GTN lần lượt “chia tay” cổ đông tổ chức

GTN lần lượt “chia tay” cổ đông tổ chức

(ĐTCK) Kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNFoods có xu hướng tăng và nhiều cổ đông tổ chức lần lượt thoái vốn.

Cổ phiếu GTN kết thúc phiên giao dịch ngày 11/11/2019 ở mức 20.700 đồng/cổ phiếu, tăng trên 100% so với đầu năm. Đà tăng của cổ phiếu GTN được hỗ trợ bởi kỳ vọng của nhà đầu tư từ sự kiện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thâu tóm doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 5/11, cổ phiếu GTN tăng giá trần, lên mức 21.800 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 4 triệu đơn vị. Trong khi đó, Công ty cổ phần Invest Tây Đại Dương đăng ký bán 41.289.319 cổ phiếu GTN, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/11 đến 7/12.

Nếu thành công, Invest Tây Đại Dương sẽ giảm sở hữu tại GTN từ hơn 71,28 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 28,52%, xuống 30 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12%. Hiện tại, Invest Tây Đại Dương là cổ đông lớn thứ hai của GTN, sau Vinamilk (tỷ lệ nắm giữ hơn 40%, tương ứng 101,7 triệu cổ phiếu).

Như vậy, kể từ khi Vinamilk thể hiện tham vọng thâu tóm GTN qua việc chào mua công khai vào tháng 3/2019, hàng loạt cổ đông là tổ chức đầu tư đã rút lui khỏi Công ty. Cụ thể, Công ty cổ phần BBZ đã bán 17,5 triệu cổ phiếu, Tael Two Partner Ltd đã bán 55 triệu cổ phiếu, PENM IV Germany GMBH & Co.KG đã bán gần 15 triệu cổ phiếu.

Dù sở hữu tỷ lệ cổ phiếu lớn, nhưng Vinamilk vẫn chưa có ghế trong Hội đồng quản trị GTN. Đây được xem là trở ngại với VNM trong thời gian tới, nhất là khi theo chia sẻ của Ban lãnh đạo GTN và đại diện của VNM, các bên vẫn chưa chính thức bàn bạc về việc hợp tác, cũng như chiến lược phát triển lâu dài. Việc hợp tác nếu không suôn sẻ rất có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, GTN đạt doanh thu 834,5 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý đầu tiên kể từ khủng hoảng ngành sữa năm 2017, doanh thu của Công ty tăng trưởng trở lại.

Lợi nhuận sau thuế đạt 22,4 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc chi phí bán hàng gia tăng đáng kể (+32,4%), lên gần 88 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mãi và chi phí khấu hao.

Với mục tiêu tái định vị thương hiệu Mộc Châu Milk và mở rộng thị trường bán lẻ, việc GTN gia tăng chi phí bán hàng để cạnh tranh được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất đạt gần 2.270 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 64 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ; trong đó lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tài chính của công ty mẹ GTN là 7,1 tỷ đồng, giảm hơn 72%.

Năm 2019, kế hoạch doanh thu hợp nhất của GTN là 3.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 200 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của công ty mẹ là 90 tỷ đồng. Như vậy, sau 3/4 chặng đường, chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất mới thực hiện được 1/3, còn chỉ tiêu lợi nhuận công ty mẹ mới thực hiện được gần 8%.

Các lĩnh vực chính mà GTN đang đầu tư là trà, sữa và rượu vang. Trong đó, nổi bật là mảng sữa với Mộc Châu Milk, đem lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong những năm gần đây. Mộc Châu Milk chiếm 52% tổng tài sản GTN, nhưng năm 2018 đóng góp 82,5% doanh thu và 99% lợi nhuận gộp.

Nhờ sự đầu tư của GTN, Mộc Châu Milk đã có gần 20 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các đô thị lớn và trong năm 2020 dự kiến nâng lên thành 60 cửa hàng, gia tăng sự hiện diện trên thị trường. Bên cạnh việc ra mắt nhiều sản phẩm mới, Mộc Châu Milk còn xác định chiến lược mở rộng thị trường về phía Nam và mở ra cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tin bài liên quan