Năm 2018, GMD đặt kế hoạch doanh thu sụt giảm 40%

(ĐTCK) Sau khi cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, hoạt động khai thác cảng tại khu vực Hải Phòng được cho là ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là các cảng ở khu vực thượng nguồn.

Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư diễn ra chiều 15/5, đại diện CTCP Gemadept (GMD) cho hay, mục tiêu đến năm 2022, GMD sẽ chiếm thị phần khai thác cảng biển cả nước 26%, doanh thu và lợi nhuận của mảng logistics tăng gấp đôi trong 3 năm với sự tham gia của đối tác chiến lược là CJ Logistics vào mảng này.

Các câu hỏi đưa ra xoáy sâu vào lĩnh vực khai thác cảng của GMD. Đây được coi là một trong những mảng hoạt động cốt lõi của GMD nhưng hiện nay đang vấp phải một số lo ngại.

Tại khu vực miền Bắc, việc Chính phủ áp dụng mức giá sàn dịch vụ từ ngày 1/1/2017, khiến tình hình cạnh tranh về mặt giá cả của các doanh nghiệp tại khu vực Hải Phòng có phần lắng xuống.

Tuy nhiên, sau khi cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, hoạt động khai thác cảng tại khu vực Hải Phòng được cho là ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là các cảng ở khu vực thượng nguồn.

Theo đó, cảng Nam Hải của GMD nằm ở khu vực thượng nguồn được cho là ảnh hưởng lớn bởi giới hạn về kích cỡ tàu có thể đi vào khu vực này. Trong khi đó, các hãng tàu có xu hướng dịch chuyển xuống hạ nguồn, nơi GMD đang khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ và gần đây nhất là khai thác giai đoạn 1 của cảng Nam Đình Vũ.

Năm 2018, GMD đặt kế hoạch doanh thu sụt giảm 40% ảnh 1

 Lãnh đạo GMD trao đổi với nhà đầu tư.

Theo đại diện Công ty, điều này có ảnh hưởng nhưng cũng cho thấy lợi thế của GMD trong việc cung cấp dịch vụ cho các cỡ tàu khác nhau, đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Mặc dù nằm ở khu vực thượng nguồn, nhưng cảng Nam Hải vẫn đang khai thác 120% công suất thiết kế. Trong khi đó, cảng Nam Đình Vũ vừa đưa vào khai thác, đã có lãi ngay trong quý I/2018, hoạt động vượt công suất thiết kế, đạt 120%.

Tại miền Nam, GMD sẽ tái khởi động cảng nước sâu Gemalink, giai đoạn đầu cảng dự kiến hoạt động với công suất đạt 1,5 triệu TEUs. Tổng công suất có thể đạt được của Gemalink là 7,5 triệu TEUs, có thể đáp ứng khoảng 12% sản lượng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng của cả nước. 

Theo GMD, yếu tố cạnh tranh thị trường đang khốc liệt, nhưng GMD không đi theo chiến lược giảm giá dịch vụ để cạnh tranh mà tập trung cam kết chất lượng với khách hàng.

Trả lời cho thắc mắc của đại diện một quỹ đầu tư về kế hoạch dự kiến năm 2019 với biên lợi nhuận giảm trong khi cảng Nam Đình Vũ dự kiến hoạt động hết công suất. Đại diện GMD cho hay, việc đặt kế hoạch của GMD thường trên cơ sở thận trọng và thực tế đạt được vẫn cao hơn.

Trong quý I/2018, GMD đạt doanh thu 689 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực khai thác cảng đóng góp 499 tỷ đồng, tương đương 72,4% doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực logistics góp 190 tỷ đồng doanh thu, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của GMD đạt 1.597 tỷ đồng, gấp 13 lần so với cùng kỳ do ghi nhận khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng 2 công ty con trong mảng logistics cho đối tác Hàn Quốc là CJ Logistics. Nếu loại trừ lợi nhuận không thường xuyên này, GMD ghi nhận lợi nhuận trước thuế từ sản xuất kinh doanh thông thường là 130 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch dự kiến trình ĐHCĐ thường niên năm 2018 tới đây, GMD dự kiến doanh thu năm 2018 đạt 2.405 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ vì không còn hạch toán doanh thu từ 2 công ty con trong lĩnh vực logistics đã chuyển nhượng một phần vốn góp.

Lợi nhuận trước thuế dự kiến 2.130 tỷ đồng, nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng tài sản, GMD dự kiến lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh đạt 570 tỷ đồng, tăng 6% chủ yếu do hoạt động của khối cảng.

Tin bài liên quan