Halico tụt dốc không phanh, vốn nhà nước ngày càng teo tóp

Halico tụt dốc không phanh, vốn nhà nước ngày càng teo tóp

(ĐTCK) Đại gia rượu vang bóng một thời Halico vừa “ngậm ngùi” báo lỗ quý II/2019, tiếp tục nối dài danh sách thua lỗ liên tục trong 3 năm trở lại đây.

Từng là doanh nghiệp (DN) nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất rượu và đồ uống có cồn khi sở hữu trong tay hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Vodka Hà Nội, Vodka 94 Lò Ðúc, Ba Kích Sealion, Lúa mới, Nếp mới…, song kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục kéo dài trong vài năm trở lại đây đã đưa Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) vào “danh sách đen” các DN có nguy cơ mất vốn nhà nước.

Trong quý II/2019, Halico ghi nhận khoản lỗ trước thuế 24 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 30 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, bức tranh 6 tháng đầu năm của Halico tiếp tục ảm đạm với mức lỗ trước thuế ghi nhận 37 tỷ đồng.

Trước đó, quý đầu năm, Halico báo lỗ gần 14 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế  tính đến hết quý I/2019 là hơn 352 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, lỗ lũy kế tăng lên 376 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với vốn điều lệ 200 tỷ đồng của Công ty. Kết quả lỗ 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục nối dài bảng "thành tích" thua lỗ liên tục trong 3 năm gần nhất của Halico do kinh doanh dưới giá vốn. 

Ðiều đáng quan tâm ở đây là Halico sở hữu nhiều lợi thế lớn trong tay, bao gồm các tài sản hữu hình và vô hình là những mảnh đất vàng ngay trung tâm Hà Nội cùng hàng loạt thương hiệu nổi tiểng trên thị trường rượu trong nước vốn không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Ðồng thời, Công ty lại có sự tham gia của 2 ông lớn cả nội lẫn ngoại đều lẫy lừng trong lĩnh vực bia rượu là Habeco và Diageo - tập đoàn sản xuất rượu đến từ Anh với cơ cấu tỷ lệ vốn sở hữu ở mức lớn, lên tới 45,57% vốn cổ phần.

Sự trượt dài của Halico đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi, bởi đã có giai đoạn DN này chiếm thị phần lớn nhất thị trường rượu miền Bắc với mức tăng trưởng doanh thu bình quân cao ngất ngưởng trên 25% trong nhiều năm liên tiếp từ 2010 trở về trước.

Với nhiều thương hiệu sản phẩm nổi tiếng, thị phần lớn và gần như không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm ở phía Bắc, sau khi cổ phẩn hóa và tăng vốn điều lệ, Halico đã khiến Diageo phải chi trên 2.000 tỷ đồng để sở hữu 30% cổ phần ngay sau khi ký hợp đồng đối tác chiến lược và ông lớn này sau đó không do dự tiếp tục mạnh tay xuống tiền tăng vốn để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 45,57%.

Sự tham gia của đại gia ngoại vào Halico cũng rất li kì và trở thành thương vụ nổi đình đám trong các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư ngoại giai đoạn này khi Diageo phải chấp nhận mức giá khá “chát”, hơn 200.000 đồng/cổ phiếu để sở hữu 30% cổ phần. Tuy nhiên, đến nay, giá thị trường cổ phiếu Halico chỉ còn 12.000 đồng/CP và thanh khoản rất kém. Công ty hoạt động lỗ liên tục từ 2015 đến nay.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự lao dốc của DN, Ban lãnh đạo Halico cho rằng, đã có sự thay đổi trong xu hướng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu ngoại và đặc biệt là tình trạng làm giả, nhái nhãn mác, trốn thuế trên thị trường rượu khiến sản phẩm của Halico mất dần chỗ đứng.

Tuy nhiên, bên cạnh các lý do khách quan này thì nguyên nhân chủ quan có thể là việc điều hành quản trị của DN có vấn đề. Cho đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy DN có giải pháp để thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên. Ðặc biệt, mối lo ngại càng đặt ra lớn hơn khi dù có sự tham gia của cả hai thương hiệu lớn trong và ngoài nước, song hiệu quả quản trị của DN không những không có sự cải thiện mà ngược lại càng bi đát hơn. 

Theo cảnh báo của các chuyên gia, kết quả kinh doanh bết bát kéo dài của những DN từng nổi đình đám như trường hợp của Halico đang là dấu hiệu báo động đỏ nguy cơ mất vốn của cổ đông, trong đó có một tỷ lệ lớn vốn nhà nước. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, những trường hợp như thế này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc nhằm thoái vốn càng nhanh càng tốt thì chắc chắn bất lợi, càng để lâu càng lỗ, thậm chí là mất vốn nhà nước.

“Một điểm đáng lo ngại hơn mà chúng tôi quan sát được, đó là sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của DN. Trong trường hợp này, DN đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn”, ông Long cảnh báo.

Nhiều tài sản đất đai thuộc quản lý của Halico, trong đó có những khu đất vàng tại trung tâm Hà Nội như mảnh đất số 94 Lò Đúc hơn 2.230 m2, khu đất tại 28 Nhân Đồng làm văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, Halico được giao quản lý một số lô đất rộng khác tại Hà Nội và Bắc Ninh làm kho chứa hàng và xây dựng nhà máy, tại TP.HCM, Đà Nẵng làm văn phòng, khu tái định cư...

Tin bài liên quan