Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kho vận Petec (PLO) lên sàn, thêm mã yếu cho UPCoM

(ĐTCK) Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, cổ phiếu của Công ty cổ phần Kho vận Petec sẽ giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM vào ngày 10/4 với mã PLO và giá tham chiếu chỉ 3.000 đồng/cổ phiếu do tình trạng yếu kém của Công ty.

Petec hoạt động trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu, được thành lập vào tháng 4/2007, có trụ sở tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương. Ngành nghề kinh doanh chính của PLO là bán buôn, bán lẻ xăng dầu, cho thuê kho và phụ trợ kho.

Từ khi thành lập đến nay, Công ty chỉ thực hiện 1 lần phát hành, tăng vốn từ 25 tỷ đồng lên gần 72 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu và các đối tượng khác.

Tính đến ngày 31/10/2019, PLO có 425 cổ đông cá nhân. Công ty có 5 cổ đông lớn, nắm giữ tổng cộng 55,31% cổ phần. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư - CTCP nắm tỷ lệ 28,08% vốn điều lệ.

Các cổ đông lớn còn lại bao gồm CTCP Bất động sản và kỹ thuật xăng dầu (Petec Land) với tỷ lệ sở hữu 11%; ông Huỳnh Xuân Hồng, Thành viên HÐQT kiêm Giám đốc, nắm giữ 8,6% vốn và Ngân hàng TMCP Ðông Á nắm giữ 7,51%.

Năm 2018 (niên độ tài chính từ 1/4/2018 đến 31/3/2019), PLO ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 118 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, trong niên độ 2017, PLO thua lỗ gần 5 tỷ đồng và các năm trước đó ghi nhận lỗ hàng chục tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2019, vốn chủ sở hữu của Công ty âm gần 12 tỷ đồng do quãng thời gian dài thua lỗ trong các năm trước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn âm dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo cáo tài chính gần nhất cho biết, PLO có khoản nợ vay tài chính ngắn hạn lên tới hơn 35 tỷ đồng, gần 18 tỷ đồng các khoản nợ xấu.

Trong khi đó, tổng tài sản của doanh nghiệp là 43 tỷ đồng, trong đó chỉ có 240 triệu đồng tiền mặt, 580 triệu đồng hàng tồn kho. Trong 3 năm vừa qua, do hoạt động kinh doanh không đạt hiệu quả nên PLO không thực hiện chi trả cổ tức.

Trên thị trường UPCoM, tháng 3/2020 có thêm 5 doanh nghiệp đăng ký giao dịch cổ phiếu mới và 2 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch là CTCP Cơ khí và xây dựng Bình Triệu và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - CTCP.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường này tính đến hết ngày 31/3/2020 là 886 doanh nghiệp với tổng khối lượng đăng ký giao dịch là hơn 38,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch hơn 382.000 tỷ đồng.

Nhiều hàng, nhưng sàn này có thanh khoản và chỉ số rất thấp vì có quá nhiều mã yếu kém. Tháng 3 vừa qua, chỉ số UPCoM-Index giảm 13,48% so với thời điểm cuối tháng trước, rơi về mức dưới 50 điểm, chưa bằng 50% số điểm khởi đầu khi sàn này bắt đầu vận hành vào tháng 6/2009.

Về thanh khoản, trong tháng 3, khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 22,5 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 51,9% so với tháng trước), giá trị giao dịch đạt hơn 275,9 tỷ đồng/phiên (giảm 13,57% so với tháng trước).

Ðược biết, UPCoM là sàn dành cho cổ phiếu của doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp không có tiêu chuẩn về sức khỏe tài chính khi đưa cổ phiếu lên sàn này.

Tuy nhiên, việc sàn có quá nhiều mã nhỏ, sức khỏe yếu, khiến tính hiệu quả của giao dịch bị ảnh hưởng, khi thực tế sàn chỉ tăng về số lượng doanh nghiệp lên sàn, nhưng giảm dần về điểm số và thanh khoản so với một số năm trước đây.

Tin bài liên quan