VCW cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội.

VCW cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội.

Kẽ hở quản trị sản phẩm tại Nước sạch Sông Đà

(ĐTCK) Việc CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasuco, VCW) để cho nước bẩn từ đầu nguồn qua nhà máy xử lý đến tận hộ gia đình ở Hà Nội sử dụng là sự cố không thể chấp nhận được. Câu chuyện này cho thấy nhiều vấn đề trong quản trị của VCW cũng như sự buông lỏng quản lý nhà nước với lĩnh vực kinh doanh sản phẩm thiết yếu với đời sống nhân dân.

Kẽ hở trong quản lý chất lượng nước

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp cấp nước ở phía Nam cho biết, nguồn nước gặp sự cố là không thể tránh khỏi, nhưng với công nghệ tự động hóa hiện nay, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được việc đưa nguồn nước bẩn vào sản xuất nước sạch.

Cụ thể, các cảm biến được gắn để kiểm soát nguồn nước đầu vào, khi nước đầu vào ô nhiễm vượt chỉ tiêu, vượt khả năng xử lý của nhà máy thì hệ thống sẽ được lệnh dừng hoạt động. Khi nước vào bể chứa cũng có rất nhiều cảm biến điện từ để đo các chỉ tiêu cơ bản của nước.

Các chỉ số đạt tiêu chuẩn, nước mới được đưa ra trạm bơm, bơm vào mạng lưới. Công nghệ tự động hóa giúp các công ty xử lý nước đánh giá chất lượng và xây dựng quy trình xử lý nước rất rõ ràng để đảm bảo chất lượng nước theo từng giây, từng phút.

Nếu công ty xử lý nước không có tiền đầu tư công nghệ tự động hóa thì phải có đội ngũ công nhân, quản lý vận hành đông đảo và có trách nhiệm trong công việc mới có thể đánh giá chất lượng nước liên tục.

Việc nước bẩn, nhiễm dầu dễ phát hiện qua cảm quan đến tận các hộ gia đình cho thấy quy trình kiểm soát chất lượng nước ở VCW không được thực hiện.

Không chỉ VCW, dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị phân phối nước cho công ty này khi không thực hiện kiểm soát chất lượng nước trước khi cung cấp cho khách hàng, bởi trách nhiệm của tổ chức sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đều được quy định rõ ràng.

Một doanh nghiệp có thể kinh doanh tất cả các khâu này, nhưng cũng có thể chỉ tham gia vào một khâu trong quá trình sản xuất, cung ứng nước sạch, miễn sao phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

Trong vụ việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong kiểm soát ngành nghề sản xuất - kinh doanh cấp nước, một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có ảnh hưởng trọng yếu đến sức khỏe người dân.

Sự cố đã xảy ra nhiều ngày, dư luận chưa nghe thấy tiếng nói từ một tổ chức quan trọng là Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Tháng 5 vừa qua, hội này đã tổ chức hội nghị với chủ đề “Chính sách phát triển ngành nước: Cơ hội, khó khăn, thách thức và kiến nghị”, thu hút trên 300 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng...; các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Nước Phần Lan.

Sau đó, Hội đã có một bản kiến nghị quan trọng gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cần xây dựng Luật Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (gọi tắt Luật Cấp nước).

Trên thế giới hiện đã có 20 nước ban hành Luật Cấp nước, trong khi Việt Nam quản lý hoạt động này mới chỉ ở cấp nghị định của Chính phủ. Trong khi chờ xây dựng Luật, Hội kiến nghị cần sửa ngay Nghị định 117/2007/NÐ-CP và Nghị định 124/2012/NÐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cho phù hợp với các quy định mới có liên quan trong các luật như xác định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn; quản lý nhà nước về sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.

Như vậy, phải chăng khoảng trống trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cấp nước sạch là một trong những nguyên nhân quan trọng để xảy ra sự cố cấp nước bẩn ở VCW hiện nay, cũng như sự cố vỡ đường ống nước Sông Ðà xảy ra nhiều lần trước đó?

VCW chạy theo lợi nhuận?

Sự cố nước bẩn xảy ra, dư luận bức xúc khi nhìn con số lợi nhuận chiếm tỷ trọng đến 50% doanh thu của VCW, tức Công ty bán hàng thu được 2 đồng thì lời 1 đồng. Nhiều câu hỏi được đặt ra về chủ trương cổ phấn hóa, thoái vốn nhà nước hoàn toàn khỏi doanh nghiệp sản xuất nước sạch như VCW.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5, Hội Cấp thoát nước một mặt kiến nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước vốn đang chậm, mặt khác lại cho rằng, cần duy trì một tỷ lệ vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp cấp nước cổ phần hóa nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như khẳng định vai trò của quản lý nhà nước trong các doanh nghiệp này.

Lý do được Hội đưa ra, cấp nước sạch là ngành độc quyền tự nhiên, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người nên sản phẩm phải đảm bảo sản xuất, cung cấp đúng chất lượng quy định.

