Mai Linh Miền Bắc, vì sao rối tinh?

Mai Linh Miền Bắc, vì sao rối tinh?

(ĐTCK) Sở hữu thương hiệu nổi tiếng, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải – ngành nghề thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống dân cư, nhưng hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Miền Bắc lại ở mức rất thấp so với đồng vốn các cổ đông bỏ ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một trong số đó là hoạt động quản trị công ty và các giải pháp kiểm soát nợ, rủi ro chưa tốt.

Đại hội nóng bỏng

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra tuần qua (ngày 6/6) của Mai Linh Miền Bắc, nhiều cổ đông đã bày tỏ bức xúc về hiệu quả kinh doanh của Công ty, cũng như các điểm yếu tồn tại bấy lâu nay.

Cổ đông Nguyễn Kim Nga nhận xét rằng, năm 2015, doanh thu của Công ty đạt mức cao (1.075 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 29,6 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2014. Với kết quả này, bà không đồng ý đề xuất chia 50% lợi nhuận phần vượt kế hoạch năm 2016 cho thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành Công ty.

Bên cạnh đó, cổ đông Lê Đức Vinh yêu cầu HĐQT Công ty xem xét lại hợp đồng thuê tổng giám đốc với nhận xét rằng, Tổng giám đốc Công ty hiện tại chưa làm tròn vai, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Cổ đông này cũng phản ánh về tình trạng hợp tác kinh doanh kém hiệu quả tại Mai Linh miền Bắc, cụ thể là cần xem xét lại hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Mai Linh Đông Đô và đề nghị thanh lý hợp đồng.

Tại Đại hội của Mai Linh Miền Bắc, cổ đông đã rất bức xúc với việc HĐQT đề xuất không chia cổ tức năm 2015. Chưa kể, một số cổ đông đề nghị đơn vị kiểm toán là Deloitte giải trình nhiều số liệu trong báo cáo tài chính sau kiểm toán, trong đó có việc đảm bảo về tính chính xác của khoản dự phòng cho những khoản thu khó đòi của Công ty. Thậm chí, giữa cổ đông và Ban lãnh đạo doanh nghiệp còn nảy sinh tranh chấp khiếu kiện và vụ việc đang được đưa ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội giải quyết.

Yếu kém do đâu?

Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Miền Bắc tiền thân là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ được chuyển đổi từ Công ty TNHH Mai Linh Hà Nội. Hiện nay, Công ty có vốn điều lệ 486 tỷ đồng. Bộ máy của Mai Linh miền Bắc khá cồng kềnh khi có tới 16 công ty con, 1 công ty liên kết. Ở mỗi tỉnh thành lại thành lập 1 công ty con với pháp nhân độc lập, giữa công ty mẹ và công ty con có quan hệ gắn kết với nhau bằng việc chung thương hiệu và mua bán xe hợp tác kinh doanh.

Tính đến cuối quý I/2016, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty lên tới 622 tỷ đồng, trong đó, phải thu ngắn hạn khác chiếm 587 tỷ đồng. Công ty chỉ dự phòng vỏn vẹn 40 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi. Nợ phải trả của Mai Linh lên tới 1.789 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 459 tỷ đồng. Cơ chế quản trị công nợ của Công ty tỏ ra kém hiệu quả khi công ty mẹ không thu hồi được nợ khiến khoản phải trả tiền đặt cọc bán xe hợp tác kinh doanh lên tới 860 tỷ đồng.

Kết quả là quý I/2016, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 4 tỷ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Thừa nhận những yếu kém kể trên, ông Hồ Chương, Tổng giám đốc Mai Linh Miền Bắc cho biết, năm 2015, doanh thu của Công ty không cao so với năm 2014 vì 90% dòng xe các đơn vị thành viên miền Bắc đang kinh doanh trên thị trường là xe đầu tư giá thấp (Kia, i10). Doanh thu như hiện nay chỉ đủ bù đắp được chi phí, khó có thể sinh lãi. Chưa kể, vấn đề thiếu lái xe vẫn tiếp tục diễn ra trầm trọng, các chi phí dành cho cho tuyển dụng lái xe, phí đường bộ, bảo hiểm, đăng kiểm rất cao. Đồng thời, để thu hút và giữ chân các tài xế, Mai Linh Miền Bắc đã điều chỉnh tỷ lệ phân chia lương, thưởng cho lái xe theo hướng có lợi hơn cho người lao động.

Những khó khăn kể trên xuất hiện trong bối cảnh mức độ cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống như Mai Linh và taxi công nghệ cao của dịch vụ Grap, Uber tại 5 thành phố lớn trong nước ngày càng khắc nghiệt, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. HCM, những địa bàn hoạt động chính của Công ty.

