hình TTCK trong thời gian tới.

Ngoài khó khăn khách quan từ tình hình chung của thị trường, đâu là những khó khăn và vướng mắc nội tại?

Hiện nay, việc xác định giá trị DN để cổ phần hóa các công ty cao su dựa vào Thông tư 132/2011/TT-BTC ngày 28/9/2011 của Bộ Tài chính, điều bất cập nhất là việc này phải tiến hành trong tình hình giá cao su sụt giảm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính đã phối hợp xây dựng thông tư liên bộ về phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Đây là cơ sở để xác định giá trị vườn cây cao su khi cổ phần hóa, nhưng đến nay, thông tư này vẫn chưa được ban hành.

Theo tinh thần Thông tư 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, cơ sở để xác định giá sàn khi thoái vốn là kết quả thẩm định, nhưng việc lựa chọn và tiến hành thẩm định giá tốn khá nhiều thời gian. Đặc biệt, chứng thư thẩm định giá chỉ có giá trị từ 6 tháng đến 1 năm, khi đấu giá không thành công phải đấu giá lại, có trường hợp quá thời gian hiệu lực chứng thư, phải thẩm định giá lại. Ngoài ra, với các trường hợp tỷ lệ vốn để thoái trong DN nhỏ, DN thoái vốn không hợp tác, việc thẩm định giá không thực hiện được, một số trường hợp giá trị thoái vốn nhỏ, trong khi chi phí thẩm định giá lớn.

Để có thể thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu và sắp xếp lại các DN thành viên trong điều kiện khó khăn như vậy, Tập đoàn có những giải pháp gì?

Chúng tôi xác định, tái cơ cấu là một quá trình liên tục và việc tái cơ cấu thành công sẽ giúp Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên hoạt động có hiệu quả hơn và làm tăng thêm giá trị cho tất cả các thành viên. Vì vậy, Tập đoàn đã chủ động đề ra các kế hoạch, lộ trình cổ phần hoá, lộ trình thoái vốn trên cơ sở tầm nhìn chiến lược về ngành cao su giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2020.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là thực hiện tái cơ cấu đồng loạt trên cả 4 hoạt động là tái cơ cấu DN, tái cơ cấu tổ chức, tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu hoạt động. Chỉ khi thực hiện đồng bộ cả 4 nhóm giải pháp trên thì Tập đoàn mới đạt hiệu quả cao và thu được kết quả bền vững.

Bên cạnh đó, kết quả tích cực đạt được bước đầu trong các hoạt động tái cơ cấu thời gian qua là nhờ sự quán triệt chủ trương từ các cấp và phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo Tập đoàn đến các đơn vị thành viên để triển khai tái cơ cấu thực sự, chứ không mang tính hình thức.

Tin bài liên quan