Khối ngoại đang chiếm ưu thế trong ngành sản xuất giấy tiêu dùng tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh.

Khối ngoại đang chiếm ưu thế trong ngành sản xuất giấy tiêu dùng tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh.

Giấy Sài Gòn lại về tay người Nhật, thị trường giấy đã do doanh nghiệp ngoại quyết định

Một lần nữa, Công ty Giấy Sài Gòn lại nằm trọn trong tay của người Nhật với kỳ vọng về tương lai rộng mở của Công ty.

Đường xa không thể độc hành

Tương lai của Giấy Sài Gòn sẽ rất rộng mở, trường tồn. Chắc chắn, với sự tham gia của đối tác mới sẽ giúp Công ty phát triển vượt bậc trong thời gian tới, từ quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các cam kết lâu dài. Mọi chính sách, chiến lược kinh doanh sẽ có tính cam kết chặt chẽ, mạnh mẽ hơn. 

Đó là một vài ý trong bức thư của ông Cao Tiến Vị, nhà sáng lập Công ty Giấy Sài Gòn (Saigon Paper) gửi khách hàng sau một ngày công bố Tập đoàn đa ngành Nhật Bản Sojitz đã mua lại 95,24% cổ phần của Giấy Sài Gòn, với giá 91,2 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng). 

Trong đó, ông Cao Tiến Vị chuyển nhượng trên 50% cổ phần và cổ đông lớn thứ hai, ông Mai Hữu Tín cũng xác nhận Mai & CO, công ty do ông làm Chủ tịch đã thoái toàn bộ hơn 40%. 

Những gửi gắm của nhà sáng lập được chia sẻ trong bối cảnh nhiều người bất ngờ, thậm chí quá tiếc nuối khi một công ty dẫn đầu về sản xuất và kinh doanh giấy tiêu dùng tại Việt Nam lại thuộc về những ông chủ nước ngoài.

Trong mảng giấy tiêu dùng, Saigon Paper chiếm khoảng 30% thị phần, trong nhóm 5 công ty lớn nhất Việt Nam.

Điều này có nghĩa rằng, thị trường giấy tiêu dùng ở đất nước gần 100 triệu dân đã bị dẫn dắt bởi các ông chủ nước ngoài. 

Thực tế, các nhà sản xuất giấy quy mô lớn tại Việt Nam đang dần do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ. Vina Kraft, nhà sản xuất giấy bao bì hàng đầu Việt Nam là liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái Lan và Rengo của Nhật Bản.

Thị trường giấy tiêu dùng ở đất nước gần 100 triệu dân đã bị dẫn dắt bởi các ông chủ nước ngoài. 

Chang Yuen, một nhà sản xuất bìa carton, bao bì khác cũng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đối thủ chính của Giấy Sài Gòn trong ngành giấy tiêu dùng, JP Corelex là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. 

“Tôi đâu phải là ông chủ duy nhất. Và sẽ không cạnh tranh lại các ông khổng lồ ở khu vực đều đã có mặt ở thị trường với chi phí vốn thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Mai Hữu Tín đã nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Ông Tín được biết là người “giải cứu” Saigon Paper sau khi mua lại toàn bộ 42,3% (tương đương 416 tỷ đồng vốn điều lệ từ Tập đoàn Daio Paper (Nhật Bản) và Quỹ đầu tư BridgeHead, thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) vào cuối tháng 8/2013. 

Thời điểm Daio Paper “dứt tình” sau 2 năm làm đối tác chiến lược cũng khiến Saigon Paper hụt hẫng. Bởi khi quyết định cho Daio Paper làm đối tác chiến lược, Saigon Paper kỳ vọng không chỉ có sức mạnh về vốn, mà còn được hỗ trợ toàn diện về kỹ thuật, công nghệ, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu đã thống nhất. 

Daio Paper Corporation là công ty giấy lớn thứ ba của Nhật Bản về sản lượng giấy bao bì công nghiệp (IP) và đứng thứ 21 trên toàn thế giới, với 37 công ty con và công ty thành viên, doanh số hàng năm khoảng 5 tỷ USD.

Thế nhưng, tháng 6/2012, Daio Paper bị chính đối thủ Hokuetsu Kishu Paper mua lại trong một thương vụ có giá trị lên đến 10 tỷ yên để sở hữu 20% cổ phần. 

Lần này, Giấy Sài Gòn lại có duyên và nằm trọn trong tay của đối tác Nhật. 

Thành lập vào năm 1997, từ cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, Giấy Sài Gòn đã nhanh chóng phát triển thành công ty sản xuất giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Công ty đang cung cấp các sản phẩm giấy tiêu dùng thông qua hai nhãn hiệu hàng đầu Bless You (thuộc phân khúc cao cấp) và SaiGon (thuộc phân khúc phổ thông). Ngoài ra, còn các sản phẩm giấy công nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất bao bì carton.

Diễn đàn mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam 2018 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM ngày 8/8/2018, với chủ đề “Bước ngoặt mới - Kỷ nguyên mới”.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 sẽ tổng kết chặng đường 10 năm M&A tại Việt Nam, đánh giá những cơ hội trong thời điểm bước ngoặt trước kỷ nguyên mới của thị trường.

Diễn đàn sẽ tôn vinh các thương vụ tiêu biểu của thập kỷ và dự báo triển vọng M&A trong giai đoạn tiếp theo.

Diễn đàn quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp. 

