Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện chiến lược phát triển bền vững và có sự cải tiến liên tục hàng năm nhằm tăng hiệu quả 
cho chính mình và cộng đồng. Phần lớn trong số này cũng đồng thời được ghi nhận có báo cáo thường niên tốt nhất hàng năm.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện chiến lược phát triển bền vững và có sự cải tiến liên tục hàng năm nhằm tăng hiệu quả cho chính mình và cộng đồng. Phần lớn trong số này cũng đồng thời được ghi nhận có báo cáo thường niên tốt nhất hàng năm.

Kiến tạo tương lai xanh, bước chân của doanh nghiệp lớn

(ĐTCK) Xu hướng đầu tư có trách nhiệm, đầu tư bền vững (đưa các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị - ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư) đã trở thành dòng chảy lớn trên toàn cầu, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như các tổ chức quản lý tài sản lớn bậc nhất thế giới tham gia. Điều này góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm đối với môi trường, xã hội. 

Từ hướng dòng vốn vào hoạt động đầu tư bền vững…

Báo Tuổi trẻ đưa tin, theo báo cáo công bố ngày 27/12/2019 của Quỹ từ thiện Christian Aid, năm 2019 được xem là năm nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử, chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên nhiên trên khắp thế giới.

Thống kê của tổ chức này cho thấy, có 15 thảm họa gây thiệt hại trên 1 tỷ USD, thậm chí trong số này có tới 7 thảm họa có mức thiệt hại trên 10 tỷ USD, tờ Express đưa tin.

"Thời tiết khắc nghiệt - một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu - đã tấn công mọi nơi trên thế giới trong năm qua. Từ Nam Phi đến Bắc Mỹ, từ châu Đại Dương và châu Á đến châu Âu, lũ lụt, bão tố và hỏa hoạn đã gây ra sự hỗn loạn, tàn phá, hủy diệt", Christian Aid viết.

Trong danh sách các thảm họa thiên tai có mức thiệt hại từ 10 tỷ USD trở lên, có các trận lụt ở miền bắc Ấn Độ, siêu bão Lekima ở Trung Quốc, bão Dorian ở Mỹ, lũ lụt ở Trung Quốc, các trận lũ lụt ở miền Trung Tây và Nam nước Mỹ, bão Hagibis ở Nhật Bản, cháy rừng ở bang California (Mỹ).

Trong đó, thảm họa cháy rừng California có mức thiệt hại lớn nhất, lên tới 25 tỷ USD, kế đến là siêu bão Hagibis (15 tỷ USD), lũ lụt ở Mỹ (12,5 tỷ USD) và Trung Quốc (12 tỷ USD).

"Nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2-3 độ C vào cuối thế kỷ này. Khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục trở nên cực đoan hơn và mọi người trên khắp thế giới sẽ tiếp tục phải trả giá", Christian Aid nhấn mạnh.

Chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã và đang có nhiều nghiên cứu, định hướng chính sách ở cấp độ từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu để kìm chế, giảm phát thải khí nhà kính, tránh những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.

Điều này có thể nhận thấy ở Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, cho tới Các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc (SDGs).

Tại Việt Nam, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) - đơn vị chấm điểm báo cáo phát triển bền vững trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019 đánh giá, mặt bằng chất lượng báo cáo năm nay có bước tiến rõ rệt so với năm ngoái, nhưng có một số nội dung chưa thực sự tốt.

Trong báo cáo năm nay, tất cả các doanh nghiệp trong danh sách chấm điểm đều đã xem xét hoặc gắn kết các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong chiến lược và hoạt động phát triển bền vững.

Rất nhiều doanh nghiệp đi thêm một bước nữa là đưa ra chiến lược phát triển bền vững dựa trên các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, cũng như là các mục tiêu phát triển bền vững của ngành.

Dù vậy, đây chỉ là số ít doanh nghiệp tiên phong và vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan chức năng, các tổ chức đầu tư, nhà đầu tư trong việc hướng dòng vốn vào hoạt động đầu tư bền vững, vì lợi ích chung.

