Ảnh Internet

Ảnh Internet

QNS: Giá cổ phiếu mất gần 50% vì đâu?

(ĐTCK) Từng đạt mức giá 128.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/3/2017, tương đương mức giá 79.650 đồng/cổ phiếu sau khi điều chỉnh tác động của các đợt chia cổ tức, nhưng hiện tại, cổ phiếu QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi chỉ giao dịch ở mức 42.600 đồng/cổ phiếu, mất giá tới gần 50% chỉ sau hơn 1 năm. Vậy điều gì khiến giá cổ phiếu này sụt giảm mạnh?

Áp lực giá giảm, đầu ra khó

Quý I/2018, QNS cho biết, doanh thu sản phẩm đường của Công ty đạt 484 tỷ đồng, giảm 19,55% so với cùng kỳ năm 2017 là gần 602 tỷ đồng. Điểm tích cực là tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu của QNS quý I năm nay đã giảm về mức 84,27% so với 86,34% của quý I/2017, nhưng mức thay đổi này cũng không giúp lợi nhuận gộp của QNS được duy trì. Theo đó, lợi nhuận gộp từ đường của Công ty về mức 76 tỷ đồng, so sánh với cùng kỳ năm trước là 82 tỷ đồng.  

Trên thực tế, không phải đến năm 2018, mảng đường của QNS mới đi xuống. Nhìn từ năm 2015 đến nay, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp với mảng đường liên tục sụt giảm. Cụ thể, năm 2015, mảng đường mang lại gần 2.264 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi trước thuế gần 221 tỷ đồng cho QNS. Tuy nhiên, đến hết năm 2016, doanh thu ở mảng này đã giảm về gần 1.806 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 208 tỷ đồng.

Năm 2017, doanh thu mảng đường của QNS tăng nhẹ lên mức 1.867 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp chỉ còn 61 tỷ đồng. Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2017 với lợi nhuận gộp 82 tỷ đồng, thì 3 quý cuối năm 2017, QNS đã lỗ gộp mảng đường.

Trong quý I/2018, lợi nhuận gộp của Công ty đã tăng trở lại so với trung bình 3 quý cuối năm 2017, khi QNS đã chuyển được áp lực giảm giá cho nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, ở đây là nông dân bán mía.

Tuy nhiên, những dự báo không mấy khả quan về giá đường, trong đó có dự báo về khả năng giá đường giảm về mức thấp nhất 11 năm là những yếu tố khiến nhà đầu tư thận trọng khi đầu tư vào doanh nghiệp ngành đường nói chung và QNS nói riêng. Tại Việt Nam, đường nhập khẩu giá thấp hơn đường trong nước, tồn kho lớn đang tạo nên áp lực về giá cho sản phẩm này, cũng như về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Dữ liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, sản lượng đường tồn kho đến giữa tháng 4/2018 là hơn 680.000 tấn, cao hơn trên 37.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, dù lượng đường bán ra từ các nhà máy đã tăng. Giá bán đường hiện nay dao động quanh mức 10.500 - 12.000 đồng/kg tùy theo từng khu vực, giảm trên 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trên thế giới, lượng đường hiện đang ở mức cao kỷ lục, đạt xấp xỉ 178 triệu tấn, dư thừa 5 triệu tấn so với nhu cầu.

Tại QNS, dù không có bóc tách chi tiết nhưng số dư tồn kho của Công ty đã tăng rất mạnh trong quý này. Cuối quý I/2018, QNS có tồn kho thành phẩm lên tới hơn 632 tỷ đồng, trong tổng số 980 tỷ đồng hàng tồn kho, trong khi đầu năm 2018 là 47,6 tỷ đồng; cuối quý I/2017 là 520 tỷ đồng, cuối quý I/2016 là 531 tỷ đồng.

Sữa đậu nành: “Gà đẻ trứng vàng” đang chịu nhiều sức ép

Được thị trường nhớ đến với tên gọi Đường Quảng Ngãi, nhưng mảng mang lại lợi nhuận lớn vượt trội cho QNS lại là sữa đậu nành, với thương hiệu Vinasoy.

Tính đến tháng 12/2017, QNS đã đưa vào hoạt động Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương công suất giai đoạn I là 90 triệu lít/năm, nâng tổng công suất sản xuất sữa đậu nành của Công ty lên 390 triệu lít/năm với máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, có quy mô đứng trong Top 5 nhà sản xuất đậu nành lớn nhất thế giới. Đến hết năm 2017, QNS chiếm tới 86,2% thị phần sản phẩm sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam. Hệ thống phân phối của QNS cũng đã đạt tới 92% kênh phân phối toàn quốc với hơn 150.000 điểm bán phủ rộng khắp 63 tỉnh thành.

