Quốc tế Phương Anh lãng quên câu chuyện lên sàn?

Quốc tế Phương Anh lãng quên câu chuyện lên sàn?

(ĐTCK) Hơn một năm kể từ ngày nộp hồ sơ, phương án niêm yết trên sàn HOSE của CTCP Quốc tế Phương Anh vẫn chưa được chấp thuận. Công ty dường như đã lãng quên câu chuyện này, bất kể việc lên sàn gọi vốn có thể là hướng đi khả thi trong bối cảnh thiếu vốn.

Dòng tiền âm liên tục

Quốc tế Phương Anh hoạt động kinh doanh chủ yếu trong mảng bán buôn kim loại, quặng kim loại; gia công cơ khí; bán buôn các loại sắt thép và bất động sản. Sau 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ của Công ty hiện đạt 255 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm nay, Công ty báo cáo doanh thu 1.002,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, Công ty hoàn thành 83,5% kế hoạch doanh thu và 65,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tuy kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng, nhưng nhìn sâu vào báo cáo tài chính, có thể thấy vấn đề lớn về tài chính của Công ty trong những năm gần đây vẫn chưa được giải quyết.

Đó là, số dư tiền hạn hẹp và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh luôn âm (ít nhất từ năm 2015 tới nay).

Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền tính tới cuối quý III/2019 của Công ty đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 77,7% so với đầu năm.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm 44,1 tỷ đồng (đầu năm âm 32,6 tỷ đồng).

Dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp, có nghĩa là dòng tiền từ Công ty chảy ra, doanh nghiệp sẽ phải đi vay để tạo dòng tiền bù đắp.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý III/2019 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, Công ty tiếp tục vay nợ (tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được) 352,2 tỷ đồng.

Trong đó, vay ngắn hạn là 197,57 tỷ đồng, tăng 16,7%, chủ yếu là vay ngân hàng với giá trị khoảng 190,2 tỷ đồng. Vay nợ nhiều hơn khiến tiền chi trả nợ gốc vay trong kỳ lên tới 289,6 tỷ đồng, tăng 19,2% so với đầu năm.

Các khoản phải trả ngắn hạn khác đạt 20,8 tỷ đồng, tăng 205,8%; trong đó, phải trả các đơn vị và cá nhân khác chiếm 18,76 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư (thể hiện sự chênh lệch giữa dòng tiền ra và vào) âm 22,8 tỷ đồng.

Trong đó, 100% là tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Nguyên nhân chủ yếu là Công ty đang tiến hành đầu tư xây dựng Nhà máy Phương Anh giai đoạn 2.

Công ty từng đẩy mạnh hoạt động đầu tư bất động sản thông qua việc ủy thác đầu tư, tuy nhiên, kết quả không lấy làm khả quan.

Tới cuối năm 2017, Công ty đã thu hồi nhiều khoản hợp tác đầu tư và từ đó tới nay duy trì quan điểm nắm giữ bất động sản đầu tư chờ tăng giá (là quyền sử dụng đất).

Cụ thể, Ban giám đốc Công ty đánh giá các bất động sản hiện không bị giảm giá trị so với giá thị trường, bao gồm quyền sử dụng đất thửa số 99 tại Đà Nẵng, diện tích hơn 2.000 m2, quyền sử dụng đất lô BA645774 thửa đất số 18 tại Đà Nẵng diện tích hơn 1.000 m2 với giá trị vào khoảng 56,65 tỷ đồng.

Nhiều biến động nhân sự

Nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE từ tháng 11/2018, nhưng tới nay, Công ty vẫn chưa được cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chấp thuận.

Đáng chú ý, kể từ tháng 5/2019 tới nay, Công ty có nhiều biến động nhân sự cấp cao. Cụ thể, trong tháng 9/2019, ông Trần Hữu Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty xin từ nhiệm. Theo đó, ông Trần Trung Dũng được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 3/10/2019.

Cũng trong tháng 10/2019, bà Nguyễn Thị Thanh Nga bị miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng và một thành viên Hội đồng quản trị khác xin từ nhiệm là ông Nguyễn Xuân Thắng.

Thay vị trí của bà Nga là bà Dương Thị Thanh Hải.

Theo bản công bố thông tin công ty đại chúng vào tháng 11/2018, một dự án tham vọng bậc nhất của Công ty là Dự án căn hộ cao cấp Phương Anh Luxury Residence, tại mặt biển Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 1.042,4 tỷ đồng.

Vốn ban đầu của chủ đầu tư là 204,2 tỷ đồng, chiếm 20%. Tuy nhiên, hiện tại, website của Công ty không còn cập nhật thông tin về dự án này.

Tin bài liên quan