PVT tiền đâu để mua tàu mới?

PVT tiền đâu để mua tàu mới?

(ĐTCK) Sau khi đầu tư 7 tàu mới trong năm ngoái, ngày 5/3 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) lại trình cổ đông kế hoạch đầu tư khoảng 13 tàu mới trong cả hệ thống Tổng công ty. Trong bối cảnh tín dụng đang siết lại, vay vốn khó khăn hơn, PVT sẽ làm gì để huy động đủ vốn cho kế hoạch mua tàu này, mà riêng vốn chủ sở hữu cần tới khoảng 76 triệu USD? 

Theo PVT, năm 2019, tại công ty mẹ sẽ đầu tư 1 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất có tải trọng từ 10.000 - 20.000 DWT, 1 tàu chở hàng rời có tải trọng từ 50.000 - 80.000 DWT. Tại các đơn vị thành viên, PVTrans Pacific đầu tư 1 tàu vận chuyển dầu thô lớn (VLCC) phục vụ Liên doanh Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và 1 tàu vận chuyển dầu thô cỡ Afrimax.

Công ty Nhật Việt đầu tư 1 tàu vận tải khí hóa lỏng LPG có sức chở đến 3.000 CBM và 1 tàu/sà lan chở than trọng tải khoảng 10.000 - 15.000 DWT. Công ty Gas Shipping đầu tư 1 tàu loại chiêu lớn (VLGC) có sức chứa đến 85.000 CBM và 1 tàu vận tải LPG có sức chở khoảng 5.000 CBM.

Công ty Phương Đông Việt đầu tư 3 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất trọng tải khoảng 10.000 - 20.000 DWT; trong đó, có 1 tàu chuyển tiếp và 2 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất loại 20.000 DWT. PVTrans Vũng Tàu đầu tư 1 tàu chở hàng rời loại Handysize.

Bên lề Đại hội đồng cổ đông, Tổng giám đốc PVT Phạm Việt Anh chia sẻ, là doanh nghiệp nhà nước, để đầu tư, Công ty phải có kế hoạch sớm, nếu thực hiện được 70% kế hoạch đầu tư của năm đã là tốt.

Theo PVT, thị trường mua bán tàu biển đang ở mức thấp là cơ hội để Công ty triển khai công tác đầu tư phát triển và trẻ hóa phương tiện vận tải như tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu LPG, tàu hàng khô.

“Việc đầu tư tàu trong quá khứ đã từng có những bài học thua lỗ nặng nên tính toán đầu tư phải cẩn trọng. Trước kia, có khi chấp nhận lỗ một hai năm đầu, nhưng bây giờ muốn hiệu quả ngay. Chúng tôi căn cứ vào mức giá cước quốc tế trong một thời gian dài để tính toán hiệu quả đầu tư. Giá cước hiện đã phục hồi, nhưng vẫn đang ở vùng đáy”, ông Anh nói.

Về nguồn vốn đầu tư, PVT cho biết sẽ cố gắng thu xếp vay ngoại tệ vì ngay cả khi tỷ giá có biến động, vay ngoại tệ vẫn tốt hơn vay tiền đồng. Nếu tỷ giá chênh lệch 1%, PVT lỗ 15 tỷ đồng, với dư nợ hiện nay, PVT xây dựng kế hoạch chênh lệch 3% tỷ giá thì lỗ 45 tỷ đồng, không đáng kể so với mức tăng của doanh thu. Trong năm 2018, chênh lệch tỷ giá đối với đánh giá lại dư nợ gốc phát sinh hơn 17 tỷ đồng, còn các năm trước không phát sinh. PVT có nguồn thu ngoại tệ để cân đối trả nợ. Tuy nhiên, thách thức lớn mà PVT phải đối mặt là đến tháng 9/2019, ngân hàng sẽ dừng cho vay ngoại tệ.

PVT dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phiếu mới để giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 51% xuống 36%. Trong chiến lược phát triển 2015 - 2020, là giai đoạn thị trường khó khăn, PVT xây dựng kế hoạch tăng vốn rất thận trọng.

“Trong 5 năm tới, khi thị trường thuận lợi hơn, phát hành cổ phiếu có cơ hội thu nguồn thặng dư, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch phát triển khác”, ông Anh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, PVT đang kỳ vọng 5 năm tới, năng lực vận tải sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Trước mắt, nhu cầu vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện đạt khoảng 9 triệu tấn, vận chuyển dầu thô từ Kuwait về cho Liên doanh Nghi Sơn (NSRP) tối thiểu 25,1% trong tổng nhu cầu 10 triệu tấn dầu thô cho liên doanh này sẽ là nguồn hàng mới của PVT.

Các cổ đông của PVT đặc biệt quan tâm đến việc ký hợp đồng dài hạn vận chuyển cho NSRP. Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Anh cho biết, năm 2018, Nghi Sơn đang chạy thử nên chưa thể tính đến việc ký hợp đồng dài hạn. Để phục vụ nhu cầu chạy thử, NSRP đã nhập 19 chuyến dầu thô và tạo điều kiện cho PVTrans tham gia vận chuyển bằng tàu VLCC. NSRP bán ra thị trường những lô sản phẩm đầu tiên khiến nhu cầu vận chuyển gia tăng cục bộ. PVT trúng thầu vận chuyển mỗi chuyến có thể lãi hơn 1 tỷ đồng.

Nhưng với PVT, lời lãi hiện tại không quan trọng bằng việc xây dựng hồ sơ tốt để tham gia đấu thầu ký hợp đồng vận chuyển dài hạn cho MSRP, dù bên liên doanh hay đối tác đứng ra tổ chức đấu thầu.

PVT hiện có 9 tàu vận tải xăng dầu thì 7 tàu đang vận tải quốc tế và 2 tàu vận tải trong nước. Xu hướng vận tải xăng dầu sẽ giảm đi và vận tải hóa chất sẽ tăng lên và rất ổn định.

Các công ty thành viên của PVT cũng lên kế hoạch đầu tư tàu lớn. PVT kỳ vọng các công ty thành viên sẽ tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược để có nguồn mua tàu. Công ty Vận tải dầu Phương Đông Việt (PDV, sàn UPCoM) vừa hoàn thành phát hành 66 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tăng vốn lên 266 tỷ đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá, trong khi giá cổ phiếu trên UPCoM dưới 5.000 đồng/cổ phần.

Tại Đại hội cổ đông sắp tới, PDV dự kiến sẽ tăng vốn lên 476 tỷ đồng. Theo đó, PVT sẽ góp thêm vốn để đảm bảo giữ tỷ lệ sở hữu 51%. Nguồn vốn này giúp PDV đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu để đầu tư 3 tàu mới như kế hoạch.                        

Tin bài liên quan