Ngành dược và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn

Ngành dược và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn

(ĐTCK) Là một trong những ngành hàng thiết yếu, ngành dược phẩm ít chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế. Trong những năm gần đây, bất chấp chu kỳ suy thoái của nền kinh tế Việt Nam, các “ông lớn” trong ngành dược vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu đều đặn, thậm chí khá cao so với nền kinh tế nói chung.

Quan điểm đầu tư

Trong vòng một năm trở lại đây, giá cổ phiếu ngành dược đi lên khá tốt so với cổ phiếu các ngành như bất động sản, ngân hàng. Tuy vậy, do cổ phiếu ngành dược có thanh khoản khá thấp, cộng thêm việc các công ty dược phẩm cũng đang phải đối mặt với những thách thức khá nan giải trong cơ cấu ngành, chúng tôi cho rằng, cổ phiếu ngành dược chỉ thích hợp cho các nhà đầu tư dài hạn và có chiến lược đầu tư phòng thủ, ít phụ thuộc vào sóng đầu cơ.

Ngành dược và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn ảnh 1

Tiềm năng ngành dược

Ngành dược Việt Nam đang hội tụ nhiều tiềm năng tích cực. Cụ thể, các nhân tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng dân số bền vững, mức độ nhận thức về sức khỏe cũng như khả năng tiếp cận thuốc ngày càng tăng sẽ là những động lực thúc đẩy sự phát triền của ngành dược trong những năm tới. Tổ chức Business Monitor International dự phóng mức tăng trưởng hàng năm từ nay đến năm 2018 của ngành dược phẩm Việt Nam từ 15 - 19%.

Vào tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành dược phẩm Việt Nam đến năm 2020. Theo quy hoạch, đến năm 2020, ngành dược phấn đấu cung ứng 80% tổng nhu cầu thuốc trong nước và 20% nhu cầu nguyên liệu thuốc dùng trong sản xuất. Hướng tới mục tiêu nay, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách ưu đãi, ví dụ như các chính sách về thuế, để kích cung trong nước. Tại thời điểm hiện tại, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu tiêu thụ của người dân Việt Nam.

Ngành dược và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn ảnh 2

Điểm khoanh tròn trên đồ thị là thời điểm TTCK chịu tác động từ thông tin Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông

Dựa vào mức thị phần còn thấp của các công ty dược trong nước hiện nay, cộng thêm tiềm năng phát triển cao của ngành, có thể thấy, cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận đối với các công ty trong ngành trong những năm sắp tới là khá lớn. 

Tuy vậy, đường đến đích nói trên chắc chắn sẽ không bằng phẳng, chính vì còn có sự góp mặt của các công ty dược đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam (dưới dạng văn phòng đại diện hoặc liên doanh) sẽ là những đối thủ đáng gờm do có cả nguồn tài chính mạnh lẫn các mối quan hệ rộng với các thị trường trên thế giới.

Những thách thức hiện hữu

Theo đánh giá của chúng tôi, rủi ro lớn nhất của các công ty dược trong những năm sắp tới sẽ là rủi ro về mặt pháp lý. Các chính sách của cơ quan quản lý (như Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hiện vẫn còn nhiều điểm thiếu nhất quán, gây không ít trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp dược. 

Trong năm 2013, với mục đích kiểm soát và giảm giá thành thuốc được đấu thầu vào bệnh viện, Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC (thay thế Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC) và 37/2013/TT-BYT. Hai thông tư thiết lập hệ thống điểm nhằm đánh giá cả nhà cung ứng lẫn các sản phẩm thuốc trong cơ chế đấu thầu. 

Đặc biệt, hai thông tư này đặt nhiều ưu tiên cho các mặt hàng thuốc giá rẻ nhưng phải đạt số điểm chất lượng tối thiểu. Theo đánh giá gần đây nhất của Bộ Y tế, sau khi hai thông tư này đi vào hoạt động, giá thuốc trúng thầu vào các sở y tế đã giảm từ 20 - 35%.

Ngành dược và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn ảnh 3

Qua nghiên cứu của chúng tôi, các công ty niêm yết lớn trong nghành như CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Xuất - nhập khẩu y tế Domesco (DMC) và CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) đều đang gặp khó khăn trong công tác bán hàng vào hệ điều trị (các bệnh viện và các sở y tế). 

