Mã HAG-HNG: Chờ niềm tin mới từ Thaco

Mã HAG-HNG: Chờ niềm tin mới từ Thaco

(ĐTCK) Cặp đôi cổ phiếu HAG - HNG đã có chuỗi tăng giá ấn tượng trong hơn 2 tháng trở lại đây bất chấp thị trường chung sụt giảm. Câu chuyện phát hành cho các đối tác chiến lược đang đem lại niềm hy vọng cho nhà đầu tư về khả năng phục hồi lợi nhuận sau giai đoạn dài gian khó.

Khi hy vọng mới được mở ra

Ngày 3/8/2018, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (HNG) đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phân phối 221.688 trái phiếu chuyển đổi cho CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) với tổng giá trị phát hành 2.216,9 tỷ đồng. Đây là lượng còn lại trong đợt chào bán 221.710 trái phiếu chuyển đổi của HNG cho cổ đông hiện hữu trong tháng 6/2018. Khi đó, chỉ 22 trái phiếu được cổ đông thực hiện quyền, tương ứng tỷ lệ thành công 0,01%.

Như vậy, sau nhiều đồn đoán, cái bắt tay hợp tác giữa HNG và Thaco - doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam với 49.698 tỷ đồng doanh thu, 5.465 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017 - đã trở thành hiện thực.

Năng lực tài chính, thương hiệu của Thaco đủ để tạo niềm tin vào triển vọng phục hồi của HNG sau thời gian dài khó khăn bởi áp lực nợ vay đè nặng, lãi vay bào mòn lợi nhuận.

Về danh nghĩa, Thaco sẽ mua trái phiếu chuyển đổi của HNG, chứ không phải cổ phiếu. Tuy nhiên, với các điều kiện được giữ nguyên như bản cáo bạch chào bán trái phiếu được công bố trước đó là “trái phiếu chuyển đổi có lãi suất 0%, bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu sau 12 tháng kể từ ngày phát hành thành công với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu”, cổ đông HNG sẽ không phải lo ngại về việc chủ nợ từ chối chuyển đổi nếu kết quả kinh doanh, tái cấu trúc không như ý và rút vốn bằng cách yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ lãi và gốc như một số trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi khác.

Cùng ngày công bố phát hành trái phiếu của HNG cho Thaco, công ty mẹ của HNG là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu trong năm 2018.

Theo đó, HAG dự kiến sẽ phát hành 185 triệu cổ phiếu (tương đương 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá 7.200 đồng/cổ phiếu (bằng 1,2 lần giá trung bình của 25 phiên giao dịch từ ngày 29/6- 2/8/2018) thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Dù sẽ cần thêm thời gian để lấy ý kiến cổ đông, nhưng kết quả đồng thuận là điều có thể được dự báo trước. Sau thành công của HNG, việc đối tác chiến lược đàm phán sẽ tham gia vào HAG được đồn đoán đã đạt được những kết quả nhất định và việc HAG lấy ý kiến cổ đông chỉ là một trong những bước đi cuối cùng.

Trên thị trường, thị giá cổ phiếu HNG và HAG diễn biến rất tích cực. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/8 tại 16.950 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HNG đã đạt mức tăng 125% trong hơn 2 tháng trở lại đây và tăng gần 3 lần kể từ đầu năm. Thị giá cổ phiếu HAG cũng tăng hơn 60% trong hơn 2 tháng qua.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ trong bối cảnh thị trường từ nửa cuối tháng 4/2018 bước vào giai đoạn giảm điểm, giá hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm sâu và kết quả kinh doanh của HAG và HNG chưa mấy khả quan trong nửa đầu 2018.

Những khó khăn chưa dễ vượt qua

Những năm qua, câu chuyện mất cân đối tài chính, áp lực nợ vay, lãi vay cao bào mòn lợi nhuận, nợ quá hạn khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục đã trở thành một trong những vấn đề lớn mà HAG cũng như HNG phải đối mặt. Dù đã lần lượt bán đi tài sản lớn như bất động sản, khoáng sản, thủy điện, mía đường…, nhưng cấu trúc tài chính, kết quả kinh doanh của HAG, HNG không được cải thiện nhiều.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất được HNG công bố, trong quý II/2018, Công ty đã ghi nhận doanh thu 1.285 tỷ đồng. Xét về cơ cấu, trái cây tiếp tục là mảng có đóng góp lớn nhất với 650 tỷ đồng, chỉ giảm 2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017; trong khi hoạt động bán ớt tăng mạnh và đóng góp 336 tỷ đồng; bán sản phẩm, hàng hóa tăng gần 80%, đạt 239 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu bán mủ cao su và bán bò giảm mạnh cùng việc không còn mảng đường khiến tổng doanh thu của HNG chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ.

Mặc dù giá vốn hàng bán giảm, giúp lãi gộp tăng 27,9%, lên 612,5 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp đạt 47,7% - một tỷ suất hấp dẫn so với nhiều ngành kinh doanh khác trên thị trường, nhưng áp lực chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) ở mức cao, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, cùng việc không còn ghi nhận doanh thu tài chính đột biến từ như năm ngoái khi bán mảng mía đường khiến HNG chỉ ghi nhận 53,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/1018, giảm 93% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 81,1 tỷ đồng, giảm 89,3%.

Đến cuối quý II/2018, nợ phải trả của HNG đã giảm 3.701 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vẫn chiếm 62% nguồn vốn, với trị giá 18.428 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn là 1.694 tỷ đồng, còn vay dài hạn là 10.757 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, HNG đã giảm được 41,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.670 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Nguyên nhân khiến nợ vay giảm mạnh là do HNG đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 119,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi 1.197 tỷ đồng nợ thành vốn cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3/2018.

Đến cuối tháng 6/2018, HNG đang có 11.791 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, là khoản mục lớn nhất trong tổng tài sản với 40,3%.

Bức tranh tài chính - kinh doanh của HNG cũng phản ánh tình trạng tại công ty mẹ HAG khi lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay giảm 83% so với cùng kỳ 2017. Nợ vay vẫn cao gấp 1,27 lần vốn chủ sở hữu. Chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) chiếm 61% lợi nhuận gộp, dù một lượng lớn lãi vay cũng đã được vốn hóa.

Trong bối cảnh đó, việc phát hành 2.217 tỷ đồng cho đối tác chiến lược đem về dòng tiền để tái cấu trúc tài chính của HNG đã và đang đem lại sự phấn khởi và hy vọng cho cổ đông vào triển vọng phục hồi của HNG, HAG. Theo bản cáo cáo bạch phát hành, 1.137 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư trồng mới và chăm sóc các vườn cây ăn trái trong kế hoạch đầu tư 2018 và 1.080 tỷ đồng dự kiến để cơ cấu tài chính.

Bên cạnh việc đem về dòng “tiền tươi thóc thật” giữa lúc khó khăn, việc phát hành này còn cho thấy niềm tin của những nhà đầu tư tổ chức uy tín vào triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong dài hạn. Trước đó, cả HAG và HNG cũng đã có những đợt phát hành để hoán đổi công nợ, dù với giá cao hơn thị giá trên thị trường nhưng lại bị mang nhiều nghi ngờ về tính minh bạch.

Tuy vậy, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu dự kiến sẽ cần thời gian dài để chứng minh. Dù “bốc thuốc trúng bệnh” thì cũng cần có thời gian đủ dài để “ngấm” và đem lại kết quả thực tiễn. 

Tin bài liên quan