Chính điều này tạo ra “sức ép” trên quy mô lớn đối với doanh nghiệp, buộc các công ty phải kết hợp các yếu tố ESG vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình trong dài hạn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital - đơn vị đồng hành cùng Cuộc bình Chọn Doanh nghiệp niêm yết trong suốt 12 năm qua (trước đây là Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên) cho rằng, các tổ chức kinh doanh có thể tác động bất lợi vào đa dạng sinh học, nhưng cũng phụ thuộc vào đó để sản xuất.

Do đó, sự mất mát có thể dẫn đến chi phí rủi ro cao hơn, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp cần nhận thức rằng, họ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu hiện là mối đe doạ lớn đối với môi trường sinh học toàn cầu. Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết, Trái Đất cứ tăng trung bình 1,5 độ C thì có thể khiến 2-3% các loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, các dải san hô dự báo giảm theo 70-80%.

Kiến tạo tương lai xanh, bước chân của doanh nghiệp lớn  ảnh 1

Ảnh: Shutterstock

Từ năm 2015, Liên hợp quốc đã chính thức công bố các mục tiêu phát triển bền vững - SDGs được công nhận bởi 193 quốc gia với kỳ vọng trước năm 2030, các nước có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong 17 lĩnh vực cụ thể: Từ xóa đói nghèo, y tế giáo dục, vệ sinh môi trường, bình đẳng giới, cho đến năng lượng tái tạo có giá hợp lý, các cộng đồng bền vững, sử dụng tài nguyên có trách nhiệm...

Theo Liên hợp quốc, trung bình thế giới đang mất đi 88.000 km2 rừng tự nhiên mỗi năm, tương đương diện tích thành phố London mất đi mỗi tuần, tương đương mất đi diện tích 1 sân bóng đá mỗi 2 giây.

Theo một chỉ số theo dõi môi trường sinh thái vừa công bố năm nay, giai đoạn 1970-2014, Trái Đất đã mất hơn 60% số cá thể động vật.

Trong ngành quản lý quỹ, nhà đầu tư không chỉ đòi hỏi những yếu tố chuyên môn, hệ thống hoạt động, cơ sở pháp lý, giấy phép hành nghề…, mà còn yêu cầu cả về mô hình, nguồn lực để theo dõi các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) tại các khoản đầu tư của họ.

Ước tính, có 253 tỷ USD tổng tài sản được quản lý bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp cam kết sẽ đầu tư vào các dự án có yếu tố ESG.

“Nhà đầu tư đang tiến tới yêu cầu là phải chấm điểm danh mục đầu tư về ảnh hưởng khí thải carbon. Đây là vấn đề Dragon Capital đang nghiên cứu rất chi tiết”, ông Dominic Scriven nói.

Cũng theo Chủ tịch Dragon Capital, không chỉ là trách nhiệm cần gìn giữ, những dịch vụ hệ sinh thái có thể mang đến những cơ hội, đó là tính bền vững của mô hình kinh doanh và khả năng tiết kiệm chi phí biến thành hiệu quả, khả năng tăng thị phần và những cơ hội làm ăn mới từ các dịch vụ hệ sinh thái.

Các tổ chức đo lường ước tính, tổng giá trị toàn cầu của các dịch vụ sinh thái đạt 125.000 tỷ USD mỗi năm, gấp rưỡi quy mô GDP toàn cầu.

Thế giới cũng mất đi từ 4.000-20.000 tỷ USD mỗi năm từ dịch vụ sinh thái khi hệ sinh thái bị phá huỷ từ 1997-2011.

Các tổ chức cũng chỉ ra rằng, GDP không chỉ là hiệu quả kinh tế, trong khi cách tiếp cận của kiểm toán truyền thống thường bỏ qua các chi phí về suy thoái của hệ sinh thái, bỏ qua tính toán về phát triển dài hạn, hệ thống kế toán quốc gia cũng chưa nắm bắt nguồn vốn tự nhiên, tài nguyên...

… Đến tiên phong kiến tạo tương lai xanh

Theo báo cáo Chương trình Môi trường Mỹ, lượng khí thải toàn cầu phải giảm 8% mỗi năm trong thập kỷ tới để phù hợp với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu.

Tốc độ cắt giảm lượng khí thải chậm, với 3% mỗi năm sẽ khiến Trái Đất nóng lên khoảng 2 độ C vào năm 2100.