QNS: Giá cổ phiếu mất gần 50% vì đâu? ảnh 2 

Trong năm 2015, QNS đạt 3.783 tỷ đồng doanh thu, 851 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tại mảng sữa đậu này. Năm 2016, mảng sữa đậu nành đóng góp 3.683 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp 1.482 tỷ đồng, 1.022 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2017, doanh thu, lợi nhuận gộp mảng này lần lượt là 3.885 tỷ đồng và 1.522 tỷ đồng trên tổng số 1.996 tỷ đồng lợi nhuận gộp cả năm.

Những con số trên cho thấy, vị thế của Vinasoy tại thị trường sữa đậu nành của Việt Nam nói chung, và đóng góp vào hoạt động kinh doanh của QNS nói riêng. Thế nhưng, tại chính mảng này cũng đang hình thành những áp lực kinh doanh mới.

Theo nghiên cứu của A.S.Louken, ngành sữa đậu nành tăng trưởng 17% trong giai đoạn 2011 - 2016, và Euromonitor cho rằng, sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành tại Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng 10,1% trong 5 năm tới (2017 - 2021). Những con số này cho thấy, QNS đã đầu tư rất đúng xu hướng khi tiến vào lĩnh vực sữa đậu nành. Việc đạt được mức tăng thị phần rất ấn tượng, từ 50% thị trường năm 2010 lên mức 86,2% năm 2017, với quy mô thị trường liên tục tăng liên tục nhiều năm, là một thành công vượt trội của Công ty.

Tuy nhiên, các số liệu cũng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, QNS đã có xu hướng chững lại kết quả kinh doanh; khi doanh thu, lợi nhuận năm 2016, 2017 mảng này tăng chậm. Quý I/2018, lợi nhuận gộp tăng 3,9%, nhưng doanh thu đã giảm tới 11,18%. Diễn biến trái chiều của doanh thu và lợi nhuận gộp có thể xảy ra trong ngắn hạn, nhưng trong bối cảnh QNS đang mở rộng đầu tư, dẫn tới tăng chi phí quản lý, tăng khấu hao, thì cơ hội để Công ty đạt được mức lợi nhuận tốt hơn quá khứ trong khi doanh thu giảm đi là điều không khả thi.

Dư địa cho tăng trưởng đã không còn nhiều, trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ khác đang lớn dần. Việc các nhà sản xuất trong nước, cũng như tên tuổi nước ngoài như Vitasoy, Homesoy hay Soy Secretz… đang từng bước đẩy mạnh phát triển thị trường này khiến QNS chịu sức ép lớn, nhất là khi danh mục sản phẩm của Công ty trên thị trường còn khá nghèo nàn.

Các mảng khác đều sụt giảm

Ngoài đường, sữa đậu nành, QNS còn có bánh kẹo, bia… Không có bóc tách chi tiết về tình hình kinh doanh, nhưng trong quý đầu tiên của năm 2018, QNS có doanh thu và lợi nhuận gộp chung của các mảng này đều sụt giảm mạnh.

QNS: Giá cổ phiếu mất gần 50% vì đâu? ảnh 3 

Sụt giảm doanh thu hàng loạt, nhưng chi phí bán hàng của QNS lại tăng, với chi phí nhân viên tăng gần 15%, chi phí vận chuyển 17%, chi phí quảng cáo tăng 14%; chi phí nhân viên quản lý tăng 61% tạo áp lực lên kết quả kinh doanh chung toàn Công ty. Quý I/2018, lợi nhuận sau thuế của QNS chỉ còn 188 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ quý I của năm 2015, 2016 và 2017.

Tính đến hết ngày 21/5/2018, giá cổ phiếu QNS chỉ còn 42.600 đồng/cổ phiếu, giảm gần 50% so với mức đỉnh lập được trước đó hơn 1 năm. Nếu giả định năm 2018, QNS có thể đạt được mức lợi nhuận tương đương năm 2017 là 1.207 tỷ đồng; tương đương EPS khoảng 3.578 đồng, ở mức giá hiện tại, định giá QNS rẻ hơn toàn thị trường, nhưng so với các doanh nghiệp ngành đường nói chung thì không phải quá rẻ. Do đó, câu chuyện lớn mà thị trường quan tâm lúc này là QNS sẽ làm gì để thúc đẩy tăng trưởng mảng sữa đậu nành và thị trường đường sẽ đi về đâu?

Tin bài liên quan