Dự án DCS Tower vẫn đang dang dở.

Dự án DCS Tower vẫn đang dang dở.

Nỗi đau mất niềm tin, mất tiền tại DCS

(ĐTCK) Bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ ngày 24/5/2019, cửa ra cho cổ phiếu DCS của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Châu đang là vấn đề nan giải đối với các cổ đông, cũng như nhà đầu tư "trót ôm" cổ phiếu này.

Vì sao bị hủy niêm yết?

Theo thông báo số 456/TB-SGDHN ra ngày 26/4/2019, căn cứ để Sở GDCK Hà Nội (HNX) ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc xuất phát từ việc tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2018 của DCS do vi phạm Điểm h, Khoản 1, Điều 60 - Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Về phía kiểm toán, lý do từ chối đưa ra ý kiến tập trung tại 2 điểm sau: Thứ nhất, DCS chưa thu thập được báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 của Công ty cổ phần Xuân Minh SĐ Thanh Hoa (công ty liên kết) để làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư dài hạn.

Thứ hai, năm 2014, DCS đã phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và số tiền thu được từ đợt phát hành này được tạm ứng để thực hiện dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở, căn hộ để bán tại quân Tây Hồ, Hà Nội. Năm 2017, DCS đã chuyển nhượng dự án này, nhưng số dư phải thu số tiền tạm ứng này chưa được thu hồi (khoảng 50 tỷ đồng). Đối với các khoản đã thu hồi, DCS cho các tổ chức, cá nhân vay và 6 tháng cuối năm 2018, DCS không thực hiện tính lãi phải thu khoản vay này.

Do tầm quan trọng của "cơ sở từ chối việc đưa ra ý kiến" nên kiểm toán viên không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán.

Cổ đông "ngậm đắng"

Trên thực tế, không phải đến khi căn cứ vào việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2018, mà từ trước đó, những mập mờ trong hoạt động tài chính của Ban lãnh đạo DCS nhiều lần được nhắc tới, thậm chí đã có đơn khiếu kiện gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này, trong đó nổi cộm nhất là việc huy động và sử dụng vốn cho dự án DCS Tower - vốn được xem là tài sản lớn nhất của DCS.

Tọa lạc tại số 425 An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, dự án DCS Tower được DCS lên kế hoạch triển khai từ năm 2010. Dự án ban đầu có tên là dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng do Công ty cổ phần Phú Thượng, công ty liên kết của DCS làm chủ đầu tư (DCS sở hữu 50% vốn điều lệ Công ty Phú Thượng).

Sau khi hủy niêm yết trên HNX, cổ phiếu DCS giao dịch trở lại trên sàn UPCoM từ ngày 31/5/2019 với giá tham chiếu 400 đồng, đóng cửa tăng trần lên 500 đồng với 613.700 cổ phiếu được khớp lệnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có cổ phiếu nào được giao dịch thêm.    

Mặc dù đến năm 2013 dự án mới được TP.Hà Nội cấp phép đầu tư và phải đến năm 2015 mới bắt đầu khởi công, nhưng từ năm 2011, DCS đã phát hành hơn 17,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, công nhân viên để huy động phát triển dự án (tổng giá trị phát hành là 171 tỷ đồng, trong đó 71 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và phần còn lại đầu tư vào dự án DCS Tower).

Năm 2010, DCS đã chi 15,987 tỷ đồng tạm ứng cho dự án. Đến cuối năm 2011, khoản tạm ứng đầu tư tăng lên 132,24 tỷ đồng, tức tăng thêm 117,1 tỷ đồng. Lúc này, khoản tạm ứng chỉ ghi chung chung là "các khoản tạm ứng để thực hiện dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng" và tiếp tục tăng lên thành 152,82 tỷ đồng trong năm 2012. Sau đó, trong Báo cáo tài chính năm 2013, khoản tạm ứng này giảm xuống 146,5 tỷ đồng.

Ngày 3/12/2014, DCS tiếp tục phát hành thêm 22 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 383,1 tỷ đồng lên hơn 603,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền 220 tỷ đồng thu được, theo phương án phát hành, được sử dụng để khởi công xây dựng dự án DCS Tower với tổng giá trị đầu tư dự kiến 597,2 tỷ đồng.

Tới năm 2015, các khoản tạm ứng này mới chính thức hé lộ. Cụ thể, tạm ứng cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty là 100 tỷ đồng; ứng trước 50% cho Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đại Châu theo hợp đồng giao nhận thầu số 0111/2014/HĐGNT ngày 29/11/2014 số tiền là 90 tỷ đồng; ứng trước 50% cho Chi nhánh Công ty TNHH Dương Thái Quang tại Hà Nội theo hợp đồng số 0112/2014/HĐGNT ngày 2/12/2014 số tiền là 30 tỷ đồng. Theo ghi nhận trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, tính đến cuối năm, DCS đã rót tổng cộng 353,3 tỷ đồng vào dự án DCS Tower.

