Ảnh Internet

Ảnh Internet

Gánh nặng nợ vay dồn nén CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII)

(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên 2020 vừa tổ chức của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) chỉ thông qua 2 tờ trình chuyển đổi trái phiếu và phương án phát hành thêm cổ phiếu. Đáng chú ý, CII lên kế hoạch huy động 2.000 tỷ đồng với giá 10.000 đồng/CP từ cổ đông hiện hữu với mục đích thanh toán toàn bộ gốc, lãi và các chi phí khác liên quan đến trái phiếu mã CIIBOND2020-02 phát hành ngày 13/3/2020. 

Mảng bất động sản gặp khó

Trong các năm qua, cơ cấu lợi nhuận gộp của CII chủ yếu đền từ 2 mảng thu phí và bất động sản.

Năm 2019, mảng thu phí và bất động sản lần lượt chiếm 81,26% và 14,66% cơ cấu lợi nhuận gộp.

Trong đó, lợi nhuận gộp từ mảng thu phí là 492,3 tỷ đồng, tăng 13,19%; trong khi mảng bất động sản giảm chỉ còn 88,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 69% so với năm 2018.

Chính vì mảng bất động sản giảm mạnh làm lợi nhuận gộp giảm tới 20,88%, nguyên nhân là các dự án của doanh nghiệp có thời điểm bàn giao ghi nhận lợi nhuận trong năm 2018 và bước sang năm 2019 không còn nhiều dự án gối đầu.

Hiện tại, CII đang vận hành các trạm thu phí Cà Ná, DT741, Rạch Miễu, Xa Lộ Hà Nội… Trong năm 2020, đối với mảng cầu đường và thu phí giao thông, doanh nghiệp sẽ thực hiện thi công dự án BT Thủ Thiêm, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để bắt đầu thu phí dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội, tiếp tục xây dựng dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Các dự án còn lại như Cầu Cổ Chiên, dự án Ninh Thuận 1 và 2, dự án DT 741, dự án BOT cầu Rạch Miễu và mở rộng Quốc lộ 60 sẽ tiếp tục thu phí.

Ðối với mảng bất động sản, CII chỉ lên kế hoạch bàn giao dự án Diamond Riverside của công ty con Năm Bảy Bảy (NBB), với tổng vốn đầu tư dự kiến 2.308 tỷ đồng, doanh thu dự kiến 2.676 tỷ đồng gồm 4 block nhà với 29 tầng và 17 căn biệt thự, dự án đã ký hợp đồng mua bán và có thể bàn giao trong năm 2020.

Tính tới 31/12/2019, tồn kho dự án này của NBB là 1.508 tỷ đồng, đối ứng người mua trả tiền trước cho dự án 1.324 tỷ đồng, tiền khách hàng giữ chỗ dự án 337,4 tỷ đồng.

Chính vì doanh nghiệp đã nhận trước tiền nên việc ghi nhận doanh thu của NBB nói riêng và hợp nhất với CII nói chung chỉ mang ý nghĩa chuyển dịch khoản mục trên báo cáo tài chính, thay vì dòng tiền mới vào doanh nghiệp.

Có thể thấy, mảng thu phí khá ổn định, nhưng mảng bất động sản của CII đang gặp thách thức, nhất là trong bối cảnh người dân có khuynh hướng tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng hàng hoá giá trị lớn.

Dấu hỏi dòng tiền đáo hạn nợ vay

Gánh nặng nợ vay dồn nén CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) ảnh 1

Trong những năm qua, CII liên tục lên kế hoạch huy động vốn từ bên ngoài. Nếu như năm 2016 dư nợ vay chỉ 3.572,7 tỷ đồng, chiếm 35,23% tổng nguồn vốn, thì tới năm 2019 đã là 13.851,4 tỷ đồng, chiếm 47,36% nguồn vốn.

Trong khi với nhu cầu đầu tư, mở rộng rất lớn từ 2016 tới 2019, CII phải đầu tư lần lượt 1.682 tỷ đồng, 999 tỷ đồng, 2.551 tỷ đồng và 1.046 tỷ đồng, tuy nhiên hoạt động kinh doanh chính hai năm 2016 và 2017 âm, năm 2018 dương 715,6 tỷ đồng và năm 2019 dương 135 tỷ đồng.

Chính vì dòng tiền hoạt động kinh doanh chính không đủ, Công ty liên tục phải huy động nợ vay và vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động mở rộng vào các dự án thâm hụt vốn kéo dài như BOT, BT, hay các dự án bất động sản.

Gánh nặng nợ vay dồn nén CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) ảnh 2

Trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019, CII cho biết, áp lực trả nợ vay trong năm 2020 lên tới 3.432 tỷ đồng, đây là nợ vay dài hạn tới hạn trả. Trong khi các năm kế tiếp, áp lực trả nợ vay dài hạn cũng lần lượt là 1.249 tỷ đồng, 1.982 tỷ đồng gối đầu lên nhau.

Ðược biết, tính tới 31/12/2019, CII có tổng cộng 1.449,95 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 4,96% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tổng nợ vay là 13.851,4 tỷ đồng, áp lực trả nợ vay ngắn hạn đáo hạn trong 1 năm lên tới 3.431,7 tỷ đồng, chưa kể tới việc doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh thực hiện tiếp dự án BT Thủ Thiêm, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để bắt đầu thu phí dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội, tiếp tục xây dựng dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Lượng tiền mặt không lớn, trong khi áp lực đáo hạn nợ vay cao đã buộc CII phải lên kế hoạch huy động 2.000 tỷ đồng từ cổ đông để chuẩn bị cho việc đáo hạn nợ vay nếu như không thể thu xếp vốn kịp.

Việc CII lên kế hoạch huy động vốn ở thời điểm hiện tại với giá 10.000 đồng/CP, trong khi thị giá ngày 13/4/2020 là 18.850 đồng/CP sẽ tạo nên áp lực pha loãng cho cổ đông hiện hữu.

Ðặc biệt, trong giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, tâm lý nhà đầu tư đang lo lắng về triển vọng kinh tế xấu đi và có thể bước vào một giai đoạn suy thoái kinh tế, chiến lược của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư là chuyển sang tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ hoặc nắm giữ tiền mặt.

Cơ cấu cổ đông của CII ngoài Công ty Ðầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM sở hữu 9,7% vốn, các cổ đông quỹ là VIAC (No.1) Limited Partnership sở hữu 10,17%, PYN Elite Fund nắm giữ 9,97%, Amersham Industries Limited sở hữu 6,78%, còn lại 63,38% là cổ đông nắm giữ dưới 5%.

Chính vì cơ cấu cổ đông phân tán bên ngoài nhiều, nếu như việc huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề về tìm nguồn vốn đáo hạn các khoản vay trái phiếu sắp tới hạn.

Mặc dù gặp thách thức dòng tiền, nhưng CII vẫn có kỳ vọng vượt khó khi Chính phủ định hướng tăng tốc đầu tư công vào các cơ sở hạ tầng để tạo cú huých kéo nền kinh tế hồi phục trở lại.

Cụ thể, Chính phủ đặt ra kế hoạch giải ngân hết 700.000 tỷ đồng, tương ứng 30 tỷ USD trong năm nay, tập trung vào các dự án trọng điểm như Sân bay Long Thành, 8 dự án cao tốc Bắc - Nam.

Nếu như CII tận dụng được cơ hội giải ngân đầu tư công, thực hiện một số công trình sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền, cũng như khả năng trả nợ vay.

Tin bài liên quan