Kim loại màu Thái Nguyên (TMG) và Vimico tạm “thở phào” với món nợ 13,78 triệu USD

Kim loại màu Thái Nguyên (TMG) và Vimico tạm “thở phào” với món nợ 13,78 triệu USD

(ĐTCK) Phán quyết mới đây của tòa án Việt Nam về khoản nợ 13,78 triệu USD tại Eximbank Thái Lan là tín hiệu để TMG và Công ty mẹ Vimico có thể kết thúc vụ kiện kéo dài hơn 8 năm với ngân hàng này. 

Vào trung tuần tháng 2/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định không chấp nhận và không cho thi hành phán quyết liên quan tới khoản nợ 13,78 triệu USD tại Eximbank Thái Lan đối với Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (TMG). Đây là phán quyết của cấp phúc thẩm nên có hiệu lực thi hành ngay.

Về vụ việc trên, một chuyên gia pháp lý nhìn nhận, tuy lãnh đạo cũ của TMG có sai phạm (ký hợp đồng bảo lãnh không đúng thẩm quyền và không có con dấu), nhưng hành vi sai phạm không gây ra thiệt hại và việc xác định mức độ vi phạm tùy thuộc vào quy chế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì chưa thu hồi được tiền nên Eximbank Thái Lan có thể khởi kiện lại (theo quy định của pháp luật Thái Lan) nếu còn thời hiệu khởi kiện.

Trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện hoặc Eximbank Thái Lan chấp nhận phán quyết thì vụ việc sẽ kết thúc và ngân hàng sẽ “khóa lại” vụ việc trên sổ sách. Khi đó, TMG mới có thể “thở phào”.

Trên thực tế, vụ việc này đang tồn tại 2 phán quyết của trọng tài vì Eximbank Thái Lan từng khởi kiện Công ty Liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái và TMG.

Cả 2 phán quyết đều buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán nợ gốc và lãi là hơn 13,78 triệu USD (gồm nợ gốc là 9 triệu USD và lãi phát sinh là 4,78 triệu USD).

Tuy nhiên, Emximbank Thái Lan chỉ yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án với TMG vì Công ty Việt Thái đang đứng trước nguy cơ phá sản, đồng nghĩa là nếu có bản án thì cũng không còn tài sản để thi hành án.

Khởi nguồn vụ việc là năm 1995, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên (tên gọi trước khi TMG cổ phần hóa) hợp tác với Công ty Teparak International (Thái Lan) thành lập Công ty Việt Thái tại Việt Nam để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột oxit kẽm, vốn pháp định 2,15 triệu USD.

Theo cam kết, phía Việt Nam góp 40% vốn, nhưng mới góp được 562,6 triệu đồng thì việc liên doanh tạm dừng.

Ngày 20/6/2001, Eximbank Thái Lan ký hợp đồng tín dụng với Công ty Việt Thái và cho vay hơn 9 triệu USD. Ngân hàng đã giải ngân số tiền này.

Cùng ngày, TMG và Eximbank Thái Lan ký hợp đồng cấp vốn. TMG có trách nhiệm cấp vốn cho Công ty Việt Thái và đứng ra thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay nếu Công ty Việt Thái không có khả năng thanh toán, hoặc không thực hiện đúng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Việt Thái đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Eximbank Thái Lan yêu cầu TMG trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký. Tuy nhiên, TMG không thực hiện nghĩa vụ này với lý do lãnh đạo cũ có sai phạm.

Năm 2012, Eximbank Thái Lan khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài Thái Lan. Năm 2014, Trung tâm trọng tài Thái Lan ban hành 2 phán quyết buộc TMG phải thanh toán số tiền nợ gốc và lãi là 13,78 triệu USD.

TMG đã khiếu nại đến Tòa dân sự của Thái Lan, nhưng bất thành. Năm 2018, Eximbank Thái Lan yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết ở Việt Nam.

Tòa án Việt Nam đã xem xét ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm và đều đồng tình với kết luận, ông Lê Xuân Trường (cựu Giám đốc của TMG) ký hợp đồng không đúng thẩm quyền, không thể hiện ý chí của TMG và nhân danh Công ty trong giao dịch.

Mặt khác, trong hợp đồng cấp vốn cũng không đóng dấu của TMG nên giao dịch được xác định là do cá nhân ông Trường thực hiện, không đại diện Công ty. Do đó, hợp đồng tín dụng không có giá trị ràng buộc với TMG.

Đáng chú ý, phán quyết trọng tài của Thái Lan đã ban hành trái với nguyên tắc cơ bản của mỗi quốc gia.

Bởi lẽ, pháp luật quốc tế và các quốc gia trên thế giới không cho phép một khoản nợ được trả 2 lần bởi 2 chủ thể khác nhau bằng 2 phán quyết được ban hành liên tiếp và cùng có hiệu lực.

Theo khoản 5, khoản 6 - Điều 1, Điều 23 - Nghị định số 90/1998/NĐ-CP về quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài, chỉ có 3 chủ thể được bảo lãnh khi doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, đó là chính phủ, ngân hàng hoặc bảo lãnh của người không cư trú (các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc công ty nước ngoài).

Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, TMG không được phép bảo lãnh, nếu có ký kết thỏa thuận cấp vốn thì cũng vi phạm điều cấm của pháp luật.

Được biết, TMG là công ty con của Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin (Vimico).

Khi phê duyệt phương án cổ phần hóa TMG, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, công ty mẹ của Vimico) đã yêu cầu TMG có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ đối với khoản vốn góp vào Công ty Việt Thái, đồng thời tiếp tục thực hiện vai trò của cổ đông góp vốn trong liên doanh này theo quy định.

Như vậy, TMG chỉ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ pháp lý với tư cách là cổ đông góp vốn của công ty liên doanh, trong khi Vimico mới là bên phải thực hiện nghĩa vụ vật chất.

Tuy nhiên, với phán quyết mới đây của tòa án, cả TMG và Vimico có thể tạm “thở phào” với món nợ trên.

Tin bài liên quan