Mía Sơn La vẫn ngọt như đường!

(ĐTCK) Khi được hỏi, là Chủ tịch Công ty mà chủ yếu ở Hà Nội, Đường Sơn La lại cách Thủ đô đằng đẵng gần ba trăm cây số, liệu việc chỉ đạo có gì bất cập, ông Thao không trả lời thẳng mà chỉ cười: Hiện Công ty có gần 500 lao động kể cả hợp đồng, nhưng chỉ thay đổi một người dù ở vị trí nào, Chủ tịch Công ty cũng đều được Ban giám đốc điều hành báo cáo.
Mía Sơn La vẫn ngọt như đường!

Vài lần được ngồi trò chuyện với ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Lần nào cũng vậy, khi đề cập đến những điển hình thành công của công tác mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN thì đơn vị đầu tiên được ông nhắc đến là CTCP Mía đường Sơn La (SLS). Tất nhiên, sau mỗi năm, “danh sách điển hình” có dài thêm, nhưng cái tên Đường Sơn La vẫn được đề cập một cách trọng thị.

Đó là một DN chỉ sản xuất - kinh doanh trong ngành mía đường đang chịu khủng hoảng nặng nề, dân tình nhiều nơi đang bỏ mía? Đó chỉ là một DNNN cấp tỉnh mãi tít vùng Tây Bắc xa xôi? DN đó không có khoản lợi nhuận đột biến nào ngoài ép mía và bán đường? Tất cả đều đúng, nhưng khi hỏi nguyên nhân thành công của DN này thì ông Quang chỉ cho điện thoại của Chủ tịch HĐQT Đường Sơn La để “gặp và trò chuyện”.

Những tò mò ấy cộng với vụ tranh cãi gay gắt giữa Hiệp hội Mía đường Việt Nam với Hoàng Anh Gia Lai và sau đó là cả Bộ Công thương về câu chuyện tạm nhập 30.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam, khiến chúng tôi tìm đến Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Sơn La Phạm Ngọc Thao vào một ngày cuối năm.

Tuy nhiên, ông Thao có vẻ không hào hứng lắm với vụ ầm ĩ ấy mà chỉ say sưa nói về cây mía gắn bó với đồng đất Tây Bắc ra sao, sự “bén duyên” của Đường Sơn La với DATC như thế nào. Ông bảo: “Các bạn đừng nhìn con số EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) của Đường Sơn La đạt 7.300 đồng trong 3 quý đầu năm nay, hay xấp xỉ 10.000 đồng trong năm 2012 mà cho rằng, con đường phát triển của SLS luôn thuận lợi. Đường Sơn La khi là DNNN quả thật đã chết đi và sau chuyển đổi đã thực sự được hồi sinh đấy”.

Trước năm 2008, DATC và ông Thao không liên quan gì đến SLS và công ty này thì ngập chìm trong khó khăn, thua lỗ nhiều năm và âm vốn chủ sở hữu. Đến tháng 2/2008, Công ty được cổ phần hóa với sự vào cuộc của DATC trong việc tái cơ cấu, xử lý các khoản nợ, chuyển nợ  thành vốn góp.

Đồng thời, quan trọng hơn là sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để trong mô hình hoạt động, phương thức sản xuất - kinh doanh và đội ngũ nhân lực. Phạm Ngọc Thao là người của DATC được phân công sang chèo lái con thuyền Đường Sơn La từ những ngày đầu cổ phần hóa.

Đến nay, sau 6 năm hoạt động theo mô hình mới, SLS cho thấy tốc độ phát triển bền vững với doanh thu, lợi nhuận, cổ tức luôn đứng Top đầu không những trong ngành mía đường, mà còn thuộc nhóm trên trong tất cả các DN niêm yết trên hai sàn tập trung.

Quay trở lại chuyện hiện nay, ông Thao thừa nhận, đúng là khó khăn đang ập lên đầu ngành mía đường. “Các bạn cứ thấy các tít bài ‘Cây mía đã hết ngọt ngào’ hay là ‘Hàng loạt nhà máy đường thua lỗ’ đầy trên các báo là biết ngay”, vị Chủ tịch SLS nói vui và chia sẻ, “vậy thì trong khủng hoảng thừa đường của ngành mía đường, cái gì sẽ quyết định cho một DN đi tiếp, DN kia nằm lại? Đó chính là khả năng quản trị, luân chuyển hàng tồn kho và chăm lo yếu tố đầu vào”.

