Số tiền mà Licogi 14 dành cho Dự án Nam Minh Phương theo phương án phát hành hồi đầu năm 2018 là 60 tỷ đồng. Ảnh: S.T

Số tiền mà Licogi 14 dành cho Dự án Nam Minh Phương theo phương án phát hành hồi đầu năm 2018 là 60 tỷ đồng. Ảnh: S.T

Licogi 14 om tiền của cổ đông

Sau hơn 1 năm huy động vốn từ cổ đông và để tiền “ngủ yên”, đến tháng 7/2019, Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14 - sàn HNX) mới đủng đỉnh cho biết, Licogi 14 trúng sơ tuyển Dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương.

Hợp tác với Licogi 16

Theo Quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương, liên doanh nhà đầu tư là Licogi 14 và Licogi 16 đã trúng sơ tuyển đầu tư dự án này. Theo đó, Licogi 14 được cử làm đại diện nhà đầu tư cho liên doanh.

Trước đó, đầu quý II/2019, Licogi 14 đã có báo cáo về tiến độ sử dụng vốn sau phát hành, trong đó đề cập tiến độ Dự án Nam Minh Phương. Theo báo cáo này, Licogi 14 cho biết, quy trình thẩm định Dự án kéo dài hơn so với dự kiến dẫn đến kế hoạch đầu tư Dự án bị thay đổi.

Nếu trúng thầu, Công ty dự kiến triển khai giải ngân chi phí giải phóng mặt bằng vào quý IV/2019, chi phí san gạt mặt bằng vào quý I/2020. Tiến độ thực hiện theo thông báo mới này chậm hơn so với thông báo hồi tháng 10/2018 (giải ngân chi phí giải phóng mặt bằng vào quý III/2019 và chi phí san gạt mặt bằng vào quý IV/2019).

Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm

Theo kết quả kinh doanh quý II/2019, doanh thu của Licogi 14 đạt 67,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế thuế của Công ty chỉ đạt 27,5 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý II/2019 của Licogi 14 đạt 22 tỷ đồng, giảm 14,4% so với quý II năm ngoái.    

Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Khu đô thị mới Nam Minh Phương có diện tích 54,34 ha thuộc địa bàn hai phường Minh Phương và Minh Nông (TP. Việt Trì). Chức năng chính của khu vực là các khu nhà ở chia lô liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, công cộng, dịch vụ khu ở, khuôn viên cây xanh, mặt nước, vui chơi giải trí nhóm nhà ở. Dự kiến dân số khu vực khoảng 8.400 người, trong đó, khu chia lô liền kề và biệt thự khoảng 4.784 người; nhà ở tái định cư là 64 người; khu nhà ở xã hội khoảng 3.652 người. Chỉ tiêu sử dụng đất ở là 24,6 m2/người; chỉ tiêu đất cây xanh khu ở là 3,1 m2/người.

Từ đầu năm 2018, Licogi 14 đã thực hiện đợt phát hành quy mô lớn lên tới gần 75 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên gấp 2 lần. Số tiền thu được từ đợt phát hành là gần 90 tỷ đồng, một phần phục vụ thực hiện Dự án Nam Minh Phương, một phần cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh khác của Công ty.

Tiền cổ đông vẫn “ngủ”

Tại thời điểm ngày 30/6/2019, đầu tư tài chính của Licogi 14 vẫn ở mức rất khủng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn có giá trị gần 140 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn 114,5 tỷ đồng. Đây đều là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Tổng 2 khoản này theo đó lên tới hơn 254 tỷ đồng, lớn gấp 1,7 lần so với vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Nhìn vào dòng tiền nửa đầu năm 2019, có thể thấy, việc gửi và rút tiền có vẻ là hoạt động quan trọng nhất của Licogi 14 trong 6 tháng đầu năm, nếu tính về quy mô dòng tiền. Theo đó, tiền thu hồi tiền gửi từ ngân hàng là 135,3 tỷ đồng, cao gấp hơn 1,3 lần tổng tiền thu bán hàng và dịch vụ trong kỳ, gấp gần 2,7 lần tổng tiền chi trả cho các nhà cung cấp dịch vụ và gấp 833 lần tiền chi mua sắm xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Trong khi đó, tiền nộp vào ngân hàng dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn là 177,3 tỷ đồng, gấp hơn 1,7 lần tiền thu bán hàng và dịch vụ, gấp hơn 3,5 lần tiền trả cho các nhà cung cấp dịch vụ và gấp 1.108 lần tiền chi đầu tư tài sản cố định.

Tổng số tiền có dưới dạng tiền gửi quá lớn cho thấy, Licogi 14 đang bị dồn ứ tiền quá nhiều, bởi theo dự kiến, số tiền mà Công ty dành cho Dự án Nam Minh Phương theo phương án phát hành hồi đầu năm 2018 chỉ là 60 tỷ đồng, bằng chưa đến 1/4 tổng số tiền mà Licogi 14 đang có dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn.

Tin bài liên quan