Sabeco hiện đang đứng đầu thị trường bia Việt Nam về sản lượng bia

Sabeco hiện đang đứng đầu thị trường bia Việt Nam về sản lượng bia

Nhà nước sẽ chỉ nắm 40% vốn tại Sabeco

Với vị thế dẫn đầu ngành bia Việt Nam về sản lượng, việc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)  tiếp tục bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo thông tin mà Báo Đầu tư có được, Bộ Công thương đã đề xuất phương án bán tiếp cổ phần của Sabeco trong giai đoạn 2014-2015 theo 2 bước. Theo đó, bước 1 sẽ giảm vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco từ mức 89,59% hiện tại xuống còn 65% và ở bước 2, Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 40% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Đáng chú ý nhất là, trong lần bán tiếp ở bước 1, sẽ có 20% vốn điều lệ được bán cho đối tác chiến lược. Danh tính của doanh nghiệp (sẽ là đối tác chiến lược của Sabeco), tuy chưa bao giờ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng với những nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ cổ phiếu của Sabeco hay với các doanh nghiệp quan tâm, thì lại không có gì bí ẩn.

Trước đó, vào cuối năm 2012, có 5 doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco. Đó là Tập đoàn Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản) và SAB Miller (Mỹ) và hai tổ chức trong nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.

Tuy nhiên, dù lừng danh trong làng bia thế giới, song các doanh nghiệp nước ngoài lại không có nhiều cơ hội lọt vào “mắt xanh” của Sabeco. Nguyên do cũng khá dễ hiểu, bởi các doanh nghiệp này đều đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bia cạnh tranh trực tiếp với Sabeco, nên khó có thể sánh đôi lâu dài mà không tạo ra xung đột về lợi ích.

Theo đánh giá của Bộ Công thương khi cập nhật Quy hoạch Phát triển ngành bia Việt Nam được đưa ra năm 2013, Sabeco hiện đang đứng đầu thị trường bia Việt Nam về sản lượng bia, với thị phần chiếm 44,59% tổng lượng bia sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống các công ty có vốn của Công ty Bia châu Á - Thái Bình Dương (APB) đang sản xuất các nhãn hiệu bia như Heineken, Tiger, Larue cũng chỉ xấp xỉ 22%.

Những điểm mạnh của Heineken trong việc sở hữu đa dạng thương hiệu bia từ cao cấp tới bình dân, mở rộng hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm hay chỉ quan tâm phát triển mặt hàng bia… có vẻ lại là các điểm bất lợi để dẫn tới một cuộc hôn nhân thuận lợi với Sabeco. Chưa kể công suất của hệ thống Sabeco hiện lớn hơn nhiều so với Heineken, mà cụ thể là sản lượng tiêu thụ của Sabeco vẫn đang gấp đôi sản lượng của các nhãn hiệu (thuộc Heineken quản lý)  sản xuất tại Việt Nam.

So sánh lợi thế của Asahi với Sabeco tại thị trường Việt Nam cũng dễ dàng nhận thấy sự lép vế của bia ngoại với bia nội. Trong khi hệ thống phân phối của Sabeco đã trải dài và rộng khắp cả nước, thì hệ thống phân phối của Asahi lại chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Với SAB Miller, câu chuyện cũng không có gì sáng sủa hơn, bởi các nhà máy bia của Sabeco được đầu tư cũng hiện đại, năng lực lớn nhất cả nước hay hệ thống phân phối của SAB Miller cũng mới dừng lại ở hai thành phố lớn trên.

Thực tế trên cùng với việc chọn đối tác chiến lược của Sabeco dường như không nặng về mục tiêu vươn ra thị trường nước ngoài cũng khiến cho các hãng bia ngoại trở nên yếu thế. Bởi vậy ưu thế lớn hiện thuộc về các đối tác trong nước, khi không hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, nên không có xung đột về lợi ích, không tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh với Sabeco và có thể đưa ra những hỗ trợ nhất định với thương hiệu bia này.

Trong phiên đấu giá cổ phiếu lần đầu vào tháng 1/2008, cổ phần Sabeco đã được đấu thành công ở mức giá bình quân là 70.003 đồng/cổ phần. Do  vậy, trong lần bán tiếp cổ phần của Sabeco sắp tới, mức giá bán nào sẽ được lựa chọn cũng là điều được nhiều người quan tâm.

Nếu bán tiếp 20% vốn điều lệ (tương đương 128.257.000 cổ phần) cho đối tác chiến lược thì xem ra mức giá bán khó có thể thấp hơn mức giá đấu thành công cách đây 6 năm là 70.003 đồng/cổ phần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc riêng đối tác chiến lược sẽ phải bỏ ra khoản tiền hơn 8.977 tỷ đồng để sở hữu 20% vốn điều lệ này. Còn với gần 5% vốn điều lệ còn lại được bán ra ngoài, nếu thành công, Nhà nước sẽ thu thêm được khoảng 2.200 tỷ đồng nữa cho lần bán tiếp cổ phần tại Sabeco.

Năm 2013, doanh thu của Sabeco đạt 24.006 tỷ đồng, tăng 10,3%, với sản lượng tiêu thụ đạt 1,321 tỷ lít bia, tăng 4,6%và giá bán bình quân là 18.511 đồng/lít, tăng 8,6% so với năm 2012. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần chỉ đạt 2.418 tỷ đồng, giảm 9,3%.

Bước vào năm 2014, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh có phần khá khiêm tốn, với sản lượng tiêu thụ ước đạt 1,336 tỷ lít, chỉ tăng 1% so với năm 2013; tổng doanh thu đạt 29.440 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.672 tỷ đồng, tăng trưởng 3%. Kết quả quý I/2014 của Sabeco cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 586,49 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013.

Tin bài liên quan