Hapro: Ẩn số mới trên sàn UPCoM

Hapro: Ẩn số mới trên sàn UPCoM

(ĐTCK) Cuối tuần qua, 4/5, hơn một tháng sau phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (ngày 30/3/2018), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đưa hơn 75,4 triệu cổ phiếu HTM lên giao dịch trên sàn UPCoM.

Khó khăn trên núi vàng!

Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của HTM là 12.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá trúng đấu giá trong đợt IPO. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã không có khởi đầu thuận lợi trên sàn UPCoM, khi giảm giá tới 12,56%, thị giá còn 10.800 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn, sang phiên 7/5 tăng nhẹ, nhưng vẫn ở dưới mức tham chiếu của ngày chào sàn.

Không quá khó hiểu về diễn biến giá của Hapro, khi bản cáo bạch chào sàn cho thấy doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh rất thấp.

Trước khi cổ phần hóa, Hapro là doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại từ nhiều doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.Hà Nội. Hiện Tổng công ty đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với 10 công ty con và 20 công ty liên kết cùng khoản góp vốn vào hàng chục doanh nghiệp khác. Hapro hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.

Là doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong nhiều mảng, nhiều lĩnh vực, với quy mô vốn điều lệ hiện tại là 1.708,5 tỷ đồng, nhưng bản cáo bạch thông tin IPO của Hapro cho thấy, Tổng công ty có hiệu quả kinh doanh rất thấp và trồi sụt liên tục. Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Hapro chỉ đạt 6,676 tỷ đồng; năm 2013 đạt 7,16 tỷ đồng; năm 2014 tăng lên 38,12 tỷ đồng; năm 2015 rơi về mức 9,5 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận của Hapro lại tăng lên gần 50 tỷ đồng và năm 2017 lại rơi xuống 13,42 tỷ đồng.

Từ năm 2014 - 2017, doanh thu liên tục giảm, các công ty con kinh doanh không hiệu quả, một số nhà máy còn buộc phải đóng cửa. Doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, song lại có biên lợi nhuận thấp do Tổng công ty chủ yếu thu mua hàng từ các đầu mối rồi xuất khẩu.

Mặc dù có lịch sử lâu năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu đồng thời sở hữu quỹ đất lớn song quy mô bán lẻ của Hapro lại không đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành khi cả mật độ cửa hàng và diện tích thương mại đều thấp hơn các đơn vị khác như Aeon, Vinmart… Mảng bán lẻ sẽ còn phải đối mặt với việc cạnh tranh khốc liệt hơn khi thị trường Việt Nam ngày càng thu hút sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài.

Quỹ đất được coi là điểm sáng của Hapro, khi cơ sở đất giao cho Công ty mẹ Hapro (sau cổ phần hóa) tiếp tục quản lý sử dụng lên tới 114 địa điểm, gồm 96 ở Hà Nội và 18 địa điểm tại các tỉnh, thành khác. Trong đó, có nhiều lô đất nằm tại những vị trí “kim cương” trên các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm. Thế nhưng, hiệu quả sử dụng đất của Hapro chưa cao, nhiều dự án bị chậm tiến độ gây lãng phí tài sản. Tài sản dở dang dài hạn của doanh nghiệp tăng dần qua các năm, tính đến cuối năm 2017 chiếm 618,8 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng tốc, kỳ vọng vào cổ đông chiến lược

Năm 2018, Hapro đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 12,36% so với 2017; lợi nhuận sau thuế tăng vọt gấp gần 5 lần so với mức thực hiện năm 2017 với 63,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2019-2020, kế hoạch doanh thu của Công ty lần lượt đạt 4.800 tỷ đồng và 5.760 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt là 77,2 tỷ đồng và 80 tỷ đồng.

Mục tiêu tăng trưởng của Hapro có quá tham vọng trong bối cảnh mảng bán lẻ sẽ còn phải đối mặt với việc cạnh tranh khốc liệt hơn khi thị trường Việt Nam ngày càng thu hút sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài?

Quỹ đất được coi là điểm sáng của Hapro, khi cơ sở đất giao cho Công ty mẹ Hapro (sau cổ phần hóa) tiếp tục quản lý sử dụng lên tới 114 địa điểm, gồm 96 ở Hà Nội và 18 địa điểm tại các tỉnh, thành khác. 

Thực tế, kế hoạch lợi nhuận có sự tăng trưởng khá mạnh, nhưng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của Hapro vẫn là con số rất thấp. Chẳng hạn với mức mục tiêu lợi nhuận sau thuế 63,2 tỷ đồng, EPS của Hapro chỉ đạt khoảng 310 đồng. Kế hoạch trả cổ tức giai đoạn 2018-2019 của Tổng công ty theo đó cũng chỉ đạt lần lượt 2% và 3%.

Chuyên gia phân tích tại BSC Research đã đưa ra nhiều kỳ vọng về sự hỗ trợ của đối tác chiến lược của Hapro là Công ty TNHH Motor NA Việt Nam (Vinamco), thuộc Tập đoàn BRG trên cả mặt tài chính và quản trị. Được biết, UBND TP.Hà Nội hiện đã phê duyệt cho Vinamco tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.

Tổng diện tích mà công ty mẹ Hapro hiện quản lý và sử dụng là khoảng 260.000 m2, nhưng công ty mẹ mới chỉ sử dụng 7.100 m2 để kinh doanh chuỗi cửa hàng Hapromart, Haprofood và Unimart, còn lại là cho thuê mặt bằng. Quỹ đất của Tổng công ty rất thuận tiện để chuyển đổi thành các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích. BSC cho rằng, BRG và Hapro sẽ tập trung phát triển chuỗi siêu thị nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất đồng thời kết hợp với chuỗi siêu thị của Intimex.

BSC cũng kỳ vọng sau khi cổ phần hóa, nhờ sự hỗ trợ về mặt tài chính của đối tác chiến lược, Hapro sẽ đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện các dự án chậm triển khai, các dự án đang bị ngừng khai thác hiện đang tồn tại rất nhiều gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Có thể kể đến rất nhiều dự án như: Dự án 5 Lê Duẩn, Dự án Trung tâm Kinh doanh Chợ Đầu mối Bắc Thăng Long, Dự án 106 Nguyễn An Ninh...

Tin bài liên quan