Mặc dù đầu tư nhiều tiền, nhưng mãi tới quý IV/2016, dự án mới chính thức khởi công. Theo báo cáo ngày 14/4/2017 của HĐQT DCS, đến hết tháng 3/2017 mới xây dựng xong phần cọc, móng. Theo ước tính của DCS, mức lợi nhuận của dự án DCS Tower có thể đạt từ 5-10% giá trị đầu tư. Mức giá bán dự kiến là 26 triệu đồng/m2 đối với căn hộ chưa có nội thất và 32 triệu đồng/m2 đối với căn hộ đầy đủ nội thất.

Đáng chú ý, khi kế hoạch còn chưa được thực thi, cổ đông bất ngờ khi biết dự án DCS Tower đã được chuyển nhượng lại cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng và Công ty cổ phần Đầu tư và quản lý bất động sản G5 (G5 Invest) thông qua việc thoái toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Công ty Phú Thượng, tổng giá trị hơn 58,1 tỷ đồng.

Sự việc chỉ trở thành công khai khi Báo cáo soát xét bán niên 2017 công bố, DCS đã chuyển nhượng 450.000 cổ phần cho Công ty Lạc Hồng với giá 52,3 tỷ đồng, chuyển nhượng 50.000 cổ phần còn lại cho G5 Invest với giá 5,8 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng theo ghi nhận từ Báo cáo tài chính bán niên 2017 đã bao gồm dư nợ hơn 16 tỷ đồng gốc và 1,752 tỷ đồng lãi mà Công ty Phú Thượng vay DCS từ trước đó.

Điều đáng nói, theo giải thích của Ban lãnh đạo DCS, vào thời điểm đó, việc chuyển nhượng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và thể hiện tại các biên bản, nghị quyết vào ngày 14/4/2017, nhưng vấn đề là ngày ký quyết định chuyển nhượng lại sớm hơn 7 ngày, tức ngày 7/4/2017.

Nỗi đau mất niềm tin, mất tiền tại DCS  ảnh 1

Thậm chí, trong quá trình tiến hành đại hội, khi cổ đông đề nghị Chủ tịch HĐQT chia sẻ kế hoạch đầu tư, hướng giải quyết và kết quả dự án DCS Tower, ông Đường Đức Hóa, Chủ tịch HĐQT cho biết: "Sẽ thoái vốn cho nhà đầu tư thứ cấp", trong khi trên thực tế việc chuyển nhượng đã được ông Hóa đặt bút ký xong xuôi, đã nhận đặt cọc hàng chục tỷ đồng từ đối tác trước đó cả tuần lễ.

Lối thoát nào cho cổ đông, nhà đầu tư?

Trở lại với Báo cáo tài chính kiểm toán 2018 của DCS mà Công ty Kiểm toán Nhân Tâm Việt từ chối đưa rao ý kiến, dẫn tới việc DCS bị yêu cầu hủy niêm yết bắt buộc.

Tính tới cuối năm 2018, tổng tài sản ngắn hạn của DCS đạt gần 618,4 tỷ đồng. Trong số này, có tới 548,64 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn, với 436,1 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn và 86,87 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác. Đáng chú ý, toàn bộ số tiền 436,1 tỷ đồng là các khoản cho vay cá nhân không tính lãi.

Đồng thời, phần thuyết minh của DCS cũng cho biết, nguồn tiền cho các tổ chức, cá nhân vay được hình thành từ việc thu hồi các khoản tạm ứng thực hiện dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở, căn hộ để bán tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội (dự án DCS Tower) trong các đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2014 và tiền lãi thu được qua các năm từ các khoản cho vay này. Điều bất thường nằm ở chỗ, DCS không nêu rõ cho vay vì lý do gì và thời hạn hoàn trả các khoản của các cá nhân vay là như thế nào?

Đối với phần phải thu ngắn hạn khác gồm 2 khoản tạm ứng đối tượng khác 49,65 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn khác 36 tỷ đồng, theo lý giải của DCS, số tiền 36 tỷ đồng là khoản góp vốn hợp tác (tương ứng 45%) với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và thương mại tổng hợp theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 12/HĐHTĐT ký ngày 21/12/2016 để triển khai dự án Khu nhà ở cao tầng tại lô đất CC3, Khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, tại danh mục công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của quận Nam Từ Liêm hoàn toàn không có tên nhà đầu tư phát triển là Tập đoàn Đại Châu, mà chỉ có Công ty cổ phần Xây dựng công trình Thăng Long 9, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và thương mại tổng hợp, Công ty cổ phần Tân Quang.

DCS bị hủy niêm yết bắt buộc, chịu thiệt thòi nhất vẫn là các cổ đông đại chúng, cũng như nhà đầu tư "trót ôm" cổ phiếu này trước đó. Mất niềm tin, mất tiền là hiện hữu, nhà đầu tư còn mất thời gian chờ đợi câu chuyện không biết khi nào mới đến lúc "hạ hồi".

Tin bài liên quan