Các cổ phiếu mà ICV đang nắm giữ đều là "hàng tốt", và nhiều NĐT đang chờ đợi để sở hữu nó khi ICV thanh lý.

Các cổ phiếu mà ICV đang nắm giữ đều là "hàng tốt", và nhiều NĐT đang chờ đợi để sở hữu nó khi ICV thanh lý.

ICV thoái vốn: Chuyện nhỏ!

(ĐTCK-online) Ngày 4/9/2009, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một phiên giao dịch điều chỉnh mạnh do đón nhận thông tin Quỹ Indochina Capital Vietnam (ICV) tuyên bố thoái vốn. Thông báo của ICV cho biết, công ty hiện đang tuần tự tiến hành thoái vốn ở hầu hết các danh mục đầu tư.

Tính đến ngày 31/7/2009, giá trị tài sản ròng (NAV) của ICV là gần 243 triệu USD (từ mức 500 triệu USD ban đầu), trong đó, danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết chiếm 37,9% NAV, cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 4,3% NAV, đầu tư vào góp vốn cổ phần (Private Equity) chiếm 11,2% NAV, trái phiếu chiếm 0% NAV; tiền mặt và tài sản khác chiếm 46,7% NAV.

TIN LIÊN QUAN

* Indochina Capital Việt Nam: Tan tác vì quỹ đầu cơ

* Số mệnh Indochina Capital Vietnam được an bài

* Nghiệt ngã quỹ đầu tư

* Hợp tác Dragon Capital và Indochina Capital bất thành 

* Indochina và Dragon thỏa thuận liên doanh quản lý Quỹ ICV

Trong danh mục đầu tư cổ phiếu, ICV nắm giữ số cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt (BVH-HOSE) chiếm 6,9% NAV; VCB (6,8%); FPT (5%), VNM (3,8%); DPM (2,5%); GMD (2,3%), REE (2,1%); Ninomaxx (2,2%);...

Có thể nói, việc ICV chính thức thoái vốn là một tin khá sốc đối với nhà đầu tư. Điều này sẽ có tác động tâm lý không nhỏ đến những quyết định mua hay bán của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh hơn và cùng nhìn nhận vấn đề một cách hai chiều, đây có lẽ không phải là một tin hoàn toàn “xấu”.

Thứ nhất, quyết định thoái vốn của ICV không phải đột ngột. Thông tin này đã được lan truyền từ cuối tháng 2/2009 khi mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang dò tìm mức đáy. Tuy nhiên, điều này cũng không gây cản trở đáng kể nào đến quá trình hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Bản thân quỹ này trong thời gian vừa qua cũng đã có những động thái bán cổ phiếu nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, loại bỏ những doanh nghiệp kém hiệu quả. Do đó, những cổ phiếu hiện tại Quỹ đang nắm giữ đều là những “hàng tốt” trên thị trường. Việc ICV thoái vốn khỏi những cổ phiếu này sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức nước ngoài khác dễ dàng tăng tỷ lệ nắm giữ mà khó có thể.

Thứ hai, nếu nhẩm tính giá trị ròng của quỹ ICV là 243 triệu USD, tương đương 4.374 tỷ đồng, còn quá nhỏ so với thị trường, nó chỉ tương đương với giá trị giao dịch của cả 2 sàn chứng khoán trong một phiên giao dịch.

Việc bán ra của ICV chắc chắn sẽ được thị trường hấp thụ hết một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, số lượng nắm giữ các mã cổ phiếu trong danh mục của ICV cũng không quá lớn so với khối lượng đang lưu hành cũng như khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của các mã này.

Thứ ba, việc thoái vốn của ICV là một quá trình dài hạn (có thể kéo dài cả năm), quỹ này sẽ chọn thời điểm để bán từ từ chứ không phải ngay lập tức “xả hàng” ngày một ngày hai như nhiều người lo sợ. Thêm vào đó, việc bán khối lượng cổ phiếu lớn thường được khối nhà đầu tư ngoại thực hiện qua giao dịch thỏa thuận, không gây ảnh hưởng đến giá khớp lệnh trên thị trường.

Thứ tư, thị trường đang đứng trước những cơ hội lớn để chinh phục những đỉnh cao mới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, mức hỗ trợ kỹ thuật 525 điểm hay ngưỡng hỗ trợ tâm lý là 500 điểm là những mức hỗ trợ rất mạnh. Những thông tin về sự phục hồi kinh tế trong nước cũng như việc sẽ có thêm gói kích cầu sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn. Do đó, áp lực bán tháo cổ phiếu của ICV khi cổ phiếu đang hồi phục sẽ được giảm bớt, không dại gì mà các chuyên gia của quỹ này bán cổ phiếu khi mà giá vẫn có thể tăng.

Lấy ví dụ về cổ phiếu VHG, khi ICV tiến hành bán ròng cả tháng thì giá cổ phiếu VHG vẫn tăng và duy trì sức cầu cực lớn, nhất là trong những ngày ICV bán mạnh và khi ICV thoái vốn hết và ngừng bán thì giá cổ phiếu này lại giảm và đi ngang. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nội cũng sẵn sàng mua lại những cổ phiếu khi họ thấy giá đã ở mức hợp lý.

Cuối cùng, đã qua rồi cái thời nhà đầu tư trong nước chỉ biết chạy theo nhà đầu tư nước ngoài. Theo một tổng kết trong thời gian gần đây, nhà đầu tư trong nước đang làm chủ “thế trận” và thường có mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với những quỹ đầu tư đến từ nước ngoài. Sự khác biệt này là nhờ quy mô nhỏ, linh hoạt trong việc thay đổi danh mục đầu tư cũng như lợi thế nhờ các đòn bẩy vốn.