Ảnh Internet

Ảnh Internet

Landmark Holding giải trình cho có, đối phó cho xong

(ĐTCK) Công ty cổ phần Landmark Holding (LMH) đã có công văn giải trình theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM về việc “Báo Ðầu tư Chứng khoán đăng tải bài báo liên quan đến vấn đề quản trị của Công ty, ra ngày 14/02/2020”, chỉ sau 2 ngày nhận được công văn của Sở. Ðiều đáng tiếc là, sự khẩn trương đó không còn nhiều ý nghĩa khi Ban lãnh đạo LMH đã giải trình hoàn toàn sai trọng tâm vấn đề mà bài báo nêu ra.

Theo giải trình của LMH thì: “Việc công ty giảm/dừng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua tại Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông ngày 20/11/2019 để loại bỏ các ngành nghề kinh doanh bị giới hạn sở hữu nước ngoài để nâng từ 0% lên 100% và đầu tư phát triển thêm ngành nghề kinh doanh năng lượng xanh theo nội dung Tờ trình số 01/Ttr. HÐQT-LMH ngày 10/10/2019...”.

Các ngành nghề cụ thể được LMH nêu như trong Nghị quyết Ðại hội thông qua.

“Toàn bộ thông tin, tài liệu và Nghị quyết HÐQT việc xin ý kiến ÐHCÐ đã được Công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy chế quản trị và công bố thông  tin đầy đủ, kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Thông tư 155/2015 về công bố thông tin”, giải trình của LMH khẳng định.

Tạm bỏ qua lỗi chính tả và lỗi về thời gian khi bản giải trình của LMH gửi đến HOSE ghi thời gian thông qua Nghị quyết là 20/11/2020..., thì điều không chấp nhận được là Ban lãnh đạo LMH không giải trình đúng vấn đề vi phạm luật và quy định quản trị nêu trong bài báo có tiêu đề “Landmark Holding (LMH): Hội đồng quản trị qua mặt Ðại hội đồng cổ đông thế nào?”, đăng trên Ðầu tư Chứng khoán.

Vi phạm lớn nhất của Ban lãnh đạo LMH mà bài báo nêu lên là kể từ sau khi Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2018 LMH (tổ chức đầu năm 2019) thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận kế hoạch dựa trên mảng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng góp tới hơn 90%, Ban lãnh đạo LMH đã tự ý giảm dần mảng kinh doanh xăng dầu.

Chính trong bản giải trình biến động kết quả kinh doanh quý III và quý IV, LMH trình bày  việc dừng kinh doanh xăng dầu trong khi chưa phát sinh doanh thu bất động sản làm tổng doanh thu giảm mạnh, dẫn đến không đủ bù đắp chi phí cố định và lãi vay phát sinh, khiến lợi nhuận giảm mạnh và lỗ trong quý IV/2019.

Ðến ngày 20/11/2019, Công ty mới có Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông thông qua việc bỏ lĩnh vực kinh doanh xăng dầu để đáp ứng yêu cầu nới room cho nhà đầu tư ngoại lên 100%.

Theo giải trình của LMH, việc giảm/dừng kinh doanh xăng dầu là đúng luật, đúng quy chế quản trị công ty và được công bố thông tin đầy đủ kịp thời, dựa trên căn cứ pháp lý là Nghị quyết ÐHCÐ ngày 20/11/2019.

Vậy thì từ đầu quý III/2019 đến trước khi có Nghị quyết Ðại hội ngày 20/11/2019, Ban lãnh đạo LMH đã tự ý giảm kinh doanh xăng dầu, liệu có đúng luật, đúng quy chế quản trị công ty không?

Chí ít Công ty cũng cần có một Nghị quyết của HÐQT về việc dừng kinh doanh xăng dầu và nghị quyết này thuộc dạng phải công bố thông tin trong vòng 24h vì ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động kinh doanh.

Ðây mới là vấn đề cần Ban lãnh đạo LMH giải trình.

Chưa kể hầu như không công ty nào xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bỏ ngành nghề kinh doanh đang chiếm đến hơn 90% doanh thu trong năm trước và đang có lãi dù lãi thấp.

Các doanh nghiệp chỉ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản khi bỏ những ngành nghề kinh doanh không trọng yếu hoặc hiệu quả quá kém.

Việc giảm dần đến dừng hẳn kinh doanh xăng dầu của LMH rất cần được thảo luận trước khi biểu quyết thông qua tại Ðại hội đồng cổ đông được triệu tập trực tiếp mới đảm bảo công khai, minh bạch và cẩn trọng.

Việc LMH lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để “quyết” bỏ ngành nghề kinh doanh xăng dầu, xin nhắc lại lần nữa là lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của LMH, trong một tờ trình xin bỏ nhiều ngành nghề kinh doanh để đáp ứng yêu cầu nới room, có dấu hiệu là lạm dụng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Theo khuyến cáo của HOSE trong cuốn “Cẩm nang hướng dẫn công tác tổ chức ÐHCÐ dành cho doanh nghiệp” thì: “Công ty nên quy định cụ thể và rõ ràng trong điều lệ về các trường hợp được phép lấy ý kiến bằng văn bản để hạn chế lạm dụng hình thức thông qua quyết định này đồng thời bảo đảm cân bằng với chi phí, lợi ích của tổ chức họp”.

Dù sao thì việc giảm, dừng kinh doanh xăng dầu của LMH cũng đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Quyền khiếu kiện Ban lãnh đạo LMH thuộc về các cổ đông nhỏ, những người bị thiệt hại khi thị giá cổ phiếu LMH vì kết quả kinh doanh thua lỗ mà sụt mất 80%.

Về phía nhà quản lý, trách nhiệm giải trình của Ban lãnh đạo LMH không nên xem nhẹ. Nếu bản giải trình của Ban lãnh đạo LMH như trên được chấp nhận thì chất lượng nội dung giải trình của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay vốn đã thấp, sẽ hằn thêm kiểu... làm cho có, đối phó cho xong.

Tin bài liên quan