Cổ phiếu ngành dầu khí trở thành một "thế lực" lớn trên sàn chứng khoán

Cổ phiếu ngành dầu khí trở thành một "thế lực" lớn trên sàn chứng khoán

Ngành dầu khí đồng hành cùng TTCK

(ĐTCK) Ngành dầu khí có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của TTCK 15 năm qua với nhiều cổ phiếu chất lượng của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt và thực hiện các thông lệ quản trị hiện đại.

Thực hiện chủ trương gắn niêm yết với cổ phần hóa DNNN, tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện mạo nhóm cổ phiếu trên TTCK Việt Nam sẽ có nhiều điểm mới tích cực.

Ngành dầu khí đồng hành cùng TTCK ảnh 1

Ông Ninh Văn Quỳnh 

Vai trò dẫn dắt thị trường

Tính đến ngày 29/6/2015, trên TTCK thứ cấp, nhóm cổ phiếu dầu khí gồm 32 mã với tổng giá trị vốn hóa 188.354 tỷ đồng, chiếm 14,68% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Tổng giá trị giao dịch trong ngày thống kê của nhóm cổ phiếu này đạt 227.304 tỷ đồng, chiếm 6% toàn thị trường.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, cổ phiếu dầu khí đã trở thành một trong những nhóm dẫn dắt thị trường, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến với TTCK Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư quốc tế. Những chuyển biến trên đến từ việc phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí đều có hoạt động kinh doanh tích cực, có thương hiệu mạnh và thị trường kinh doanh ổn định trong dài hạn.

Tuy nhiên, trên TTCK, ngoài tình hình sản xuất - kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp thì giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó tác động tâm lý là một yếu tố không thể ngoại trừ. Sau đợt sụt giảm của giá dầu thời gian qua, cổ phiếu dầu khí của nhiều quốc gia cũng chịu ảnh hưởng, tuy nhiên nếu so sánh tương quan các chỉ tiêu cơ bản như P/E, P/B, EV/EBITDA thì nhiều cổ phiếu dầu khí niêm yết tại Việt Nam đang giao dịch dưới giá trị thực.

Trên thực tế, tác động của giá dầu giảm có những ảnh hưởng không đồng đều đến các doanh nghiệp dầu khí, trong đó các doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí chịu tác động lớn hơn, các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn. Ngược lại, một số doanh nghiệp được hưởng lợi khi giá dầu giảm, ví dụ doanh nghiệp sản xuất điện, đạm, vận tải..., vì các doanh nghiệp này sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu, khí với giá thấp.

Chủ động ứng phó với biến động khó lường của giá dầu

Trước diễn biến giá dầu giảm, bản thân PVN và các doanh nghiệp thành viên luôn cập nhật sát sao diễn biến giá trên thế giới và làm việc với các tổ chức quốc tế để có thể đưa ra dự báo, đánh giá về diễn biến giá dầu thô, đặc biệt kể từ quý IV/2014. Theo quan điểm của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới, năm 2015, mức giá dầu thô bình quân khoảng 70 USD/thùng.

Về phía PVN, Tập đoàn đã có các kịch bản ứng phó với diễn biến giá dầu biến động trong khoảng 50 - 90 USD/thùng. Chẳng hạn, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang thực hiện chương trình tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động nhằm đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng từ biến động giá dầu thô.

Trong định hướng cắt giảm chi phí, Tập đoàn đã thực hiện đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào một cách hợp lý cũng như áp dụng các giải pháp về công nghệ tiên tiến; thực hiện rà soát để cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cấp bách; tăng cường khai thác ở những mỏ có chi phí khai thác thấp và điều kiện kỹ thuật cho phép... Bên cạnh đó, ngành dầu khí chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc nguồn vốn nhằm giảm chi phí vốn về mức thấp nhất có thể.

Với nhiều giải pháp đã thực hiện, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, các chỉ tiêu sản lượng khai thác của PVN đều vượt kế hoạch đề ra. Ảnh hưởng của biến động giá dầu đã được giảm thiểu.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 6 đạt 2,54 triệu tấn, tăng 13,6% so với kế hoạch; tính chung 6 tháng đạt 14,9 triệu tấn, vượt 1,23 triệu tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu hợp nhất của PVN trong nửa đầu năm đạt 168.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 23.600 tỷ đồng.