Theo ông Thao, có 3 yếu tố lợi thế khiến SLS tối đa hóa được lợi nhuận. Thứ nhất là vòng tròn sản xuất khép kín từ đầu vào là cây mía ra đường thành phẩm đến bã mía làm phân vi sinh, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất.

Thứ hai, vùng nguyên liệu tập trung xoay quanh Quốc lộ 6, nhưng lại cách nhà máy đường gần nhất cả trăm cây số, nên rất hiếm khi Công ty bị cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ ba, do SLS luôn quan tâm đầu tư bổ sung dây chuyền thiết bị nên công nghệ chế biến đường của Đường Sơn La luôn được hợp lý và hiệu quả.

“SLS qua các năm vẫn liên tục đầu tư bổ sung dây chuyền máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ chế biến đường và tăng công suất nhà máy”, ông Thao nói và cho biết thêm, kết hợp với yếu tố chất lượng mía nguyên liệu có chữ đường cao nên SLS có tỷ lệ mía đường luôn ở Top đầu của ngành mía đường (xoay quanh 8,5 mía/đường) có năm đã đạt 7,59 mía/đường (năm 2012), trong khi phần lớn các nhà máy mía đường ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ mía đường luôn ở mức trên 10 mía/đường.

Vài năm nay, SLS luôn xây dựng kế hoạch lợi nhuận rất thấp và vượt rất xa. Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2013 đã lãi trước thuế tới 65,5 tỷ đồng/kế hoạch 16 tỷ đồng cả năm. Xin hỏi thật là do các ông dự trù không sát hay muốn vượt kế hoạch để lĩnh thưởng? Tuy nhiên, ông có thể không trả lời câu hỏi này.

Không có gì phải giấu giếm, vì kể cả khi vượt kế hoạch lợi nhuận hàng năm, SLS cũng chỉ quyết định chi thưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý tối đa 500 triệu đồng. Không phải chúng tôi xây dựng kế hoạch lợi nhuận không sát, mà dựa trên dự báo thị trường tiêu thụ đường rất khó khăn, có thể phải tính thời gian tiêu thụ kéo dài cả năm 2013 và sang đầu năm 2014.

Khi đó, phải tính thêm chi phí thuê kho, lưu kho và phát sinh chi phí tài chính, lợi nhuận sẽ giảm. Song do niên vụ 2012/2013, SLS đã tập trung tiêu thụ sản phẩm đường chủ yếu qua thị trường Trung Quốc (trên 95% sản lượng) và bán hàng được giá tốt nhất, thu hồi vốn nhanh, không phải vay vốn ngân hàng và còn có nguồn tiền gửi lớn tại các ngân hàng (tăng thêm lợi nhuận từ lãi tiền gửi)…

Trong bối cảnh hiện nay, “kịch bản” thận trọng chắc sẽ tiếp tục trong năm 2014, thưa ông?

Chúng tôi dự kiến năm 2014, kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 32,1 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức thực hiện 2013 do đã được tính đến nhiều yếu tố.

Từ việc thị trường đang dư cung, giá cả sản phẩm đường đi xuống đến việc đường nhập lậu vẫn không kiểm soát được, tiêu thụ xuất khẩu đường qua Trung Quốc đang rất khó khăn…

Trên thực tế, niên vụ này, có thể nhiều DN mía đường sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ khi giá đường giảm sâu, nhưng giá mua mía nguyên liệu không thể giảm được.

Tất nhiên, chúng tôi sẽ linh động tận dụng mọi cơ hội để có thể tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. SLS luôn phấn đấu giữ mức chi trả cổ tức tốt nhất cho các cổ đông (năm 2012 trả 35%, năm 2013 kế hoạch trả 15%, nhưng kết quả lợi nhuận có thể trả tương đương năm 2012).

Nghe nói, ngoài hỗ trợ, cung cấp tài chính, vật tư, máy móc, các ông còn định bán cổ phần cho nông dân?

