Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giảm giá 34%, Nhà nước có bán được vốn tại Dược Lâm Đồng?

(ĐTCK) Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đăng ký bán toàn bộ gần 2,5 triệu cổ phiếu LDP của CTCP Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar) đang nắm giữ. Với tình hình kinh doanh sa sút và “cái dớp” thất bại lần đầu, chưa rõ khả năng thành công của đợt thoái vốn này tới đâu. 

Số cổ phần trên chiếm 31,88% vốn điều lệ của Dược Lâm Ðồng, được đem ra bán theo phương thức đấu giá trọn lô. Với mức giá khởi điểm là 28.100 đồng/cổ phiếu, đợt thoái vốn nếu thành công sẽ đem về tối thiểu 70 tỷ đồng cho SCIC.

Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 10/10 tới đây tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia.

Ðây không phải là lần đầu SCIC đưa ra đấu giá lô cổ phần này. Trước đó, vào tháng 12/2018, SCIC đã đưa lô cổ phần này ra chào bán với giá khởi điểm là 42.600 đồng/cổ phiếu, nhưng đợt chào bán đã thất bại.

So với lần chào bán đầu tiên, mức giá khởi điểm mà SCIC chào bán trong đợt này giảm 34%.

Dược Lâm Ðồng tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Ðồng, được thành lập năm 1982 sau khi sáp nhập hai công ty dược liệu và dược phẩm. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là sản xuất thuốc Ðông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc và dược liệu.

Vì sao SCIC mãi chưa thoái vốn được tại Dược Lâm Ðồng và giá chào bán đã lao dốc mạnh chỉ sau 9 tháng kể từ đợt chào bán đầu tiên?

Ðiều này có thể lý giải từ bức tranh kinh doanh kém tươi sáng, cổ phiếu của Công ty bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế năm 2018 âm (20 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm.

 Xét về giá chào bán, mức giá đề xuất đưa ra đấu giá đang cao hơn đáng kể so với thị giá cổ phiếu trên sàn (23.200 đồng/cổ phiếu), trong khi doanh nghiệp đang thua lỗ.

Trước năm 2018, Dược Lâm Ðồng có lợi nhuận khá ổn định: Năm 2014, lợi nhuận sau thuế là 18,5 tỷ đồng; năm 2015 là 17,6 tỷ đồng; năm 2016 tăng lên 19,7 tỷ đồng; năm 2017 là 14,6 tỷ đồng.

Thu nhập trên mỗi cổ phần LDP trong giai đoạn đó năm thấp nhất cũng đạt gần 1.900 đồng, có năm đạt trên 5.000 đồng - mức khá tốt so với các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty đạt hơn 181 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế âm 6,8 tỷ đồng.

Bản báo cáo giải trình về tình hình kinh doanh quý II của Dược Lâm Ðồng cho biết, chi phí tăng 7,3 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương tăng 121,6% do tăng chi phí đầu tư cho nhân sự, marketing, điều chỉnh một số chi phí phân bổ trong 12 tháng sang 6 tháng đầu năm 2019, tất cả các yếu tố này khiến Công ty có lợi nhuận sau thuế âm.

Tính đến hết quý II/2019, Công ty đã có 4 quý liên tiếp báo lỗ, với lỗ lũy kế 14 tỷ đồng. Năm 2019, Dược Lâm Ðồng đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 460 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 5 tỷ đồng. 

Giảm giá 34%, Nhà nước có bán được vốn tại Dược Lâm Đồng? ảnh 1

Biểu đồ kết quả kinh doanh ldp theo năm.

Trở lại với đợt thoái vốn của SCIC tại Công ty, lô cổ phần này chưa hẳn đã hấp dẫn với nhà đầu tư bên ngoài.

Xét về giá chào bán, mức giá đề xuất đưa ra đấu giá đang cao hơn đáng kể so với thị giá cổ phiếu trên sàn (23.200 đồng/cổ phiếu), trong khi doanh nghiệp đang thua lỗ.

Tất nhiên, ngay cả khi hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn kém tích cực, vẫn có thể bán được giá tốt nếu nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng tích cực từ doanh nghiệp hoặc có tiếng nói chi phối doanh nghiệp.

Nhưng trong câu chuyện tại Dược Lâm Ðồng, khả năng đó là khó, bởi Công ty đang có cổ đông chi phối là CTCP Ðầu tư Nguyễn Kim.

Từ cuối năm 2014, Nguyễn Kim đã chi ra hàng chục tỷ đồng mua lại 10% vốn tại đây. Ðến tháng 3/2019, Nguyễn Kim đã hoàn tất việc mua hơn 1,26 triệu cổ phiếu LDP, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 51,15%.

Với những yếu tố trên, khả năng thành công của đợt đấu giá cổ phần của SCIC tại Dược Lâm Ðồng đang là ẩn số, mà chỉ có thời gian mới trả lời được.                          

Tin bài liên quan