Với bối cảnh giá dầu thô giảm gần một nửa, đây là kết quả khả quan và là kết quả của một loạt chương trình hành động mà ngành dầu khí quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang bám sát với kế hoạch kinh doanh năm, trong đó nhiều DN dự kiến sẽ phấn đấu vượt kế hoạch năm đã đề ra.

Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động

Ngành dầu khí đang triển khai quyết liệt chủ trương tái cơ cấu các DNNN của Chính phủ, trong đó chú trọng công tác đổi mới doanh nghiệp, gắn cổ phần hóa với niêm yết. Trong quý I/2015, với nỗ lực của PVN, Đạm Cà Mau và đơn vị tư vấn PSI, cổ phiếu của Đạm Cà Mau đã chính thức niêm yết ngày 31/3/2015 với mã DCM

Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn thực hiện niêm yết ngay sau IPO trên TTCK Việt Nam, giữ đúng lời hứa với nhà đầu tư trước khi doanh nghiệp thực hiện IPO.

Để làm được việc này trong quỹ thời gian rất hạn hẹp, chưa đầy 3 tháng, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã phải giải quyết nhiều vấn đề như chuẩn bị gần như song song các công việc đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và hoàn thiện hồ sơ niêm yết trong quá trình cổ phần hóa để đảm bảo tiến độ.

Quyết tâm và sự thành công khi đưa cổ phiếu DCM niêm yết cho thấy nỗ lực và định hướng đẩy mạnh niêm yết các DN có đủ điều kiện của Tập đoàn. Kinh nghiệm niêm yết ngay sau IPO của DCM đang được các doanh nghiệp trong Tập đoàn tham khảo.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của PVN trong thời gian tới là tập trung triển khai công tác tái cấu trúc doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 46/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 và Quyết định số 1011/QĐ-TTg ngày 3/7/2015; cổ phần hóa/đa dạng hoá sở hữu các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam.

Đây đều là các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, hứa hẹn trở thành hàng hóa có chất lượng tốt trên thị trường. Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện niêm yết nhanh cổ phiếu sau cổ phần hóa, một trong những vấn đề quan trọng mà Tập đoàn chuẩn bị rất kỹ là hoàn tất đầy đủ các thủ tục về cổ phần hóa theo quy định, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh sau cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện đấu giá cổ phần, quyết toán cổ phần hóa và chuyển giao vốn - tài sản từ DNNN sang công ty cổ phần. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi có sự quyết tâm của cơ quan chủ quản, Ban chỉ đạo cổ phần hóa...

Về công tác thoái vốn nhà nước, PVN đang thực hiện thoái bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp dầu khí theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, PVN sẽ tiến hành thoái vốn theo đúng các quy định của pháp luật (Nghị định 71, Nghị quyết 15, Quyết định 51), đảm bảo công khai, minh bạch và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất.

Cá nhân tôi cho rằng, chủ trương gắn cổ phần hóa với niêm yết là hoàn toàn đúng đắn và là thông lệ quốc tế, giúp các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động minh bạch hơn, tính thanh khoản của cổ phiếu cao hơn. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, yêu cầu các doanh nghiệp sau IPO phải lên sàn, nên nguồn cung trên TTCK dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Trái với quan điểm TTCK sẽ bị bội cung, tôi cho rằng, đây chính là cơ hội để thị trường phát triển. Chức năng của TTCK là huy động vốn trong nền kinh tế, nếu hàng hóa chất lượng được đẩy lên thị trường thì sẽ hấp dẫn nhà đầu tư và TTCK thực hiện thành công vai trò của mình. Các DNNN là hàng hóa tiềm năng của TTCK, sau khi cổ phần hóa sẽ cải thiện được các vấn đề liên quan đến quản trị. Tôi tin rằng, đây là một nguồn hàng hóa tốt cho thị trường.

Tin bài liên quan