Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nỗi lo phía sau đà tăng trên 80% của mã TNG

(ĐTCK) Cổ phiếu TNG (của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG) đã bật tăng 83% trong 10 phiên gần đây, mức tăng tốt nhất thị trường trong nhịp hồi phục vừa qua, bất chấp thông tin lợi nhuận kém tích cực.

Lợi nhuận suy giảm, cổ phiếu vẫn tăng mạnh

TNG vừa công bố kết quả kinh doanh quý I, với doanh thu 773,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 33,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,12% và 10% so với cùng kỳ ngoái.

Công ty cho biết, trong tháng 2, nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm nên thời gian giao hàng bị giãn, dẫn đến không đạt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.

Ðiểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý I của TNG là, trong khi doanh thu giảm thì khoản phải thu ngắn hạn tăng rất mạnh.

Tính tới 31/3/2020, TNG có 503,8 tỷ đồng khoản phải thu, tăng 38,37% so với đầu năm và chiếm 14,7% tổng tài sản.

Công ty không thuyết minh khoản mục này phát sinh do yếu tố nào, tuy nhiên việc tăng mạnh của khoản phải thu trong khi doanh thu giảm cho thấy dấu hiệu doanh nghiệp bị đối tác chiếm dụng vốn.

Tồn kho đến cuối tháng 3 của TNG cũng tăng mạnh 31% so với đầu năm, lên tới 1.124 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng nguồn vốn.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tồn kho tăng thêm tổng cộng 263,6 tỷ đồng, trong đó thành phẩm tăng 164,7 tỷ đồng, nguyên liệu và vật liệu tăng 75,7 tỷ đồng, chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang tăng 48,2 tỷ đồng.

Có thể thấy, nguyên nhân tồn kho tăng là thành phẩm tiêu thụ gặp khó, bên cạnh việc nguyên liệu và vật liệu tích trữ gia tăng.

Tồn kho và khoản phải thu gia tăng đã tác động tiêu cực tới dòng tiền của Công ty. Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính quý I ghi nhận âm 287,1 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 150,8 tỷ đồng.

TNG đã huy động dòng tiền tài chính là 322,4 tỷ đồng, chủ yếu là đi vay để bù đắp việc thiếu hụt dòng tiền, cũng như trả cổ tức 52,2 tỷ đồng cho cổ đông. Chính vì vậy, lượng tiền mặt tại quỹ suy giảm đáng kể, từ 172,7 tỷ đồng đầu năm xuống 97,3 tỷ đồng cuối quý I.

Nỗi lo phía sau đà tăng trên 80% của mã TNG  ảnh 1

Trong bối cảnh kinh doanh kém khả quan, vì sao giá cổ phiếu TNG lại có sự thăng hoa tới như vậy?

Ðiều này có thể lý giải là xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc TNG sớm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh khi dịch bệnh Covid-19 có những dấu hiệu dần được kiểm soát trên toàn cầu, khi châu Âu và Mỹ, hai tâm dịch công bố số liệu người nhiễm mới giảm mạnh. Ðây cũng là những thị trường xuất khẩu chính của TNG.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định thương mại Việt Nam -  EU kỳ vọng được chính thức áp dụng vào tháng 7 tới cũng được nhìn nhận đang mở ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có TNG.

Ngoài yếu tố triển vọng ngành, còn một yếu tố được nhà đầu tư đánh giá tích cực hơn ở TNG, xuất phát từ chính đặc điểm vay nợ lớn của Công ty.

Tính tới ngày 31/3/2019, Công ty có tổng nợ phải trả là 1.974,3 tỷ đồng, chiếm 57,6% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp; trong đó, nợ dài hạn là 563,3 tỷ đồng. Gần đây, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại thực hiện hạ lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Với chính sách này, nhà đầu tư kỳ vọng, áp lực chi phí lãi vay của TNG sẽ giảm đáng kể so với 2019, từ đó giúp lợi nhuận khởi sắc.

Kịch bản ứng phó của TNG

Có 2 vấn đề khó khăn mà TNG phải cấp thiết xử lý. Thứ nhất là áp lực chi phí tài chính do doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay cao.

Hiện tỷ lệ nợ vay của TNG là 57,6%, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như May Sông Hồng (19,2%), Dệt may Ðầu tư Thương mại Thành Công (34,2%).

Khoản vay hiện nay lên tới 2.000 tỷ đồng. Thứ hai là áp lực dòng tiền khi doanh nghiệp có dấu hiệu bị đối tác chiếm dụng vốn, tồn kho tăng, trong khi lượng tiền mặt còn tương đối thấp.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán về những thách thức này, đại diện TNG cho biết, Công ty nhận thức rất rõ và đã triển khai một loạt giải pháp để ứng phó.

Trước hết, Công ty tạm ngừng toàn bộ các hoạt động đầu tư, tập trung duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh.

Ðể giảm phần hụt các đơn hàng dệt may, ngay từ tháng 2, TNG đã triển khai sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ngoài tiêu thụ trong nước, từ tháng 3 Công ty đã bắt đầu xuất khẩu. Ðồng thời, Công ty sản xuất bộ đồ phòng dịch y tế, đang chuẩn bị các thủ tục để xuất khẩu sang Mỹ.

Trong quý I, do hàng tồn thành phẩm chưa giao được cho khách hàng do hạn chế bay và vận chuyển, đã làm giảm doanh thu 4%.

Tuy nhiên, đây là đơn hàng gia công theo nhãn mác của đối tác nước ngoài, đã có hợp đồng, đối tác sẽ nhận bàn giao trở lại khi hết giãn cách xã hội, nên TNG không chịu ảnh hưởng giảm giá hàng tồn kho.

Về việc chậm thanh toán của các đối tác, bạn hàng, TNG cho rằng đây là điều bất khả kháng trong kinh doanh, bản thân Công ty cũng đã có công văn xin giãn thời gian thanh toán với các nhà cung cấp dịch vụ 3 tháng.

Tin bài liên quan