Masan Group là công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất Thập kỷ (2009-2018)

Masan Group là công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất Thập kỷ (2009-2018)

(ĐTCK) Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã được Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức bình chọn là công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất của thập kỷ (2009-2018). Đồng thời, Masan Consumer Holdings - Singha được bình chọn là 1 trong 10 thương vụ tiêu biểu của thập kỷ (2009 -2018).

Theo Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam, từ năm 2009 đến hết tháng 6/2018, thị trường đã diễn ra 4.353 thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với tổng giá trị 48,8 tỷ USD.

Quy mô thị trường M&A năm 2017 là 10,2 tỷ USD, tăng 75% so với năm 2016 và gấp 10 lần năm 2009; quy mô 6 tháng đầu năm 2018 là 3,55 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 3 năm gần đây, những ngành đang được quan tâm M&A nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận được hàng chục triệu người dân Việt Nam như chuỗi bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính-ngân hàng…

Mỗi thương vụ M&A của Tập đoàn Masan là một sự đột phá về ngành nghề hay sản phẩm.

Ông Danny Le, Giám đốc cấp cao Chiến lược và Phát triển của Masan Group chia sẻ: “Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua “nền tảng” phục vụ chiến lược chung của Masan. Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng; nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam”.

Tháng 10/2011, Masan Consumer (MCH) đã mua 50,3% cổ phần của Vinacafe Biên Hoà (VCF) nhằm thâm nhập thị trường đồ uống. Đến nay, MCH mua lại thành công 98,5% cổ phần của VCF. Hiện nay, VCF đang là nhà sản xuất cà phê hoà tan lớn nhất cả nước.

Quỹ đầu tư KKR (Mỹ) đã hai lần đầu tư vào Masan Group và các công ty con. Cụ thể, trong mảng kinh doanh hàng tiêu dùng, sau khi đã đầu tư 159 triệu USD vào Masan Consumer vào năm 2011.

Sau đó, vào năm 2013, KKR đã đầu tư thêm 200 triệu USD nhằm tăng cổ phần thông qua cổ phiếu phát hành mới và đang lưu hành của Masan Consumer. Hiện Masan Consumer đang là công ty hàng tiêu dùng có giá trị lớn thứ 8 Việt Nam với 238 triệu USD.

Đầu năm 2017, KKR đã tiếp tục đầu tư 250 triệu USD vào Masan Nutri-Science và Masan Group với niềm tin chiến lược vào cơ hội tăng trưởng đột phá trong ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt. Masan dự kiến sẽ tung ra các sản phẩm thịt sạch có thương hiệu đầu tiên vào cuối năm nay.

Tháng 12/2015, Masan Group công bố việc ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha (Thái Lan). Giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD bao gồm nguồn vốn mới cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần công ty Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần công ty Masan Brewery. Đây là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Singha là "ông vua" trong phòng khách tại Thái Lan, trong khi Masan là "ông vua" trong nhà bếp tại Việt Nam đã bắt tay nhau. Cả 2 "ông vua" có cùng tầm nhìn là phụng sự tốt hơn người tiêu dùng ở thị trường lớn hơn, thị trường In-land ASEAN (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar) với khoảng 250 triệu dân.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group đạt 17.458 tỷ đồng. EBITDA đạt 5.147 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty nửa đầu năm 2018 là 3.031 tỷ đồng, tăng 566% so với nửa đầu năm 2017.

Masan Consumer Holdings (MCH), công ty con của Masan Group, hiện đang là Top 3 công ty đầu tư xây dựng thương hiệu nhiều nhất Việt Nam. Doanh thu thuần nửa đầu năm 2018 của MCH đạt 7.526 tỷ đồng, tăng 36,9% so với 5.496 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2017.

Masan Nutri-Science (MNS) đạt doanh thu thuần trong quý 2/2018 đạt 3.492 tỷ đồng, tăng 9,1% so với 3.201 tỷ đồng trong Quý 1/2018, nhờ vào sự phục hồi của thị trường chăn nuôi.

Masan Resources (MSR) đạt tăng trưởng doanh thu thuần lên 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng 26,6% so với 2.559 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 do nhu cầu lớn và nguồn cung hạn chế giúp duy trì giá vonfram ở mức cao, đồng thời tỷ lệ thu hồi vonfram cao hơn.

Techcombank (TCB), công ty liên kết của Masan Group, đạt lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 của TCB đạt 5.196 tỷ đồng, tăng 90,1% so với nửa đầu 2017. TCB cũng là một trong những ngân hàng có hoạt động kinh doanh hiệu quả hàng đầu, với tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) 24,3% và chỉ số an toàn vốn (CAR) là 15,9%.

Tin bài liên quan