Sơn La có 2 DN được lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao về chế độ đãi ngộ với nông dân và công tác an sinh xã hội. Đó là CTCP Sữa Mộc Châu và Đường Sơn La. Kể một cách đầy đủ thì phải mất nhiều trang báo của các anh chị, nhưng tóm lại thế này: chúng tôi coi ổn định vùng nguyên liệu là cái gốc của những thành công. Trong ngành đường, chi phí nguyên liệu chiếm 80% giá thành. Do đó, chăm lo cho người nông dân, chăm lo nâng năng suất vùng mía là con đường duy nhất đúng để hạ giá thành.

 Hiện nay, có khoảng 6.000 hộ dân trồng mía cung cấp cho chúng tôi. Mỗi năm, Đường Sơn La đầu tư ứng trước từ 70 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng cho bà con, từ mía giống, phân đạm, cải tạo đường giao thông, đầu tư cho một số hộ vay mua phương tiện chuyên chở mía…

Còn việc bán cổ phần, chúng tôi đã đặt ra một cách nghiêm túc. Vấn đề bây giờ là nhu cầu của người nông dân, vì tất cả mối quan hệ đều phải dựa trên sự đồng thuận. SLS đã lên sàn từ tháng 10/2012, việc giao dịch mua bán cổ phần được thực công khai minh bạch trên HNX.

Gắn bó với dân như vậy, chắc ông có nhiều kỷ niệm vui?

Nông dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc, bản tính thật thà. Mỗi lần lên Sơn La, tôi thường dành thời gian vào các xã bản trồng mía để nắm chắc tình hình tại các vùng sản xuất. Có hai chuyện vui vui kể anh chị nghe.

Vụ trước, vừa lên đến nhà máy, đã gặp các hộ dân ùn ùn kéo đến than, “ông Thao ơi, công an giữ hết xe chở mía của chúng tôi rồi. Giờ mía đầy đồng làm sao chở về?”.

Hóa ra mấy ông thanh niên chở mía bằng công nông đầu ngang,  mía chất thì đầy, lại nghênh ngang giữa quốc lộ, không đủ điều kiện lưu hành.

Công an bắt là phải, nhưng cuối cùng cũng phải đề nghị tỉnh, ngành giao thông và cơ quan công an giúp bà con. Sau vụ này, chúng tôi đã tính đến việc đầu tư vốn cho một số hộ dân mua ô tô chở mía cho chuyên nghiệp mà không phạm luật.

Thứ hai, nhà máy thu mua mía theo công suất ép, người này chặt trước thì người kia phải chặt sau. Những hộ có mía thu hoạch cuối vụ thì chữ đường giảm, ảnh hưởng đến năng suất mía cho vụ kế tiếp, nên sinh ra tị nạnh người trước, kẻ sau. Chúng tôi liền có giải pháp, mía mua từ ngày 15/4 (cuối vụ) trở về sau đến hết vụ sẽ được tính thêm 50.000 đồng/tấn. Vậy là mọi sự ổn cả!

Hôm chúng tôi đến gặp Phạm Ngọc Thao, anh cho biết, niên vụ mía đường mới đã bắt đầu được hơn một tháng “và tín hiệu ban đầu rất khả quan”, đường sản xuất ra đến đâu đã bán và thu tiền gọn đến đấy. Vị chủ tịch “điều hành từ xa” của DN sản xuất hiệu quả nhất ngành đường không quên nhắn nhủ: “Trước Tết, tôi sẽ lên Sơn La, khi ấy mời các nhà báo đi cùng để có thể mục sở thị đồng mía bạt ngàn, có thể ngồi nhà sàn, uống rượu cần, trò chuyện với bà con trồng mía. Chứ ngồi Hà Nội mà viết về Tây Bắc thì ngòi bút kém phong vị lắm”.

Vâng, tết nhất cũng đến nơi rồi. Mùa này mà được ngược Tây Bắc ngắm cánh đồng mía bạt ngàn, hay nên thơ hơn là ngồi nhâm nhi cần rượu, ngắm mấy nụ đào núi chúm chím trong sương thì thật tuyệt.

Tin bài liên quan