Nợ xấu tại Vietcombank của Vinawaco là khoản nợ đọng của Tổng công ty do nhận bàn giao 3 tàu vận tải từ năm 1995.

Nợ xấu tại Vietcombank của Vinawaco là khoản nợ đọng của Tổng công ty do nhận bàn giao 3 tàu vận tải từ năm 1995.

Phát lộ những vỉa nợ, lỗ lưu cữu của Vinawaco

Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) đang mắc kẹt với các khoản nợ, lỗ lớn hình thành từ giai đoạn còn là doanh nghiệp nhà nước nằm ngoài sổ sách, liên tục được “phát lộ”.

Bỗng dưng gánh nợ

Một văn bản hỏa tốc với hai nội dung tưởng chừng không liên quan nhiều đến nhau vừa được Vinawaco gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Nếu văn bản gửi Bộ GTVT là để thúc việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (30/5/2014), thì văn bản mà Vinawaco gửi tới Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm đề nghị tạm dừng cưỡng chế thu hồi nợ đối với hai bản án được tuyên bởi Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng (năm 2016) và Tòa án Nhân dân TP.HCM (năm 2004).

“Hai nội dung này thực ra có liên quan chặt chẽ với nhau, bởi khi nào Bộ GTVT chốt được giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần, thì chúng tôi mới có cơ sở để thanh toán các khoản công nợ hợp pháp”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco giải thích.

Cụ thể, với khoản nợ 560 triệu đồng của Công ty Minh Dương được tuyên bởi Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng năm 2016 (Bản án số 18/KDTM – PT), Chủ tịch HĐQT Vinawaco khẳng định là sẵn sàng nộp vào tài khoản tạm giữ do Tòa chỉ định, nhưng đề nghị chưa vội trả cho chủ nợ cho đến khi Tổng công ty được quyết toán vốn nhà nước lần 2 và nhận bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần.

Trong khi đó, Vinawaco khẳng định, họ không có trách nhiệm với số tiền 7 tỷ đồng được tuyên bởi Tòa án Nhân dân TP.HCM năm 2004 (Bản án số 284/CNTT – KT), do khoản nợ này không được Bộ GTVT đề cập khi phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Hơn nữa, đây lại là khoản nợ của Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường biển II - một đơn vị hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân riêng, trong đó Tổng công ty chỉ là cổ đông góp 20% vốn điều lệ, nên Vinawaco không có trách nhiệm trả nợ thay.

Theo lãnh đạo Vinawaco, các khoản nợ, lỗ hình thành từ giai đoạn trước cổ phần hóa liên tục được “phát lộ” là nỗi ám ảnh của các cổ đông Tổng công ty, trong đó mới nhất là khoản nợ trị giá 53 tỷ đồng từ Vietcombank kéo dài suốt 22 năm. Được biết, khoản nợ này được “khai quật” vào tháng 9/2016, sau khi Vinawaco nhận được thông tin có dư nợ xấu tại Vietcombank, với số tiền 12,597 tỷ đồng.

“Thông tin Tổng công ty có dư nợ xấu tại Vietcombank đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty, đặc biệt là trong việc tiếp cận các khoản tín dụng và xin cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh thanh toán”, ông Tuấn nói.

Vinawaco cho biết, theo tài liệu do Vietcombank Chi nhánh TP.HCM cung cấp, số nợ trên là khoản nợ đọng của Tổng công ty do nhận bàn giao 3 con tàu vận tải từ năm 1995.

Tuy nhiên, Vinawaco khẳng định, năm 2005, Tổng công ty đã hạch toán giảm nợ ngân hàng và tăng lãi cho sản xuất - kinh doanh tại thời điểm năm 2005. Từ đó đến nay, Vinawaco không nhận được biên bản đối chiếu công nợ nào của Vinawaco Chi nhánh TP.HCM, do vậy trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco do Bộ GTVT công bố không có bất kỳ khoản nợ phải trả nào đối với Vietcombank Chi nhánh TP.HCM.

Nút thắt

Cần phải nói thêm rằng, cùng với khoản nợ bỗng dưng xuất hiện từ Vietcombank, chỉ trong vòng 3 năm sau cổ phần hóa, thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ, phân tích báo cáo quyết toán tài chính 7 công ty con có vốn góp…, Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng.

Hầu hết khoản lỗ, nợ này đều được xác nhận bởi đơn vị kiểm toán độc lập (là Công ty  TNHH Kiểm toán BDO) cho giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm được cấp giấy đăng ký kinh doanh lần đầu (từ ngày 1/7/2013 đến 29/5/2014). Trong số này, đáng kể nhất là khoản nợ phải trả của 6 khách hàng bao gồm nợ xấu ngân hàng trị giá 66 tỷ đồng; khoản chi phí dở dang 38,2 tỷ đồng từ 25 công trình từ trước năm 2013 không tương ứng với doanh thu; không có khả năng thu hồi bị Cục Thuế Hải Phòng, Cục thuế Hà Nội xuất toán.

“Những khoản nợ, lỗ này đều không được đề cập trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, hoặc nếu có thì nợ phải trả thực tế lớn hơn nợ phải trả trong hồ sơ. Do phần vốn nhà nước tại Vinawaco là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ), nên nếu các tồn tại này được xử lý, thì phần vốn nhà nước sẽ bị âm 30,3 tỷ đồng”, Chủ tịch HĐQT Vinawaco cho biết.

Điều đáng nói là, từ năm 2016 đến nay, Vinawaco đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, tạo cơ sở để xử lý dứt điểm các khoản công nợ này, nhưng sau 3 năm kể từ khi chuyển đổi, việc chốt giá trị vốn nhà nước vẫn bị đóng băng.

Trước đó, tháng 11/2016, trong văn bản hướng dẫn việc xử lý khoản chênh lệch giữa số liệu của kiểm toán độc lập và cơ quan thuế (lỗ 0,99 tỷ đồng), Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT, với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa, khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra khoản chênh bất thường này.

Theo lãnh đạo Vinawaco, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đang gặp khó khăn khi Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu các ngân hàng phong tỏa tài khoản tiền gửi của Vinawaco, đồng thời có văn bản gửi Công ty BOT Đường tránh Thanh Hóa tạm dừng việc thanh toán khối lượng thi công của Tổng công ty tại Dự án để thực hiện việc xiết nợ.

“Nhà đầu tư chiến lược - Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển hạ tầng (nắm 30% vốn điều lệ) và nhóm cổ đông lớn khác (nắm 30% vốn điều lệ) mong muốn Bộ GTVT làm rõ, sớm xử lý dứt điểm các tồn tại tài chính, trước khi chính thức chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinawaco sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước”, ông Tuấn cho biết.

Tin bài liên quan