Diễn đàn sẽ phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A năm 2018 -2019” và Khóa đào tạo M&A quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Sau khi được đầu tư các nhà máy mới từ năm 2013, Saigon Paper đang sở hữu các dây chuyền sản xuất hiện đại với tổng công suất 273.000 tấn/năm (giấy tiêu dùng 40.560 tấn và giấy làm bao bì carton 232.440 tấn). 

Giấy Sài Gòn có mạng lưới phân phối tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và xuất khẩu ra 23 nước.

Bên cạnh mảng giấy tiêu dùng, Công ty còn sản xuất, kinh doanh giấy công nghiệp. Doanh thu cả hai mảng của Công ty năm 2017 đạt khoảng 2.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Sojitz là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 1986.

Trong lĩnh vực sản xuất giấy, Sojitz cùng với đối tác Ấn Độ có kế hoạch xây dựng nhà máy bột giấy trị giá 154 triệu USD tại Dung Quất (Quảng Ngãi) từ năm 2013.

Tuy nhiên, do vướng quy hoạch, đến năm 2015, dự án mới được tập đoàn này đề xuất xây dựng tại Quảng Ninh với công suất 150.000 tấn bột giấy/năm.

Việc mua Saigon Paper giúp Sojitz nhanh chóng bước chân vào thị trường sản xuất giấy của Việt Nam, trong đó lĩnh vực bao bì giấy và phân khúc giấy tiêu dùng (tissue) đang tăng trưởng nhanh. Đồng thời đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng cao. 

Mọi kế hoạch chiến lược và tương lai phát triển ra sao vẫn còn là ẩn số với Giấy Sài Gòn. Sojitz chỉ tiết lộ bước đầu sẽ tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng để phát triển ngành sản xuất giấy tiêu dùng tại Việt Nam, thị trường có quy mô khoảng 150 triệu USD, theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA). 

Không tiếc rẻ chú cá 

Không khó hiểu về những tâm tư của các ông chủ Việt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở rộng, thị trường tiềm năng, màu mỡ, nhưng họ lại khó sống đến vậy.

7 năm trước, Công ty cổ phần Diana do anh em nhà họ Đỗ sáng lập (Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú, hiện đang Chủ tịch và Phó chủ tịch của Tienphong Bank) đã bán lại 95% cổ phần cho Tập đoàn Unicharm (Nhật) với giá 184 triệu USD. 

Lúc đó, ông Đỗ Anh Tú, CEO của Diana tin mình biết chắc điều gì sẽ tốt nhất cho công ty. Trong thế giới phẳng, ông muốn Diana trở thành thương hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam. Và việc bán Diana cho một nhà đầu tư chiến lược có vị thế số 1 trong ngành hàng tiêu dùng châu Á sẽ làm Diana mạnh lên.

Ông tin thương hiệu Việt khó cất cánh ra toàn cầu khi được hạch toán bằng VND, chênh lệch tỷ giá có lúc lên tới 10% và vay với lãi suất 18%/năm.

Trong điều kiện như vậy, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển trong nước đã là khó khăn rồi, chưa nói đến việc tích lũy vốn để ra toàn cầu và có lãi. “Chỉ vì tiếc rẻ một con cá to ở trong ao sẽ làm con cá đó chết vì quá thiếu không khí”, ông Tú chia sẻ. 

Hiện công ty này tăng trưởng đều đặn mỗi năm gần 40%. Mỗi năm nhà máy của Diana Unicharm sản xuất 20.000 tấn giấy, xuất khẩu sang các nước Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Chi Lê, châu Phi…

Vậy nên, viễn cảnh mở rộng thị phần giấy trong nước, các doanh nghiệp FDI có thể sẽ “thâu tóm” các công ty giấy nội địa như dư luận vẫn lo ngại đã được chính những người trong cuộc thấu hiểu, giãi bày. 

Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VPPA cho rằng, không nên đặt vấn đề ai thâu tóm ai, vì các doanh nghiệp ngoại thành lập theo luật Việt Nam với nguồn vốn đa dạng.

“Ngay cả những nhà máy giấy của Việt Nam sắp tới đưa lên sàn chứng khoán, các công ty nước ngoài vẫn có thể được mua. Vấn đề chỉ là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp giấy nội địa thấp hơn nguồn vốn nước ngoài.

Việt Nam cần nguồn vốn nước ngoài vào để mở rộng đầu tư quy mô sản xuất, kích thích cạnh tranh và làm động lực cạnh tranh cho các công ty giấy”, ông Bảo cho biết. 

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất giấy, nhưng 80% là các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể. Trong số 5 doanh nghiệp được xem là có đầu tư bài bản, duy nhất có Giấy Sài Gòn đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam đứng thứ 4 về quy mô công suất.

Hiện với quy trình sản xuất đi theo đường vòng, các doanh nghiệp trong nước phải chật vật cạnh tranh, không những không chủ động được sản xuất, kiểm soát được thị trường, mà dễ dàng bị xoá sổ bởi các thương hiệu giấy ngoại đến từ Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc. 

Thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa. Song phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, họ phải xoay sở thật xuất sắc, hoặc phải “bán mình”. 

Và dường như, các ông chủ Việt Nam luôn muốn được “gả bán” cho các đối tác Nhật Bản.

Bởi nơi nào người Nhật đặt chân đến, họ đều quyết tâm trở thành số một. Với họ, mọi thứ đều phải hoàn hảo, từ sản phẩm, công nghệ, quản lý sản xuất… Điểm đặc biệt, họ rất tôn trọng nhãn hiệu của địa phương, đối tác khác.

Tin bài liên quan