Hợp nhất Haseco và AAS, lỗ lũy kế sẽ được xóa

Hợp nhất Haseco và AAS, lỗ lũy kế sẽ được xóa

(ĐTCK) Thương vụ hợp nhất CTCK thứ ba trên TTCK Việt Nam giữa CTCK Hải Phòng (Haseco) và CTCK Á Âu (AAS) được thực hiện vào hôm nay (23/11).

Trước thềm sự kiện hợp nhất của 2 công ty, trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch HĐQT Haseco khẳng định, việc hợp nhất với AAS là bước đi cần và đủ để Haseco vững bước trên chặng đường dài. 

Xin ông chia sẻ chi tiết về phương án hợp nhất giữa Haseco và AAS?

Haseco là một trong những CTCK có bề dày lịch sử theo cùng với sự phát triển của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự biến động của thị trường, Haseco cũng có những thăng trầm nhất định. Việc tái cấu trúc Công ty là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Đây cũng là chủ trương trong Đề án Tái cấu trúc TTCK mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và UBCK tiến hành từ năm 2011 trở lại đây.

Ngày 12/9 vừa qua, ĐHCĐ bất thường của Haseco đã chính thức thông qua phương án hợp nhất Công ty với AAS. Theo đó, công ty sau hợp nhất sẽ lấy tên, thương hiệu và hoạt động trên nền tảng khách hàng, sản phẩm, công nghệ của Haseco hiện nay, có vốn điều lệ 291,8 tỷ đồng, tương đương với số cổ phần 29.181.096 cổ phần. Công ty hợp nhất sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hai công ty, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Về tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu, căn cứ vào giá trị tài sản thuần trên báo cáo tài chính soát xét bán niên tại thời điểm 30/6/2015, cổ đông của Haseco và AAS sẽ được hoán đổi cổ phiếu sang cổ phiếu mới theo tỷ lệ tương ứng là 1.000:731 và 1.000:39. Có nghĩa là, cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần của Haseco sẽ được nhận 731 cổ phần của công ty hợp nhất; cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần của AAS sẽ được nhận 39 cổ phần của công ty hợp nhất.

Sau khi hợp nhất, Công ty sẽ thực hiện mọi thủ tục cần thiết để sớm niêm yết trên HNX với mã chứng khoán HAC vào quý I/2016. 

Tại sao Haseco không chọn một CTCK đủ mạnh, để Công ty có thể bứt phá được nhờ tận dụng những nguồn lực sẵn có từ công ty hợp nhất, thay vì lựa chọn hợp nhất với AAS - một công ty mà vốn chủ sở hữu chỉ còn chưa đầy 1,4 tỷ đồng?

Thực tế mà nói, việc chọn lựa một CTCK để tiến hành hợp nhất là không điều không hề dễ dàng. Chủ trương hợp nhất với CTCK khác đã được Ban lãnh đạo Haseco đưa ra trình ĐHCĐ thường niên 2014. Tuy nhiên, sau 1 năm, thương vụ vẫn chưa được tiến hành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Mặc dù vậy, chủ trương của Ban lãnh đạo là quyết tâm thực hiện hợp nhất với một CTCK khác để tái cấu trúc hoạt động của Công ty, xây dựng một nền tảng hoạt động mới vững chắc hơn.

Trong điều kiện cạnh tranh mới của ngành chứng khoán, chỉ những công ty có chiến lược kinh doanh hiệu quả, nhân sự chất lượng cao và cơ cấu tài chính hợp lý, lành mạnh mới có khả năng tồn tại, hoạt động và mang lại hiệu quả cho cổ đông. Do đó, việc tái cấu trúc CTCK là hướng đi phù hợp với định hướng cũng như xu thế phát triển của thị trường. Việc hợp nhất Haseco và AAS mở ra cơ hội không chỉ với công ty tham gia hợp nhất, cổ đông, khách hàng, mà còn có ý nghĩa quan trọng đến hiệu quả của hệ thống các CTCK trên TTCK Việt Nam.

Trước mắt, việc hợp nhất giúp Công ty xóa được khoản lỗ lũy kế, trở thành một pháp nhân mới có bảng cân đối kế toán sạch, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Hiện cổ phiếu HPC của Haseco được giao dịch quanh mức giá 3.000 đồng/CP. Sau hợp nhất, cổ phiếu của công ty mới sẽ được giao dịch bằng mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Như vậy, có thể thấy, dù 1.000 cổ phiếu chỉ đổi được 731 cổ phiếu công ty mới, nhưng cổ đông sẽ có lợi hơn với mức giá cổ phiếu cao hơn rất nhiều.

Hợp nhất cũng sẽ giúp cổ phiếu của Haseco về mức giá trị thật của Công ty. Do không còn lỗ lũy kế, ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động, nếu có lãi, Công ty hợp nhất sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông, điều mà trước đây chưa làm được. 

Ông có thể chia sẻ kế hoạch kinh doanh của Haseco trong giai đoạn tới?

Công ty sau hợp nhất sẽ kế thừa toàn bộ các điểm mạnh về nhân sự, hệ thống công nghệ, mạng lưới chi nhánh, hệ thống khách hàng, thương hiệu và sản phẩm mà 2 công ty Haseco và AAS đang có. Và áp lực về một khoản lỗ lũy kế được xóa bỏ sẽ là cơ sở giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc thực hiện các kế hoạch đề ra.

Trong 5 năm tới (2016 - 2020), công ty hợp nhất sẽ đảm bảo kinh doanh có lãi để chia cổ tức cho cổ đông với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt 20%/năm, trên cơ sở đẩy mạnh doanh thu truyền thống và gia tăng các dịch vụ tài chính khác.

Sau khi được niêm yết trở lại trên Sở GDCK Hà Nội, dự kiến đến năm 2018, công ty hợp nhất sẽ tăng vốn điều lệ lên 583 tỷ đồng, gấp đôi so với hiện tại và đến năm 2020 sẽ đạt 880 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến chi trả cho cổ đông sẽ tăng dần từ 5% sau khi sáp nhập đến năm 2020 sẽ đạt 8 - 10%. Lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng vào năm 2020.

HĐQT mới với sự kết hợp những nhân tố hội tụ đầy đủ năng lực phẩm chất của các thành viên Haseco và thành viên của AAS sẽ mang lại một luồng sinh khí mới, một động lực mới thúc đẩy Công ty phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra và dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Tin bài liên quan