Nguyên nhân chính, theo chúng tôi tìm hiểu, là vì thuốc của các công ty này có chất lượng cao hơn, nhưng thường có giá thành đắt hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường do phải khấu hao các dự án đầu tư lớn vào quy trình sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng thuốc. Từ năm 2011 -2013, tỷ trọng doanh thu từ hệ điều trị trong tổng doanh thu từ thuốc của 3 công ty Đông dược niêm yết lớn nhất trong ngành đang theo xu hướng giảm dần.

Để đối phó với thách thức nói trên, ba công ty trên đã và đang tập trung đầu tư vào hệ thống bán hàng của mình nhằm tăng nguồn doanh thu từ hệ thương mại (bán buôn và bán lẻ thuốc không cần kê toa). Nhờ vào những nỗ lực nói trên, doanh thu từ hệ thương mại của DMC đã tăng 24% trong năm 2013.

Ngành dược và chiến lược đầu tư cổ phiếu dài hạn ảnh 4

Ngoài thách thức về mặt chính sách, rủi ro lớn thứ hai đối với các công ty trong ngành dược là rủi ro về phương diện kinh doanh. Hiện nay, số lượng nhóm thuốc được sản xuất tại Việt Nam vẫn còn hạn chế và danh mục sản phẩm của các công ty trong ngành còn có nhiều trùng lặp do các doanh nghiệp dược chỉ chọn sản xuất các mặt hàng giống nhau, nhằm giảm thiểu rủi ro kinh doanh (ví dụ như: kháng sinh, giảm đau, hạ sốt). 

Trong khi đó, công tác nghiên cứu phát triển còn có nhiều hạn chế và phần nhiều chỉ tập trung vào các sản phẩm đơn giản có tính đột phá thấp. Bên cạnh đó, ngành dược Việt Nam phải lệ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài, với 90% nhu cầu nguyên liệu là từ nhập khẩu.

Rủi ro lớn thứ ba đối với ngành dược trong những năm sắp tới là rủi ro về phương diện thị hiếu người dùng, vì cả bác sĩ lẫn người tiêu dùng đều ưa chuộng thuốc nhập khẩu hơn thuốc sản xuất trong nước.

DHG hiện là công ty dược phẩm lớn nhất về doanh thu và lợi nhuận. Sản phẩm chính gồm thuốc generic không kê toa (OTC) trong danh mục thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Trong năm 2013, doanh thu từ danh mục thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau lần lượt chiếm 38% và 19% tổng doanh thu của DHG. Đầu năm 2014, Công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy Non-Betalactam mới, giúp nâng tổng công suất sản xuất hàng năm từ 4,6 tỷ đơn vị sản phẩm lên 9,6 tỷ đơn vị. 6 tháng đầu năm 2014, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.704 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đạt 272 tỷ đồng, tăng 12,4%. 

Biên lợi nhuận gộp của DHG tăng từ 46,2% cùng kỳ 2013 lên 52,5% do biên lợi nhuận của mảng hàng tự sản xuất đã có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

TRA là công ty chuyên sản xuất Đông dược, với hai dòng sản phẩm chính: Boganic (thuốc bổ gan) và Hoạt huyết dưỡng não. Trong năm 2013, doanh thu từ hai mặt hàng này chiếm 35% tổng doanh thu của toàn Công ty. Lợi thế cạnh tranh của TRA là nguồn cung ứng nguyên liệu tự sản xuất trong nước (đáp ứng được 70% nhu cầu), trong khi các công ty sản xuất Đông dược khác vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc. 6 tháng đầu năm 2014, Công ghi nhận doanh thu chưa hợp nhất đạt 557 tỷ đồng, giảm 23,0% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận ròng chưa hợp nhất đạt 54 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ. Theo tìm hiểu của VPBS, sự sụt giảm này là do TRA đã thương lượng lại hợp đồng bán hàng với các bên bán sỉ và bán lẻ trong mạng lưới phân phối của mình từ đầu năm 2014.

DMC có danh mục dược phẩm khá đa dạng, bao gồm các sản phẩm Đông dược, vitamin, thực phẩm chức năng, kháng sinh, giảm đau và các sản phẩm biệt dược. Các sản phẩm thịnh hành của DMC trên thị trường là các thuốc generic dùng để điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh về tim mạch với giá thành thấp hơn các thuốc nhập khẩu từ 30% đến 40%.

IMP hiện là công ty dược phẩm có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tốt nhất Việt Nam. Sản phẩm chủ đạo của IMP là các thuốc kháng sinh có chất lượng cao thuộc nhóm cephalosporin và penicillin. Nhờ vào hạ tầng công nghệ hiện đại, IMP thường được các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia chọn làm đơn vị gia công chính tại Việt Nam cho các sản phẩm của họ.

Tin bài liên quan