Nhựa Bình Minh: E ngại nhiều yếu tố “bất định” quý II

Nhựa Bình Minh: E ngại nhiều yếu tố “bất định” quý II

(ĐTCK) Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) cho biết, quý I/2020 kết quả kinh doanh của Công ty vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng từ tháng 4 trở đi sẽ có nhiều thách thức hơn. 

Kế hoạch kinh doanh đã được HÐQT thông qua vào tháng 2 cũng sẽ phải điều chỉnh lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thị trường địa ốc, xây dựng chưa cho tín hiệu khởi sắc.

So với cùng kỳ năm 2019, BMP tăng trưởng khoảng 10% cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận nhờ sức cầu vẫn khá tốt trong quý I.

Sản phẩm của Nhựa Bình Minh đưa ra thị trường gần như 98% thông qua hệ thống phân phối, còn lại 1-2% trực tiếp đưa vào một số dự án và khách hàng lẻ.

Về thị phần, lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết, cũng khó đưa ra con số chính xác nhưng có vẻ như Công ty đang tăng thị phần. Trong khi đó, dù nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đang có những chính sách để thúc đẩy bán hàng như tăng chiết khấu, khuyến mãi…, nhưng lại bị giảm thị phần.

Theo ông Ngân, có thể do tình hình khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm hơn nên đà tăng trưởng của các doanh nghiệp nói chung và ngành nhựa nói riêng không tốt lắm, còn các doanh nghiệp phía Nam thì đỡ hơn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay vẫn có hạn chế về năng lực tài chính, về nguồn vật tư, vật liệu, đặc biệt một số doanh nghiệp nhỏ đang mua nguyên liệu chất lượng thấp, phế liệu về để bán…

Do đó, trong điều kiện giao thương trong và ngoài nước gặp khó khăn, các đơn vị này sẽ đối mặt với vấn đề nguồn đầu vào hạn chế.

Khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu - đồng nghĩa thường xuyên đối mặt với bài toán tỷ giá, thời gian và chi phí vận chuyển, tồn trữ nguyên vật liệu…, thì BMP lại có lợi thế cạnh tranh khi nguồn nguyên liệu 100% trong nước.

Trong đó, khoảng 50-55% lấy từ TPC-vina (sản xuất ngay tại Việt Nam, TPC Vina và cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh là Nawaplastic đều là công ty thành viên trong Tập đoàn SCG Thái Lan), phần còn lại lấy từ các nhà cung cấp khác.

Ðặc điểm này giúp BMP không bị ảnh hưởng nguồn nguyên liệu trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, đồng thời cũng giảm được áp lực tồn trữ nguyên liệu hơn các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, ông Ngân cũng cho biết, Công ty vẫn đang thực hiện chào giá cạnh tranh cho nguyên liệu đầu vào, nên nhà cung cấp nào có giá cạnh tranh và đảm bảo ổn định nguồn cung thì sẽ được ưu tiên.

Trong cơ cấu chi phí sản xuất của Nhựa Bình Minh, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 78% tổng chi phí trong giai đoạn 2016-2018.

Năm 2019, tỷ lệ này là 73,5%. Trong đó, chủ yếu là chi phí hạt nhựa nguyên sinh (PVC) - chiếm trên 80% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu - thì lại phụ thuộc vào giá dầu.

Ông Ngân thông tin, giá nguyên liệu cho đến thời điểm này mới bắt đầu có tín hiệu giảm cho những đợt giao hàng tháng 4, còn quý I chưa giảm so với bình quân năm 2019. Lý do bởi dù giá dầu gỉảm mạnh từ đầu năm đến nay, nhưng tác động qua nhiều khâu, có độ trễ nhất định mới tác động đến hạt nhựa.

“Tôi cũng rất điên đầu trong việc dự báo giá dầu sắp tới và đợi chờ dự báo vĩ mô từ các bộ, ngành và Chính phủ để đánh giá, để tính toán, nhưng hiện thông tin vẫn chưa rõ ràng và dè dặt”, ông Ngân nói.

Trong khi đó, dự báo từ phía “tổng hành dinh” của BMP ở Bangkok cho rằng, xu hướng giá dầu sẽ giảm nhưng cụ thể giảm bao nhiêu thì chưa có cơ sở để ước tính.

Dù chưa tổ chức được ÐHCÐ, nhưng kế hoạch kinh doanh 2020 đã được HÐQT BMP thông qua từ hồi tháng 2.

Cụ thể, Công ty dự kiến sản lượng và doanh thu tăng 5%, lợi nhuận tăng 10% (nhờ tận dụng cơ hội, tiết kiệm chi phí…). Dù vậy, ông Ngân cho rằng, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay, những con số này chắc chắn phải tính toán lại.

Hiện có khoảng 40% nhân sự của BMP đã làm việc tại nhà. May mắn là trong năm 2019, Công ty đã chuyển đổi hết sang đặt hàng online, chỉ cần ngồi máy tính có thể xử lý được các đơn hàng trong hệ thống.

Nếu loại trừ yếu tố bất ngờ là “dịch Covid-19”, ông Ngân vẫn cho rằng, tình hình không quá tích cực cho ngành xây dựng năm 2020 bởi các chính sách, pháp lý liên quan đến thị trường địa ốc vẫn chưa thực sự rõ ràng, các dự án tạm dừng còn rất nhiều.

Ðối với việc giải ngân đầu tư công theo chủ trương là đẩy mạnh trong năm 2020, nhưng vì yếu tố Covid-19 nên cũng không dễ để tăng tốc. Do vậy, nếu thị trường địa ốc, xây dựng có hồi phục thì cũng sẽ rất chậm.

Bước sang quý II, ông Ngân nhìn nhận sẽ thách thức nhiều hơn quý I, bởi một số quy định mới do diễn biến dịch Covid-19 có thể tác động nhiều, chẳng hạn quy định công trường xây dựng ở Ðà Nẵng không quá 10 người, ở TP.HCM không quá 20 người… thì không khác nào “đóng cửa”.

Tại thời điểm 31/12/2019, tiền, tương đương tiền và khoản tiền gửi ngân hàng của BMP lên đến 989,5 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng tài sản, đảm bảo khả năng chi trả cổ tức của BMP.

Cuối năm 2019, BMP đã thực hiện tạm ứng đợt 1 tỷ lệ 20%/mệnh giá (tương ứng 1 cổ phần nhận 2.000 đồng). Ông Ngân cho biết, tiền mặt Công ty đang sẵn có nên sẵn sàng tạm ứng tiếp khi HÐQT thông qua.

Tin bài liên quan