Mức độ nóng lên này sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn làm chết rặng san hô và mất sự ổn định của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực.

Trong ngành năng lượng, hàng không được đánh giá là lĩnh vực có lượng khí thải carbon lớn.

Các hãng bay của Việt Nam cũng đã có giải pháp, chương trình để giảm thiểu tối đa lượng khí thải này. Đơn cử, từ năm 2015, Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) bắt đầu nhận những tàu bay đầu tiên thuộc thế hệ mới, bao gồm A350, B787 và A321neo.

Động cơ được lựa chọn trên tàu bay mới này đều thỏa mãn tiêu chuẩn về khí thải CAEP 6, giảm 16% nhiên liệu tiêu thụ, 50% khí thải và 75% tiếng ồn so với loại động cơ hiện tại.

Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật như tháo rửa động cơ, gửi động cơ đi đại tu, lựa chọn cấu hình giảm tiêu hao nhiên liệu, VNA đã và đang duy trì áp dụng 43 giải pháp tiết kiệm nhiên liệu trong điều hành khai thác.

Từ năm 2019, VNA đã gửi số liệu về phát thải cho Cục Hàng không Việt Nam để phục vụ cho chương trình giảm và đền bù carbon đối với các chuyến bay quốc tế.

Với Jestar là chương trình “Trung hoà carbon”, mỗi khách hàng tự nguyện có thể đóng góp mức phí khoảng 46.000 đồng cho chặng bay từ TP.HCM đến Hà Nội (mức phí đóng góp phụ thuộc vào độ dài đường bay nội địa và quốc tế).

Toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng để hỗ trợ các dự án trong và ngoài nước với mục tiêu giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường sống cho động vật có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc hỗ trợ các trường học ở các nước đang phát triển.

Kiến tạo tương lai xanh, bước chân của doanh nghiệp lớn  ảnh 2

Ảnh: Shuttestock

Chương trình “Trung hòa khí carbon” để giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính là một chương trình tự nguyện được chứng nhận một cách độc lập theo Các tiêu chuẩn quốc gia về giảm lượng khí thải carbon (NCOS) của Chính phủ Úc.

Tại Vietjet Air (VJC), hãng bay này đã ký hợp đồng Giải pháp nhiên liệu SFCO2 với Safran, hiệu lực từ năm 2017-2022 sẽ giúp VJC nâng cao hiệu suất khai thác chuyến bay thông qua các giải pháp đặc biệt nhằm giảm thiểu lượng tiêu hao nhiên liệu, cũng như giảm thiếu tối đa khí CO2
được thải ra.

Với chủ trương đi đầu trong ứng dụng những công nghệ mới và các giải pháp bảo vệ môi trường, theo kết quả phân tích quá trình hoạt động khai thác và bảo dưỡng, SFCO2 giúp VJC giảm được lượng tiêu hao nhiên liệu lên đến 5%, giúp tiết kiệm được hàng chục triệu USD mỗi năm.

Ứng dụng chương trình tiết kiệm nhiên liệu SFCO2, VJC đưa vào sử dụng 40 Chương trình theo dõi dữ liệu bay (FDM) để tiến hành phân tích chi tiết hiệu suất tổ bay, xác định sớm cách quản lý rủi ro, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động quản lý an toàn trong khai thác và bảo dưỡng.

Tổng kết năm 2018, căn cứ vào chương trình SFCO2, VJC đã tiết kiệm được hơn 3,4 triệu kg nhiên liệu và giảm được 10,8 triệu kg khí thải.

VJC cũng đạt được độ tin cậy kỹ thuật cao nhất là 99,64% so với các hãng hàng không khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, VJC đang từng bước xây dựng cơ sở tính toán lượng phát thải khí CO2 ra môi trường theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trong xây dựng chương trình quản lý phát thải khí CO2 cho ngành hàng không Việt Nam.

Với việc thường xuyên nằm trong Top 5 Báo cáo thường niên tốt nhất, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) nhiều năm liền đạt giải Nhất cho hạng mục báo cáo phát triển bền vững.

