Việc đầu tư xe khám phục vụ của JVC đã không được thực hiện như kế hoạch

Việc đầu tư xe khám phục vụ của JVC đã không được thực hiện như kế hoạch

JVC: Tương lai mờ mịt

(ĐTCK) Cách phản ứng của cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên lần 1 năm 2015 diễn ra ngày 30/9/2015 cho thấy, niềm tin của NĐT với CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Niềm tin ấy có thể sẽ được khôi phục, nếu JVC có một lãnh đạo đủ mạnh để dẫn dắt, khôi phục kinh doanh. Chỉ có điều, ai sẽ trục vớt “con tàu đắm JVC” lúc này?

Cổ đông lớn thoái lui

“Chúng tôi đến đây không phải để nghe xem Ban lãnh đạo JVC sẽ nói gì tại buổi này. Quá trình ông Hướng bị bắt, chúng tôi đã cùng với họ đi khắp nơi, gõ cửa các bộ, ngành nên đã hiểu phần nào tình trạng của JVC và chấp nhận coi như mình bị lừa, mất khoản tiền đầu tư vào đây. Những gì hôm nay chúng tôi làm, chủ yếu mang tính chất giải tỏa tâm lý cho người nội bộ, tránh cảm giác “tội đồ” cho người theo chính thương vụ này”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ nước ngoài – một cổ đông lớn của JVC chia sẻ với ĐTCK ngày 6/6/2015, khi JVC tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư chia sẻ định hướng phát triển Công ty sau sự kiện ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc bị bắt tạm giam.

Lẽ thông thường, với một cơ cấu cổ đông gồm phần lớn là nhà đầu tư tổ chức và các cổ đông là thành viên ban điều hành, doanh nghiệp sẽ được coi là mạnh và an toàn hơn các doanh nghiệp có cổ đông phân tán trong việc vượt qua những khó khăn về mặt quản trị doanh nghiệp khi gặp sự cố. Nhưng, đó không phải là câu chuyện của JVC.

Cổ đông ngoại và cổ đông tổ chức của JVC, ngoại trừ nhóm liên quan đến DI Asian Industrial Fund sở hữu gần 30% vốn điều lệ là cổ đông có đầu tư và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính của JVC là thiết bị y tế, các cổ đông còn lại đều là những nhà đầu tư thuần tài chính. Vì thế, câu chuyện của đại diện quỹ đầu tư nói trên có lẽ cũng phản ánh phần nào tình trạng buông xuôi của những nhà đầu tư tài chính còn lại. 

Còn nhóm DI thì sao?

Ông Kyohei Hosono, Giám đốc CTCP Dream Incubator Việt Nam, đại diện cho nhóm này đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi ông Hướng bị bắt, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư ngày 6/6/2015, đã cho biết sẽ tìm một người phù hợp để đủ sức khôi phục kinh doanh. Và sau đó là sự rút lui toàn bộ đại diện của nhóm này tại JVC ở HĐQT (gồm ông Kyohei Hosono, ông Tashiro Masaaki) và Ban Kiểm soát (bà Vũ Thúy Hằng) vào ngày 18/9/2015.

Như vậy, những nỗ lực của nhóm DI liên quan đến việc khôi phục tài sản, xốc lại các mối quan hệ khách hàng và nỗ lực thu hồi nợ…, nhằm giúp JVC có thể sớm đi vào ổn định như đã cam kết ngày 6/6/2015 dường như đã bị dừng lại.

DI dù không bán cổ phần như nhóm cổ đông do Dragon Capital quản lý (hoặc có thể bán cũng không được vì quy mô quá lớn), nhưng việc rút lui nhân sự cũng cho thấy sự buông xuôi của cổ đông này. 

Thiếu người dẫn dắt

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên tổ chức lần 1, một số thông tin khá quan trọng về JVC đã được cung cấp cho nhà đầu tư. Theo đó, 235 tỷ đồng nợ gốc Vietinbank đã được trả do phía ngân hàng chủ động cắt từ tài khoản tiền gửi của Công ty. Việc đầu tư xe khám phục vụ cho đề án kinh doanh mới của JVC đã không được thực hiện như kế hoạch, với chỉ 7 tỷ đồng được giải ngân. Trong khi đó, đầu tư vào công ty liên kết tăng nhẹ từ mức 368 tỷ đồng như dự kiến lên mức 390 tỷ đồng và không còn tiền giải ngân cho kế hoạch thầu vật tư tiêu hao.

Điểm thứ hai đáng quan tâm là quý I năm tài chính 2015 - 2016 (quý II/2015), JVC đạt 80 - 90 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng khoảng 3 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với năm trước do hoạt động kinh doanh đình trệ, uy tín Công ty sụt giảm. Trong năm tài chính này, JVC đặt kế hoạch 501 tỷ đồng doanh thu và 17,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

JVC cũng cho biết, toàn bộ tài sản của Công ty vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, điều mà thị trường quan tâm lúc này không phải là JVC sẽ lãi được bao nhiêu trong năm tài chính 2015-2016 (tất nhiên là không mong lỗ), mà làm cách nào để thu hồi được công nợ. Với 650 tỷ đồng phải thu khách hàng, một con số không hề nhỏ trên quy mô vốn chủ sở hữu của Công ty lúc này, NĐT chỉ có thể tin tưởng JVC vẫn còn nguyên tài sản, nếu Công ty thu nợ thành công.

Hơn 3 tháng trước, ông Kyohei từng nói rằng, nhiều khách hàng cho biết muốn chờ thông tin về ông Hướng rõ ràng hơn rồi mới trả nợ, dù Công ty có thuyết phục rằng, ông Hướng bị bắt thì Công ty vẫn hoạt động bình thường.

Với sự rút lui của nhóm cổ đông lớn nhất, công chúng đầu tư có quyền nghi ngờ vào triển vọng của JVC. Ông Lê Văn Giáp, người đã đảm nhận vị trí trợ lý cho ông Hướng 2 năm qua, có lẽ sẽ là nhân tố hỗ trợ quá trình này, nhưng có thể chưa phải là tất cả. JVC cần một “thuyền trưởng” thực sự để có thể giúp Công ty thu hồi công nợ, đưa tài sản trở về những hình thức có thể hỗ trợ kinh doanh, trước khi tính đến chuyện lấy lại niềm tin khách hàng và mở rộng kinh doanh.

Nhưng, khi các cổ đông lớn đều thoái lui, thì ai sẽ đảm nhiệm vị trí này?

Tin bài liên quan