Ninh Vân Bay có thể không lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn chưa tìm được cách sinh lời cho cổ đông

Ninh Vân Bay có thể không lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn chưa tìm được cách sinh lời cho cổ đông

Ninh Vân Bay: Ai sẽ mua để vực dậy doanh nghiệp?

(ĐTCK) Lãi khiêm tốn, lỗ lớn, lãi và tiếp tục lỗ nặng hơn, khiến cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Ninh Vân Bay) hiện chỉ còn giá 2.100 đồng/cổ phiếu và rơi vào diện bị kiểm soát. Năm 2016, bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh chính, Ninh Vân Bay đặt mục tiêu tái cấu trúc một số khoản đầu tư, nhưng tìm đâu ra người mua là câu hỏi không đơn giản.

Lỗ lớn, nhưng không từ hoạt động chính

Năm 2015, Ninh Vân Bay ghi nhận con số lỗ kỷ lục: - 280,356 tỷ đồng theo báo cáo tài chính riêng và -127,655 tỷ đồng lỗ cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trong đó, việc báo lỗ công ty mẹ chủ yếu đến từ việc Công ty phải hạch toán tới 311,9 tỷ đồng cho các khoản dự phòng, bao gồm khoản 203,4 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn, là khoản lỗ dự kiến có thể phát sinh nếu thoái vốn khoản đầu tư thuộc công ty con và 108,5 tỷ đồng dự phòng khoản phải thu khó đòi.

Điều này có nghĩa là, nếu năm 2016 không phát sinh dự phòng mới, hoặc không phát sinh các khoản lỗ đầu tư, mọi hoạt động kinh doanh khác duy trì như năm 2015, công ty mẹ Ninh Vân Bay có thể sẽ ghi nhận được khoảng 30 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đối với kết quả kinh doanh hợp nhất, năm 2015, công ty con của Ninh Vân Bay là Công ty TNHH Hai Dung đã ghi nhận giảm trừ doanh thu và chi phí liên quan đến các hợp đồng mua bán biệt thự thuộc Khu Du lịch Sinh thái Six Senses Saigon River – vốn được hạch toán từ năm 2010.

Nghiệp vụ này khiến chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Công ty tăng lên (do chưa hoàn thiện), đồng thời doanh thu và chi phí của Ninh Vân Bay ghi nhận giảm tương ứng là 92,954 tỷ đồng và 33,516 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, Ninh Vân Bay bị ghi nhận giảm gần 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế bởi nghiệp vụ trên.

Đồng thời, cũng trong năm 2015, theo báo cáo tài chính hợp nhất Ninh Vân Bay, Công ty hạch toán khoản 57,591 tỷ đồng lợi thế thương mại vào chi phí quản lý doanh nghiệp, do Hội đồng quản trị Công ty đã lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty con.

Như vậy, nếu loại trừ 2 yếu tố đột biến này, Ninh Vân Bay sẽ bị lỗ hợp nhất trước thuế khoảng gần 6 tỷ đồng, thay vì con số 123 tỷ đồng như hạch toán.

Tuy nhiên, với thực trạng trên, Ninh Vân Bay có thể không bị lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh chính, nhưng làm sao để có thể sinh lời cho cổ đông thì vẫn là một bài toán không dễ. 

Sức ép thoái vốn

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Ngọc Tú, Phó Tổng giám đốc Ninh Vân Bay cho biết, năm 2016, tình hình kinh doanh của Công ty chưa có nhiều cải thiện rõ nét. “Tỷ lệ lấp đầy của Công ty có tăng lên, so với mặt bằng chung của ngành thì tốt hơn, tức là, khu vực nào thị trường tốt thì Công ty tốt hơn, thị trường xấu thì bớt xấu hơn, nhưng chưa thực sự cải thiện. Hiện tại, chúng tôi vẫn tích cực thực hiện các chương trình marketing để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng vào ngày trong tuần. Đồng thời, Công ty cũng đẩy mạnh thực hiện rà soát chi phí nhằm cắt giảm tối đa chi phí kinh doanh”, ông Tú nói.

Năm 2015, công ty con là CTCP Du lịch Hồng Hải với dự án nổi tiếng được biết đến là Six Senses Ninh Vân Bay tại Ninh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa đã đón được trên 25.000 lượt khách, với tỷ lệ sử dụng phòng trung bình gần 50%, trong đó có giai đoạn lấp kín 100%. Với kết quả này, đây là công ty có hiệu quả kinh doanh tốt, lãi sau thuế năm 2015 đạt hơn 30,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 90 tỷ đồng, trong đó sở hữu của Ninh Vân Bay là 51% vốn điều lệ.

Ngoài Six Senses Ninh Vân Bay, Công ty còn có một dự án khác đã đi vào hoạt động là Emeralda Ninh Bình, nhưng chỉ nắm giữ 12,24% vốn điều lệ Công ty này.

Trong khi đó, Ninh Vân Bay còn 2 dự án đang xây dựng và 1 dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch, xin phê duyệt và thi công.

Cụ thể, Công ty TNHH Hai Dung do Ninh Vân Bay nắm 90% vốn điều lệ (vốn điều lệ 110 tỷ đồng) làm chủ dự án Six Senses Sài Gòn River (vẫn đang trong giai đoạn triển khai), đã được lên phương án chuyển nhượng dự án. Hoàn tất chuyển nhượng với giá HĐQT đã ước tính, Ninh Vân Bay sẽ ghi nhận lỗ lớn. Khoản lỗ này đã được trích lập dự phòng trong BCTC năm 2015, nên nếu hoàn tất giao dịch sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2016, trong khi giúp Công ty có thêm nguồn lực tài chính triển khai dự án. Tuy nhiên, nếu chậm bán, Công ty sẽ tiếp tục chịu áp lực lãi vay trên báo cáo kết quả kinh doanh, do đã dừng vốn hóa chi phí lãi vay vào chi phí xây dựng dự án.

Sức ép thoái vốn khỏi dự án này là lớn, nhưng ông Tú cho biết, đến thời điểm này, Công ty mới đang làm việc với một vài đối tác và chưa có phương án cuối cùng.

Tin bài liên quan