Bảo Việt mong muốn lan tỏa và kết nối các doanh nghiệp trong việc xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ, nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Đối với doanh nghiệp ngành dược, Traphaco (TRA) đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược dài hạn trong “Sứ mệnh tiên phong sáng tạo dược phẩm xanh bảo vệ sức khỏe con người”, với chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sạch, hệ thống phân phối, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Phát triển bền vững, bào chế thuốc có hiệu quả điều trị cao... từ lâu đã trở thành chiến lược được đầu tư và ưu tiên hàng đầu của TRA. Đến nay, vùng trồng dược liệu của TRA trải dài trên 36.300 ha khắp cả nước.

TRA cũng là một trong số ít công ty có những bước đầu khích lệ trong việc xem xét đến mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường - sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.

Trong ngành sữa, "anh cả" Vinamilk (VNM) đi vào thực chất hơn nữa trong chiến lược phát triển bền vững thông qua tập trung ở các mục tiêu định hướng kinh tế tuần hoàn như tái chế, tái sử dụng đối với nguyên vật liệu, năng lượng và tài nguyên nước.

VNM cũng tạo nhiều ấn tượng qua quy trình sản xuất với 100% trang trại đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo công nghệ yếm khí Biogas, 100% nước thải đầu ra được xử lý, tái sử dụng và hành động tiên phong trong ngành sữa hữu cơ.

Các chỉ tiêu về tỷ lệ tiêu thụ điện, năng lượng trên tấn sản phẩm, tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… là những minh chứng thuyết phục về sự nghiêm túc của Công ty trong phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực sợi dệt nhuộm, xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đã tạo động lực tăng trưởng cho sản phẩm sợi tái chế.

Hiện nay, ngày càng nhiều hãng thời trang và tiêu dùng tham gia sử dụng sợi tái chế, chẳng hạn Uniqlo công bố bắt đầu sử dụng từ năm 2020, hay các thương hiệu khác cam kết nâng tỷ trọng sợi tái chế trong tổng khối lượng sợi polyester các năm tới như Adidas đến năm 2024 là 100%, Puma 90% vào năm 2020, Decathlon 100% vào năm 2021 đối với sản phẩm may mặc bán tại thị trường Pháp, Ikea 100% vào năm 2020, Vanity Fair 50% vào năm 2025…

Trước bối cảnh đó, Sợi Thế Kỷ (STK) có tham vọng trở thành doanh nghiệp sản xuất sợi polyester lớn nhất Việt Nam khi liên tục đầu tư mở rộng nhà máy và nghiên cứu phát triển các dự án sợi thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế, sợi màu, sợi chập, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo kế hoạch của Công ty, dự kiến tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu tăng dần lên 40% năm 2020, 50% năm 2021 và 100% năm 2025. Lợi nhuận dự báo sẽ đạt 255 tỷ đồng vào năm 2020 và 416 tỷ đồng năm 2025.

Đóng góp của STK trong công cuộc “xanh hoá”, giảm thiểu rác thải nhựa rất đáng kể. Từ khi bắt đầu sản xuất sợi tái chế cuối năm 2016 đến nay, Công ty góp phần tái chế 1,1 tỷ chai nhựa đã qua sử dụng, tương ứng với 115,4 triệu chiếc áo thun.

Dự kiến trong 6 năm tới, STK sẽ góp phần tái chế thêm khoảng 13 tỷ chai nhựa. STK còn dự kiến ra mắt sản phẩm sợi tái chế sử dụng rác thải nhựa thu từ đại dương, góp phần bảo vệ đại dương khỏi sự xâm chiếm của rác thải nhựa.

Một định hướng phát triển bền vững khác mà STK theo đuổi là phát triển sản phẩm sợi màu, khi ngày càng nhiều hãng thời trang tham gia phong trào không thải hóa chất độc hại ra môi trường. Hạt nhựa màu sẽ được trộn vào polymer nóng chảy để kéo ra sợi màu.

Nhờ vậy, các hãng thời trang lớn có thể bỏ qua công đoạn nhuộm truyền thống, vốn sử dụng rất nhiều nước sạch và tốn nhiều chi phí để xử lý hóa chất độc hại trong nước thải.       

Tin bài liên quan