Kiến nghị này xem ra rất phù hợp khi VCW là công ty không còn vốn góp của Nhà nước. Tại doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex nắm giữ 60,46% cổ phần, CTCP Cơ điện lạnh (REE) nắm giữ 35,95% cổ phần, phần còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, khi nhìn vào hiệu quả kinh doanh của nhóm công ty cấp nước niêm yết và chưa niêm yết lại cho thấy góc nhìn khác.

Kẽ hở quản trị sản phẩm tại Nước sạch Sông Đà  ảnh 1

Biên lợi nhuận của nhóm công ty cấp nước khu vực Hà Nội vượt trội hơn so với TP.HCM và các tỉnh, thành khác.

Ðiều đó thể hiện qua các năm, cụ thể năm 2018, biên lợi nhuận gộp (doanh thu trừ giá vốn) của Hà Nội là 43,04%; trong khi nhóm công ty ở TP.HCM chỉ là 21,9%.

Biên lợi nhuận ròng của nhóm công ty ở Hà Nội là 15,74%, TP.HCM là 2,6%. Ðiều tương tự cũng diễn ra trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019.

Trong nhóm doanh nghiệp cấp nước ở Hà Nội, các doanh nghiệp mà Nhà nước thoái hết vốn thì kinh doanh tích cực hơn nhóm công ty nhà nước và cổ đông nhà nước còn sở hữu cổ phần lớn.

Kẽ hở quản trị sản phẩm tại Nước sạch Sông Đà  ảnh 2

Thị trường cấp nước Hà Nội đang được chi phối chủ yếu bởi 5 công ty là Nước sạch Hà Ðông, Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Ðầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco); Nước mặt Sông Ðuống và VCW. 

Trong đó, kết quả kinh doanh của VCW và Viwaco hiệu quả hơn các doanh nghiệp NS2, NS3, Hadowa, Hawacom (cổ phần nhà nước từ 50% đến 100%).

Ðặc biệt, VCW có biên lợi nhuận gộp và ròng năm 2018 lần lượt là 57,2% và 46,6%; chỉ tiêu hiệu quả vốn ROA là 17,8%, ROE là 23,8%.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, VCW đạt doanh thu 402 tỷ đồng và lợi nhuận 199 tỷ đồng, vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành có mức tiêu thụ tương đương.

Ðể có được hiệu quả như vậy, phải kể tới tính độc quyền của doanh nghiệp. Trong số 12 quận nội thành Hà Nội, doanh nghiệp cung cấp cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Ðông, một phần quận Cầu Giấy, Ðống Ða, Nam Từ Liêm và một số đơn vị dọc hệ thống truyền tải nước Ðại lộ Thăng Long.

Doanh nghiệp này cung cấp nước chủ yếu cho 13 khách hàng, trong đó có tới 90% được ba khách hàng lớn là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Ðông tiêu thụ.

Như vậy, có thể thấy trong 5 “ông lớn” phân phối nước ở Hà Nội thì có 3 công ty liên quan tới VCW.

Dước góc độ phân tích tài chính, có thể nói, VCW đang tận dụng được tính độc quyền cũng như cơ chế hoạt động hiệu quả khi cổ phần tập trung trong tay 2 cổ đông tư nhân chiếm 96,41% vốn.

Trong khi nhiều doanh nghiệp cấp nước khác vẫn còn cổ phần chi phối của nhà nước, việc đầu tư, vận hành vướng nhiều thủ tục, chi phí còn cao.

Nếu như tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước của VCW được đầu tư trở lại cho nhà máy, công nghệ, con người vận hành để cung cấp nước đảm bảo chất lượng cho người dân thì những nghi ngờ về việc cổ phần hóa thoái vốn nhà nước đã không xảy ra.

Sự cố nước bẩn và những trả lời, ứng xử của lãnh đạo VCW trước công luận cho thấy sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của Ban lãnh đạo công ty này trong giải quyết vụ việc.

Ðằng sau Ban lãnh đạo của VCW là một Hội đồng quản trị (những ông chủ thực sự) gồm 5 thành viên; trong đó, ông Nguyễn Văn Tốn là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, có hơn 18 năm kinh nghiệm trong xây dựng chuyên ngành cấp thoát nước và kinh nghiệm trong quản lý các dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước, theo báo cáo thường niên VCW năm 2018.

Một thành viên khác là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, đại diện cho cổ đông REE, công ty đã đầu tư rất nhiều vào các doanh nghiệp ngành nước khác.

Về mặt cơ cấu cổ đông và thành viên Hội đồng quản trị, VCW có đủ điều kiện để trở thành công ty được quản trị và kiểm soát rủi ro tốt, nhưng thực tế lại diễn ra ngược lại. Phải chăng các ông chủ của VCW chỉ chạy theo lợi nhuận mà lơi là các yếu tố cốt lõi khác là quy trình kiểm soát chất lượng và ứng phó rủi ro trong sản xuất nước?  

Tin bài liên quan