Năm 2019, CTCP Nước sạch Quảng Ninh có doanh thu tăng gấp đôi so với 5 năm trước, lợi nhuận tăng từ 7 - 8% mỗi năm.

Năm 2019, CTCP Nước sạch Quảng Ninh có doanh thu tăng gấp đôi so với 5 năm trước, lợi nhuận tăng từ 7 - 8% mỗi năm.

Gặp khó trong định giá, Quawaco mắc kẹt việc thoái vốn

(ĐTCK) Hai công ty định giá là Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam và Công ty TNHH PKF Việt Nam đưa ra 2 kết quả xác định giá trị cổ phần của Quawaco khác biệt, khiến việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này mắc kẹt kể từ năm 2018. Quảng Ninh, từng là đơn vị đi đầu đăng ký thoái toàn bộ vốn nhà nước trong ngành nước, nay vì nhiều lý do, đã có công văn xin Thủ tướng cho giữ lại 51% vốn tại Quawaco.

Nhiệt huyết thoái hết vốn Nhà nước không thành

Ngày 22/2/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh có văn bản số 350/KHĐT-KTN báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đăng ký thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại CTCP Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) trong năm 2017.

Theo đó, Quawaco có tên trong danh sách phải thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm 2017 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Quawaco liên tục lùi thời hạn. Chưa rõ đến bao giờ mới kết thúc được tiến trình thoái vốn, khi mà các yếu tố mới liên tục phát sinh.

Cụ thể, theo báo cáo số 212-BC/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 21/5/2019 gửi Thường trực Tỉnh ủy, sau khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm 31/12/2017 thì giá trị của Quawaco đã được xác định lại và phần vốn góp của nhà nước tại Công ty đã điều được chỉnh bổ sung tăng từ 383.441.789.959 đồng lên 488.805.940.393 đồng, tương ứng với 48.880.594 cổ phiếu, chiếm 96,16% vốn điều lệ.

Việc xác định lại giá trị vốn nhà nước tại Quawaco đã kéo giãn tiến độ thoái vốn để đảm bảo quy định của Luật Chứng khoán.

Theo báo cáo, nếu muốn thoái toàn bộ vốn nhà nước theo lô đối với toàn bộ vốn nhà nước đã được xác định lại từ tháng 7/2018 thì có thể lựa chọn thoái vốn thành 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 bán 75,43% vốn nhà nước - tương đương hơn 38,344 triệu cổ phần; giai đoạn 2 - tức vào tháng 9/2019 bán số còn lại là 20,73% để đảm bảo quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phần tăng thêm.

Còn nếu thoái toàn bộ 488.805.940.393 đồng thì cũng phải thực hiện diều chỉnh thời gian xác định giá trị doanh nghiệp và kéo theo đó là xác định lại toàn bộ giá trị doanh nghiệp theo mốc thời gian mới.

Mặt khác, theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Ninh, đến thời điểm 31/12/2018, báo cáo tài chính của Quawaco có phản ánh hoạt động đầu tư mới bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng.

Phần vốn này chưa thể ghi nhận tăng vốn nhà nước và vốn điều lệ tại doanh nghiệp để thoái vốn vì dự án chưa hoàn thành và chưa được thoái vốn. Nếu tiếp tục thủ tục tăng vốn nhà nước thì thời hạn thoái vốn sẽ phải lùi thêm nữa. 

Thực tế, việc thoái vốn nhà nước tại Quawaco vẫn đang bị ách tắc tại khâu thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, do đó, không thể xác định được giá bán cổ phần khởi điểm để thực hiện thoái vốn.

Trong Thông báo 263/TB-UBND ngày 30/12/2019 về kết luận của ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về tình hình, tiến độ công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, những chỉ đạo liên quan đến việc thoái vốn tại Quawaco vẫn đang là xác định tài sản, giá trị doanh nghiệp.

Thực cảnh xác định giá trị doanh nghiệp 

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện vốn nhà nước tại Quawaco cho biết, lộ trình thoái vốn vẫn đang vướng mắc về phương pháp thẩm định giá và xác định giá khởi điểm bán cổ phần.

Chứng thư thẩm định giá số 631-18/CT-ĐG/ĐG-VAE ngày 1/10/2018 của Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam đã xác định giá trị 1 cổ phần của Quawaco là 25.726 đồng.

Tuy nhiên, khi Quảng Ninh thay đổi đơn vị thẩm định giá mới là Công ty TNHH PKF Việt Nam (PKF Việt Nam) thì giá trị định giá đã rơi xuống, chỉ còn 16.200 đồng/cổ phần, thấp hơn 9.562 đồng/cổ phần.

Theo đó, nếu chào bán theo giá 16.200 đồng/cổ phần thì giá trị thu hồi vốn nhà nước có khả năng giảm đi gần 467,4 tỷ đồng (?!).

Ngày 8/11/2018, Sở Tài chính Quảng Ninh có văn bản số 5228/STC-TCDN cho rằng, việc bổ sung tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cần kế thừa kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của công ty tư vấn trước đó là Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam.

