Ảnh Internet

Ảnh Internet

Gánh nặng khối nợ nghìn tỷ của Tổng công ty 36

(ĐTCK) Quy mô vốn lớn, nhưng cổ phiếu G36 của Tổng công ty 36 - CTCP có thị giá và thanh khoản rất thấp. Khối nợ hàng nghìn tỷ đồng của G36 khiến không ít nhà đầu tư quan ngại.

Chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn, năm 2017, G36 nằm trong Top 10 những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất, nhưng xét chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, Tổng công ty không thuộc Top 10 khi mức lãi chỉ xấp xỉ các doanh nghiệp nhỏ. Các chỉ tiêu tài chính của G36 đều không hoàn thành kế hoạch, dù Tổng công ty vẫn có một số lợi thế khi còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được giao thực hiện một số dự án lớn mang tính đặc thù.

Năm 2017, G36 đạt 3.607 tỷ đồng doanh thu (kế hoạch là 4.772,7 tỷ đồng), gần 61,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (kế hoạch là 99,5 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý I/2018, G36 đạt doanh thu 280,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 là 359 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1 tỷ đồng (cùng kỳ gần 1 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, G36 đạt doanh thu 314,8 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ (quý I/2017 đạt 395,8 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 4,6 tỷ đồng.

Nhìn vào dòng tiền của G36 trong thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2018 cho thấy, chi phí tài chính là nguyên nhân chính khiến hệ số lợi nhuận ròng trên doanh thu chỉ đạt 0,6%, thấp hơn nhiều so với hệ số này của cả năm 2017 là 1,7%.

Với đặc thù của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giá vốn hàng bán cao, ở mức 276 tỷ đồng/doanh thu 314,8 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp của G36 trong quý I/2018 chỉ còn 38,3 tỷ đồng (cùng kỳ là 40,6 tỷ đồng).

Số tiền này không còn lại nhiều sau khi chi trả 23,1 tỷ đồng chi phí tài chính (cùng kỳ 24,9 tỷ đồng). Toàn bộ khoản chi phí tài chính đều là lãi vay, chiếm 60% lợi nhuận gộp. Trước đó, năm 2017, chi phí lãi vay mà G36 phải trả là 133,5 tỷ đồng, bằng gần 41% lợi nhuận gộp.

Tại ngày 31/3/2018, trong cơ cấu nguồn vốn của G36, nợ phải trả chiếm 4.975,8 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu (1.017,3 tỷ đồng) và chiếm 83% tổng nguồn vốn (5.993,1 tỷ đồng). Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn và dài hạn của G36 ở mức 1.482 tỷ đồng. Khối nợ này là kết quả của giai đoạn G36 còn là doanh nghiệp nhà nước (G36 hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2016, với vốn điều lệ 430 tỷ đồng).

Trong tháng 8/2017, G36 tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 50,6 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (khối lượng cổ phiếu lưu hành tăng từ 43 triệu đơn vị lên 93,6 triệu đơn vị). Theo đó, vốn góp của chủ sở hữu đạt 936 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thời điểm cuối năm 2017 đạt 1.020,8 tỷ đồng. Qua đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Tổng công ty giảm mạnh từ trên 13 lần năm 2016 xuống còn 5 lần trong năm 2017. Trước đó, giai đoạn 2014 - 2015, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 10 - 15 lần.

Mặc dù vậy, các khoản nợ của Tổng công ty tính đến nay giảm không đáng kể. Thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả là 5.115,4 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 676,1 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 881,7 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I/2018, tổng nợ phải trả chỉ giảm 2,7%, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn chỉ giảm 4,8% so với cuối năm 2015.

Cân đối lại tài chính đang là bài toán lớn cho Ban lãnh đạo G36 nhằm tăng khả năng thắng thầu, cải thiện tài chính và kết quả hoạt động của Tổng công ty.

Kế hoạch năm 2018

Theo dự báo của Business Monitor International (BMI), ngành xây dựng Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng 9,36% và đạt mức bình quân 7,8% trong giai đoạn 2018 - 2021 chủ yếu nhờ vào tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp khối tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, sau đó mức độ tăng trưởng nhiều khả năng bắt đầu chậm lại.

Trên sàn, nhiều doanh nghiệp xây dựng đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu tăng trưởng trên 20% như HBC, ROS, Vinaconex...

Với G36, Tổng công ty cho biết, năm nay, Chính phủ tiếp tục thắt chặt đầu tư công, vốn đầu tư xây dựng cơ bản bị cắt giảm, các chủ đầu tư siết chặt đơn giá… Tuy vậy, Tổng công ty đặt mục tiêu đạt 4.050 tỷ đồng doanh thu và 82,38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12,3% và 33,8% so với năm 2017. Kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cơ sở của kế hoạch này, theo lãnh đạo G36, là Dự án 4/678 sắp hoàn thành bàn giao trong quý III/2018, Tổng công ty đẩy mạnh công tác bán hàng Dự án B6 Giảng Võ để thu hồi vốn, quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng giải phóng xong 100% các vị trí còn vướng mặt bằng đường Hòa Lạc - Hòa Bình (Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình) và tập trung thi công hoàn thành dự án trước ngày 31/7 để thu phí từ tháng 9/2018.

Ngoài ra, một số dự án G36 đang thầu xây lắp tại Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sẽ được đẩy nhanh tiến độ để bàn giao trong năm 2018.

Cùng với đó, Tổng công ty sẽ tập trung thu hồi công nợ trong năm 2018. Được biết, G36 vẫn đang vướng tranh chấp ở một số vụ kiện liên quan đến Công trình thủy điện Nậm Mô và Công trình xây dựng dự án tòa nhà Westa Hà Đông khi chủ đầu tư không thực hiện thanh quyết toán công trình.

Thời điểm cuối quý I/2018, G36 có 1.608 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, với danh sách khá dài. Hàng tồn kho ở mức 1.592 tỷ đồng, trong đó chiếm lớn nhất là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang tại Dự án Nhà ở tái định cư và Văn phòng cho thuê B6 Giảng Võ (Hà Nội).                

Tin bài liên quan