Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của HUD1 thông qua kế hoạch doanh thu 550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng

Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của HUD1 thông qua kế hoạch doanh thu 550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng

“Gà nòi” HUD 1 của HUD loay hoay với bài toán tăng trưởng

(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh chính là xây lắp ngày càng gặp nhiều khó khăn, trong khi kinh doanh bất động sản được dự đoán cũng không dễ dàng và lưu chuyển tiền tệ mỗi năm một âm nặng khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư lo lắng về tương lai của CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HU1 - HOSE).

Vất vả trở lại

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của HUD1, năm qua, Công ty ghi nhận 542,4 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 40% so với năm 2016. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 37,5 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016.

Đặc biệt, nếu năm 2016, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đóng góp vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, thì năm 2017, mảng bất động sản đem về cho HUD1 125 tỷ đồng doanh thu (chiếm 23% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ). Đây là một trong những yếu tố chính giúp doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty tăng vọt trong năm qua, bên cạnh phần đóng góp lớn từ mảng xây lắp (đóng góp 76,9%).

Tuy nhiên, yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư e ngại là chi phí lãi vay tăng mạnh dù tại Đại hội đồng cổ đông năm trước, Ban lãnh đạo HUD1 đã đặt ra quyết tâm sẽ cải thiện tình hình tài chính bằng việc cơ cấu các khoản vay nợ để giảm thiểu áp lực hoạt động, nhưng đường như kết quả này không đạt như mong muốn.

Cụ thể, trong năm 2017, chi phí lãi vay của HUD1 tăng gần 23%, lên mức 8,5 tỷ đồng. Cuối 2017, dù các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã giảm mạnh từ 248,66 tỷ đồng của năm 2016 xuống 158,6 tỷ đồng, nhưng HUD1 phát sinh thêm khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 204,29 tỷ đồng.

Ngoài chi phí lãi vay tăng mạnh, chi phí quản lý doanh nghiệp của HUD1 cũng tăng trở lại sau khi giảm trong năm 2016. Cụ thể, chí phí quản lý doanh nghiệp năm qua của HUD1 tăng 54,5%, lên 17 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính, năm 2017, HUD1 phải chịu khoản nộp phạt tiền thuế theo biên bản thanh tra và chậm nộp tiền bảo hiểm lên tới hơn 4,2 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, HUD1 đạt lợi nhuận sau thuế 5,24 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2016, nhưng còn kém xa so với kết quả của các năm trước đó.

Nhìn vào kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của HUD1 trong năm qua, nhiều người sẽ cho rằng, Công ty đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn sụt giảm 2014-2016, nhưng nhìn vào lưu chuyển tiền tệ, hẳn cổ đông, nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

Tín hiệu xấu từ lưu chuyển tiền tệ

Đặc thù là ngành xây lắp, thi công dân dụng, nên việc dòng tiền trả chậm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi dòng tiền này liên tục âm và có dấu hiệu càng âm nặng thêm, chủ yếu do các khoản phải thu gia tăng (phần lớn là khoản phải thu từ công ty mẹ HUD) phát đi tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của HUD1 đang có vấn đề. Điều này cho thấy, hoặc vấn đề thu hồi công nợ của Công ty gặp khó, hoặc đây là hiện tượng ghi nhận doanh thu ảo.

Ghi nhận số liệu từ báo cáo tài chính của HU1 từ năm 2014 trở lại đây cho thấy, năm 2014, lưu chuyển tiền tệ thuần của Công ty dương 105 tỷ đồng, nhưng sang năm 2015 đã âm 13,6 tỷ đồng, năm 2016 âm 60,64 tỷ đồng và âm tới 102,33 tỷ đồng trong năm 2017.

Với các tín hiệu cảnh báo như vậy, các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ rủi ro cao. Điều này cũng đã được chính Ban điều hành HUD1 đưa ra trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 khi cho biết, do dư nợ tín dụng cao, dẫn đến việc thu xếp vốn tại các ngân hàng không thuận lợi như dự kiến, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đầu tư và xây lắp của HUD1.