Tuy nhiên, với kết quả định giá mới của PKF Việt Nam, có sự khác biệt khá lớn. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khi trả lời phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về kết quả định giá của PKF đã khẳng định: “Giá trị này là quá thấp và giảm quá sâu so với kết quả định giá ban đầu. Như vậy là không thể chấp nhận được. Việc thoái vốn tại Công ty Nước sạch Quảng Ninh phải được thực hiện đúng quy định pháp luật, dựa trên nguyên tắc bảo tồn tối đa nguồn vốn nhà nước. UBND tỉnh sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn thực hiện lại việc thẩm định giá để có được giá tốt nhất”.

Tuy nhiên, vấn đề không hẳn ở phía đơn vị định giá nếu nhìn sâu vào các quy định hiện hành. Đơn cử, việc xác định giá trị khấu hao tài sản/tuổi đời kinh tế của tài sản, chính Sở Tài chính Quảng Ninh đã thừa nhận là Chính phủ và Bộ Tài chính chưa có quy định, hướng dẫn về khung tuổi đời kinh tế của tài sản, đặc biệt là đối với tài sản của ngành nước.

Do đó, Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam (đơn vị thẩm định đã bị thay thế) vận dụng Phụ lục 1, Thông tư số 45/2013/TT-BTC để xác định tuổi đời kinh tế của các tài sản hữu hình tại Quawaco.

Việc vận dụng này của đơn vị tư vấn được doanh nghiệp đồng tình nhưng phía Sở Tài chính thì lại không. Ở cấp Bộ Tài chính, trong băn bản trả lời doanh nghiệp thì cho rằng, việc áp dụng Thông tư 45 để phục vụ cho mục đích thẩm định giá là không phù hợp vì không đúng đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

Bình luận về khoảng trống pháp lý và bất nhất trong việc định giá doanh nghiệp ngành nước, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco chia sẻ: “Hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam không có tiêu chuẩn hoặc phương pháp thẩm định giá trị doanh nghiệp cho ngành nước.

Do đó, doanh nghiệp cổ phần hóa và đơn vị thẩm định giá phải sử dụng cơ sở pháp lý là các nghị định do Chính phủ ban hành, thông tư và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hệ thống văn bản này không áp dụng riêng cho ngành cụ thể nào, nên có khả năng áp dụng chung cho tất cả các ngành”.

Vẫn theo luật sư Phong, vướng mắc không nằm ở chỗ các phương pháp thẩm định giá trị doanh nghiệp mà nằm ở thực tiễn thi hành.

Tức là mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề và mỗi địa phương lại có những đặc thù khác nhau, dẫn đến việc áp dụng quy định của pháp luật cần có sự sáng tạo, linh hoạt và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đề ra.

Các bên cần nghiên cứu, khảo sát điều kiện cụ thể của doanh nghiệp để lựa chọn phương pháp phù hợp. Việc kéo dài tiến trình cổ phần hóa chỉ là do sự khác nhau về cách hiểu, cách vận dụng quy định pháp luật và thực tiễn.

Bên cạnh khoảng hở về khung pháp lý và sự bất nhất trong cách hiểu, cách áp dụng, việc định giá doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi thẩm định giá đối với tài sản sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình khác…

Đây cũng là những điểm nghẽn khiến Quawaco bị rơi vào hoàn cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, không thể đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa dù quyết tâm chính trị đã được thống nhất cách đây 4 năm.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hiện nay, việc định giá với tài sản vô hình của Quawaco cũng đang trong tình trạng không biết phải xử lý ra sao khi mà dù đã xác định được giá trị các quyền sở hữu trí tuệ phù hợp theo Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 của Bộ Tài chính có tỷ lệ không thấp hơn 10% trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, nhưng việc xác định cụ thể tỷ lệ này là bao nhiêu thì lại không được hướng dẫn chi tiết.

Việc định giá tài sản tại Quawaco cũng nan giải không kém khi còn hàng loạt vướng mắc khác liên quan đến các tài sản do các địa phương đầu tư trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có hồ sơ quyết toán.

Một vướng mắc khác cũng về tài sản là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp nước trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư.

Bởi đến hiện tại, chưa hề có quy định liên quan đến hướng dẫn xử lý việc bàn giao, quản lý, khai thác và vận hành đối với hạ tầng kỹ thuật cấp nước trong các khu vực này.

Trong bối cảnh việc thẩm định giá doanh nghiệp và giá chào bán cổ phần tại Quawaco chưa biết làm cách nào để ra được kết quả cuối cùng, những sự kiện buồn của ngành nước sạch năm 2019 diễn ra tại Hà Nội đặt thêm áp lực mới cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Đó là việc đảm bảo an ninh nước sạch cho người dân và ổn định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây là một trong những lý do khiến địa phương này đã quyết định làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được giữ là 51% vốn nhà nước tại Quawaco vào dịp cuối năm 2019. Nếu được chấp thuận, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Quawaco sẽ quay lại điểm xuất phát ban đầu.                 

Do quá trình thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam không thống nhất với hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc xác định tuổi đời kinh tế của tài sản, nên chưa ra được kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để ban hành Chứng thư đề xuất giá khởi điểm cổ phần vốn nhà nước, dẫn đến làm chậm tiến độ thoái vốn của tỉnh.

Để đảm bảo tiến độ triển khai công tác thoái vốn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 1428/UBND-TM5 ngày 8/3/2019 đồng ý lựa chọn Công ty TNHH PKF Việt Nam làm đơn vị tư vấn mới.   

Tin bài liên quan