Phan Vũ sẽ nắm quyền chi phối tại FCM

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông CTCP Khoáng sản FECON (mã FCM - sàn HoSE) ngày 10/9 đã chính thức thông qua việc CTCP Đầu tư Phan Vũ trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 51% cổ phần FCM với tỷ lệ chấp thuận là 100%.
Đại hội cổ đông bất thường CTCP Khoáng sản FECON diễn ra ngày 10/9

Đại hội cổ đông bất thường CTCP Khoáng sản FECON diễn ra ngày 10/9

Theo đó, Phan Vũ sẽ được phép thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng 20.910.000 cổ phiếu FCM, tương đương 51% cổ phần có quyền biểu quyết của FCM đang lưu hành theo hình thức mua khớp lệnh hoặc mua thỏa thuận mà không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định.

Phát biểu tại đại hội, ông Hà Thế Phương, Chủ tịch HĐQT FCM cho biết: “Việc hợp tác với Phan Vũ là bước đi mang tính lịch sử đối với FCM. FCM sẽ được Phan Vũ hỗ trợ về mặt công nghệ, vốn, quản trị tài chính, phát triển nguồn nhân lực cũng như mở rộng thị trường”.

Về phía Phan Vũ, ông Phan Khắc Long, Chủ tịch HĐQT cho rằng, xu thế của thế giới là hợp nhất. Vì thế, trong thời gian này, khi mà nhiều đối thủ đang tiến quân mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, thì việc giảm thiểu đối đầu và tăng cường năng lực cốt lõi là đặc biệt quan trọng.

Với sự hỗ trợ từ Japan Pile - doanh nghiệp đứng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực này, cùng với lợi thế của Phan Vũ về thị trường, vốn và khả năng tài chính, công ty này hy vọng sẽ cùng với FCM tạo ra một liên kết vững mạnh, đặt tham vọng trở thành một “thế lực” đứng đầu trong ngành cọc tại khu vực Đông Nam Á.

Phan Vũ là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay về lĩnh vực sản xuất, thi công cấu kiện bê tông đúc sẵn với sản phẩm cốt lõi và chủ lực là cọc tròn bê tông ly tâm ứng suất trước với 6 nhà máy trải dài trên cả nước.

Sản phẩm của doanh nghiệp này đã được xuất khẩu sang Campuchia, Myanma, Sri Lanka… Theo kế hoạch đặt ra, doanh thu đến từ việc sản xuất và thi công cọc của Phan Vũ năm 2018 ước tính đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch phát triển từ 2018 - 2020, Phan Vũ dự định sẽ phát triển trung bình 2 năm xây dựng hoặc đầu tư một nhà máy mới. Vì vậy, để tăng cường sức cạnh tranh tại thị trường phía Bắc, Phan Vũ đã lựa chọn FCM là đối tác và đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp này.

Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, Phan Vũ sẽ bắt tay vào việc mở rộng hệ thống sản xuất của FCM trên nền tảng công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Asia Pile Holding - Tập đoàn cọc bê tông ly tâm lớn nhất Nhật Bản và hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo.

Việc hợp tác này giúp cả hai bên gia tăng sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất cọc tròn bê tông ly tâm dự ứng lực, tăng cường thị phần cũng như uy tín trên thị trường không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra khu vực Đông Nam Á. Bởi FCM cũng đang là đơn vị sản xuất cọc móng hàng đầu ở phía Bắc với 2 nhà máy tại Hà Nam và Thanh Hóa.

Về phía FCM, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 463 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu đề ra là 700 tỷ đồng. Công ty đang phấn đấu đạt doanh thu 300 tỷ trong 6 tháng cuối năm, với lợi nhuận sau thuế là 18 tỷ và đảm bảo mức chia cổ tức 5% trong năm 2018.

Trước đó, vào ngày 9/8, Công ty cổ phần Phan Vũ và Công ty cổ phần FECON (mã FCN – sàn HoSE) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, nhằm tạo nên một liên minh sản xuất và thi công nền móng công trình hàng đầu Việt Nam. 

Tin bài liên quan