Luật sư nói gì về yêu cầu triệu tập đại hội bất thường của Kusto, đòi ban lãnh đạo Coteccons từ chức?

(ĐTCK) Cổ đông lớn của Coteccons là Kusto có quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường, nhưng trên thực tế theo các luật sư, việc này rất khó khăn.
Luật sư nói gì về yêu cầu triệu tập đại hội bất thường của Kusto, đòi ban lãnh đạo Coteccons từ chức?

Ngày 1/6 vừa qua, Kusto đã gửi thông báo đến Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD – HOSE) tại ngày 22/6/2020 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, với mục đích bầu lại thành viên HĐQT và kiểm toán Công ty.

Một luật sư chuyên tư vấn cho các công ty niêm yết chia sẻ, từ trước đến nay chủ yếu là tổ chức phát hành gửi yêu cầu chốt danh sách cổ đông, chứ chưa có tiền lệ cổ đông lớn yêu cầu gửi danh sách cổ đông.

Theo khoản 3, Điều 114, Luật Doanh nghiệp về quyền cổ đông phổ thông mà Kusto cũng viện dẫn trong thông cáo báo chí, cổ đông có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông khi Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.

Tuy nhiên, Luật cũng yêu cầu: Triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải được lập bằng văn và nêu căn cứ, lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.

Theo Quy chế số 02 của Trung tâm Lưu ký đang có hiệu lưc, trường hợp Đại hội đồng cổ đông bất thường do cổ đông hoặc nhóm cổ đông có thẩm quyền triệu tập theo Luật Doanh nghiệp cần gửi "tài liệu chứng minh Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát không thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường. Tài liệu chứng cứ để chứng minh Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao...".

Áp các quy định trên vào trường hợp của Coteccons, Kusto cần chứng minh, đưa ra các tài liệu chứng cứ thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Coteccons vi phạm quy định, điều lệ Công ty.

Kusto cáo buộc Ban điều hành Coteccons “sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác mà các thành viên của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan... “gây thiệt hại nghiêm trọng cho khoản đầu tư” của Kusto và tổn hại quyền cổ đông.

Trong thông cáo báo chí Ban điều hành Coteccons phát đi ngay sau cáo buộc của Kusto, đã phản bác các cáo buộc này và khẳng định, thực hiện việc giao thầu cho Ricons (một công ty liên kết có vốn góp của Coteccons) và các nhà thầu khác theo đúng quy chế của Hội đồng quản trị và các quy trình kiểm soát chi phí nội bộ.

Theo Coteccons, phía Công ty đã nhiều lần chia sẻ về mô hình phát triển thành tổng thầu, cần có các nhà thầu phụ có cùng tiêu chuẩn về chất lượng thi công, an toàn lao động và kỷ luật mới có thể nhận thầu các công trình có giá trị lớn, đem lại tỷ suất lợi nhuận cao cho công ty. Thực tế, các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn của Coteccons luôn cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ lợi thế tổng thầu, nhất là trong các năm trước khi ngành xây dựng bị ảnh hưởng do khó khăn về thủ tục triển khai dự án bất động sản.

Theo luật sư trên, trong khi các bên đưa ra lập luận của mình, thì Trung tâm Lưu ký liệu có đủ chức năng để đánh giá tài liệu mà các bên đưa ra? Tuy nhiên, tài liệu, chứng cứ như thế nào được gọi là hợp lý là vấn đề có thể gây tranh cãi giữa các bên, trừ khi có phân định của Tòa án.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, cổ đông lớn có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường, nhưng chấp nhận hay không là quyền của Hội đồng quản trị. Trong trường hợp không được chấp thuận, cổ đông lớn có thể nhờ Tòa án phán xử.

“Thực tế cho thấy, quá trình này là trường kỳ và rắc rối. Bên yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường phải chứng minh được bên kia vi phạm điều lệ và các quy định của công ty. Việc giao thầu cho một nhà thầu phụ mà công ty có vốn góp có phải là hành vi bị hạn chế trong Điều lệ hay không cần làm rõ”, ông Nghiêm nói.

Liệu Kusto có triệu tập được Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 13/7 như dự tính của họ?  

Thời điểm này, Coteccons đang gửi Phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua Nghị quyết cho phép công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến và bỏ phiếu biểu quyết, bầu cử từ xa, trực tuyến.

Kusto đang nắm giữ 18,23% số cổ phần Coteccons có quyền biểu quyết. Cùng với nhóm của mình (điển hình là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm 14,67% số cổ phần có quyền biểu quyết – đại diện theo pháp luật là ông Kebirov Ablakhat, cũng chính là đại diện pháp luật của Công ty Kusto Home), nhóm Kusto (hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn) nhiều khả năng sẽ không thông qua Nghị quyết này. Nên nhiều khả năng kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên theo hình thức này của Coteccons vào ngày 30/6 sẽ không thành. Trong trường hợp này, Coteccons sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên theo cách thức truyền thống trước đây.

Tin bài liên quan