Do công nợ nhiều, huy động tiền vay để đầu tư lớn (hơn 400 tỷ đồng) nên Mai Linh Miền Bắc đã phải bán tòa nhà trụ sở văn phòng và hiện tại đang phải đi thuê trụ sở. Ban điều hành Công ty tuy đã có nhiều nỗ lực để thu hồi công nợ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Vậy nhưng, các giải pháp mà Công ty đưa ra để giải quyết những khó khăn chồng chất này không có gì mới, vẫn “bổn cũ soạn lại” với phương pháp tiết giảm chi phí, tăng thêm xe hợp tác kinh doanh để tăng thêm lợi nhuận và giữ được thị phần trên thị trường.

Giải thích trước ý kiến nhận xét về vai trò của đầu tàu lãnh đạo Công ty, ông Hồ Chương cho biết: “Công ty không thuê Tổng giám đốc mà đây là cổ đông sáng lập sở hữu hơn 10% cổ phần và do HĐQT bổ nhiệm. Việc Tổng giám đốc không thường xuyên có mặt tại Công ty là do yêu cầu công việc phải quản lý tới 16 đơn vị. Trong thời gian vắng mặt đã ủy quyền và giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới để đảm bảo hoạt động liên tục của Công ty. Còn việc Tổng giám đốc vắng mặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng như cổ đông phản ánh cần có dẫn chứng cụ thể”.

Vị CEO này cũng lý giải về mối quan hệ với Mai Linh Đông Đô: “Hợp đồng hợp tác đã được ký vào năm 2008 và không được hủy ngang. Việc ký hợp đồng này dựa trên cơ sở ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty khi đó đề nghị tôi về làm Tổng giám đốc và sáp nhập 2 đơn vị. Hơp đồng này do ông Chủ tịch trực tiếp ký với Mai Linh Đông Đô. Hiện tại, đúng là cần phải đánh giá hiệu quả của hợp đồng này, đặc biệt trong tình hình không thu hồi được công nợ, không thực hiện đúng quy định đã thống nhất giữa hai bên”.

Ông Hồ Chương cho biết thêm, với tình hình công nợ nhiều, chi phí cao, lợi nhuận thấp, nếu chia cổ tức sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn kinh doanh năm 2016. Bởi vậy, doanh nghiệp phải khẩn trương thu hồi công nợ mới có nguồn để chia cổ tức cho cổ đông. Vị lãnh đạo này hứa hẹn với cổ đông rằng, HĐQT Công ty đã không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2015, do vậy sang năm 2016, phải có kế hoạch kinh doanh và thu hồi nợ, đồng thời thay đổi cả về con người và cách thức điều hành. 

Bắt bệnh quản trị doanh nghiệp

Xem xét câu chuyện của Mai Linh Miền Bắc, nhóm chuyên gia về quản trị doanh nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp đang mắc khá nhiều căn bệnh mà các doanh nghiệp Việt Nam có yếu tố quản trị gia đình đang gặp phải. Đó chính là không phân tách rõ ràng giữa nhiệm vụ của HĐQT và Ban điều hành.  Hội đồng quản trị có trách nhiệm giám sát và kiểm soát, cụ thể là kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro; quản lý tài chính và báo cáo tài chính; giám sát hiệu quả hoạt động của Ban điều hành… Trong trường hợp này, rủi ro về công nợ rất lớn của doanh nghiệp đã không có giải pháp quản trị hữu hiệu, dẫn đến nợ khó đòi kéo dài. Chưa kể, trong trường hợp của Mai Linh Miền Bắc còn xuất hiện mâu thuẫn giữa việc Ban điều hành đánh giá hợp đồng hợp tác do Chủ tịch HDQT Công ty ký không hiệu quả, nhưng e ngại “mối quan hệ” với Chủ tịch HĐQT nên khó xử lý.

Tương tự là sự ràng buộc giữa Chủ tịch Công ty và Tổng giám đốc bởi CEO cũng là cổ đông lớn (không chỉ là người làm thuê đơn thuần). Điều này sẽ gây trở ngại nếu muốn tiến hành những thay đổi về con người và cách thức điều hành nhằm mang lại hiệu quả hoạt động tích cực hơn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không xử lý được câu chuyện nể nang và e ngại, không thiết lập được các cơ chế kiểm soát và phòng ngừa rủi ro chéo nhau để hóa giải những yếu kém gây lãng phí nguồn lực doanh nghiệp, Mai Linh Miền Bắc khó có thể lấy lại phong độ và gia tăng sức cạnh tranh.

Tin bài liên quan