PVN đề xuất cơ chế đặc thù để đẩy mạnh tái cơ cấu

PVN đề xuất cơ chế đặc thù để đẩy mạnh tái cơ cấu

(ĐTCK) Nhiều giải pháp tái cấu trúc đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất tại Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 - 2025 trình Bộ Công thương.

Mục tiêu cơ cấu lại đầu tư được PVN ưu tiên hàng đầu trong phương án tái cơ cấu giai đoạn tới. Theo đó, PVN tập trung vào lĩnh vực thăm dò khai thác, đồng thời đẩy mạnh việc giảm hoặc giãn, thoái vốn ở những lĩnh vực ngoài sản xuất - kinh doanh chính và hiệu quả thấp. 5 lĩnh vực kinh doanh chính dự kiến duy trì đến năm 2020 bao gồm tìm kiếm, thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí, sau đó thu hẹp theo hướng tinh gọn để sau năm 2025, Tập đoàn chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt là thăm dò khai thác, khí và chế biến dầu khí.

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức đối với từng lĩnh vực cốt lõi, PVN nhấn mạnh, thăm dò khai thác vẫn là lĩnh vực tập trung tài sản và vốn chủ sở hữu lớn nhất của Tập đoàn, với lợi nhuận giai đoạn 2011 - 2016 luôn chiếm trên 60% lợi nhuận toàn Tập đoàn và hệ số ROE trung bình trên 16,5%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh 2 liên doanh Vietsovpetro (VSP) và Rusvietpetro (RVP) hoạt động tương đối ổn định thì Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như tài nguyên dần cạn kiệt, chi phí giá thành khai thác tăng, điều kiện khai thác phức tạp…

Để giải quyết vấn đề này, PVN đề xuất, ngoài việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, sẽ mời đối tác chiến lược mua cổ phần của PVEP nhằm tận dụng các lợi thế về nguồn lực tài chính, quản trị, đồng thời tái cơ cấu mạnh các dự án của PVEP theo hướng thuê điều hành đối với các dự án mang lại lợi ích cho Nhà nước.

Với lĩnh vực chế biến, phương án cổ phần hóa và thoái vốn lĩnh vực lọc dầu, chế biến khí sẽ được đẩy mạnh, trong đó cơ cấu mảng sản xuất phân đạm phù hợp với việc đảm bảo nguồn cung đầu vào khí thiên nhiên, phát triển hệ thống phân phối nhằm chủ động trong sản xuất - kinh doanh và đẩy mạnh thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh, dự án kém hiệu quả như nhiên liệu sinh học, xơ sợi.

Lĩnh vực khí và điện cũng sẽ được đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái và giảm vốn. Trong đó, đẩy mạnh tiến độ các nhà máy điện than chính như Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông hậu 1; xây dựng kế hoạch vận hành và tiến tới cổ phần hóa các nhà máy này. Còn lĩnh vực điện khí sẽ tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các nhà máy điện khí để phát huy hết lợi thế từ các nguồn khí được khai thác từ các mỏ trong nước.

Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn đầu tư chủ yếu vào 4 lĩnh vực chính, nhưng sẽ giảm mức độ chi phối, chỉ nắm quyền chi phối đối với hoạt động thăm dò khai thác và khí với tỷ trọng vốn nhà nước chiếm trên 50%, đồng thời tăng cường vốn hóa thị trường tại lĩnh vực thăm dò khai thác, chế biến, điện. Riêng ở lĩnh vực dịch vụ, Tập đoàn sẽ thoái vốn toàn bộ tại các đơn vị dịch vụ.

Với định hướng tái cơ cấu này, đến năm 2025, chỉ còn công ty mẹ PVN duy trì 100% vốn nhà nước, duy trì 3 công ty PVN nắm giữ quyền chi phối với trên 50% vốn điều lệ là PVEP (sẽ cổ phần hóa), liên doanh Vietsovpetro (PVN sở hữu 51%) và PV Gas PVN (PVN sở hữu 65%). Ngoài ra, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, PVN nắm số vốn dưới 50% vốn điều lệ bao gồm 12 đơn vị như BSR (43%), PVFCCo hoặc PVCFC (36%), PV Power (36%), PTSC (dưới 30%), PVD (dưới 30%), PV Oil (35,1%)...

PVN cũng đề xuất một loạt cơ chế đặc thù để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, trong đó kiến nghị cho phép Tập đoàn có cơ chế trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế; cơ chế trích lập Quỹ tìm kiếm, thăm dò với tỷ lệ 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước (trừ Vietsovpetro); để lại tối thiểu 32% lãi dầu khí nước chủ nhà từ các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và bổ sung quy định tiền lãi dầu khí để lại cho PVN; giữ lại 50% tiền cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trực tiếp của PVN. Ngoài ra, Tập đoàn kiến nghị có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí trong nước, sửa đổi quy định cơ chế đặc thù cho lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tại Luật Dầu khí để phù hợp với thông lệ quốc tế…

Theo lộ trình tái cơ cấu tại Đề án, đến năm 2020, PVN sẽ cổ phần hóa các đơn vị dịch vụ dầu khí, trừ một số dịch vụ kỹ thuật cao liên quan đến khâu thượng nguồn, an ninh quốc gia. Từ nay đến năm 2019, PVN sẽ thoái vốn toàn bộ khỏi các công ty con như Tổng công ty Bảo dưỡng - sửa chữa công trình dầu khí (PVMR), Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), Công ty cổ phần PVI…, đồng thời thoái vốn một phần đối với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), PV Trans. Riêng đối với PVEP, sẽ chưa tiến hành cổ phần hóa trong giai đoạn này.

Tin bài liên quan