Dự án 176 Định Công được kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu lớn cho HUD1 

Bên cạnh đó, Ban điều hành HUD1 cũng nhấn mạnh, thanh, quyết toán thu hồi vốn tồn đọng trong hoạt động xây lắp còn gặp nhiều khó khăn, giá trị vốn tồn đọng chưa thu hồi lớn, dòng tiền quay vòng chậm, phát sinh nhiều chi phí ngoài giá thành, tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018 vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, công tác thu hồi vốn còn tồn đọng của hoạt động xây lắp và kinh doanh bán nhà vẫn là công tác trọng điểm mà HUD1 đang phải lưu tâm tới trong năm nay. 

Và câu hỏi cho tương lai

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, xác định mảng xây lắp sẽ gặp khó khăn, HUD1 chuyển hướng tập trung các nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giảm dần mảng xây lắp.

Theo đó, HUD1 kỳ vọng Dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại 176 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận kinh doanh đột biến cho Công ty. Vì thế, HUD1 đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2018 ở mức 550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng. Trong kế hoạch doanh thu, đóng góp của doanh thu xây lắp đã giảm từ gần 77% xuống chỉ còn gần 51% (tương đương 280 tỷ đồng), trong khi tỷ trọng của mảng bất động sản lên tới 49% (tương đương 270 tỷ đồng).

Việc này cũng là dễ hiểu trong bối cảnh tình hình hoạt động xây lắp của HUD1 từ trước tới nay dựa nhiều vào công ty mẹ (HUD). Tuy nhiên, các dự án của công ty mẹ trong vòng nhiều năm nay không còn là miếng bánh hấp dẫn để HUD1 có thể dựa vào. Trong khi đó, do công tác đấu thầu xây lắp các công trình bên ngoài chưa thực sự hiệu quả, do thị trường xây lắp cạnh tranh khốc liệt về giá, đồng thời do năng lực nội tại của Công ty và các đội thi công trong công ty tập trung chủ yếu cho công tác xây lắp tự làm tại dự án do Công ty làm chủ đầu tư.

Tuy vậy, kế hoạch này cũng không dễ thực hiện, bởi thị trường bất động sản hiện nay cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt. Cụ thể, theo thống kê của Savills Việt Nam, nếu tính cả nguồn cung hoàn thiện và mới trong giai đoạn 2017 - 2018, tại Hà Nội có thể chạm mốc 40.000 - 50.000 căn hộ, trong đó nguồn cung phân khúc trung cấp sẽ vô cùng dồi dào.

Chưa kể, trong thời gian vừa qua, Định Công đang được xem là điểm nóng của hạ tầng giao thông tại Hà Nội với hàng loạt dự án chung cư cao tầng xuất hiện tại đây, gây tắc nghẽn giao thông. Điều này được dự báo sẽ là những khó khăn với HUD1 trong công tác bán hàng tại Dự án 176 Định Công.

Đối với các dự án còn lại như Khu đô thị mới Liên Bão Bắc Ninh, hay dự án trụ sở Công ty tại số 168 Giải Phóng (Hà Nội), hiện vẫn chưa có nhiều thông tin công bố về kế hoạch triển khai của HUD1.

Ghi nhận từ báo cáo hợp nhất quý I/2018 của HUD1 mới công bố, Công ty đạt 232,66 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện hơn nhiều so với con số âm 408,3 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đóng góp chính cho kết quả kinh doanh của HU1 lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà là từ khoản lợi nhuận khác (847 triệu đồng), chủ yếu đến từ khoản cho thuê công cụ và dụng cụ.

Trong khi đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty chỉ đạt 41,4 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ 2017, còn chi phí tài chính tiếp tục tăng 26%, lên 871 triệu đồng. Dù vậy, điểm tích cực là chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm 41,7%, xuống còn 2,12 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý I/2017, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HUD1 vẫn ghi nhận mức âm gần 570 triệu đồng, tăng tới 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này báo hiệu tương lai khó khăn vẫn đang chờ đợi HUD1 và việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 không phải là điều đơn giản.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan