Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ba Lan

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ba Lan

Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan đẩy mạnh giao thương

Được tổ chức đều đặn tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nhưng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan diễn ra hôm 11/6 vừa qua lần đầu tiên thu hút được lực lượng hùng hậu hơn 50 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực thế mạnh của Ba Lan là thực phẩm, tiêu dùng, cảng biển, công nghệ xanh, bất động sản.

Cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đến đây để tìm hiểu thông tin về đối tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. 

Ba Lan là nền kinh tế lớn thứ 6 của châu Âu, với mức tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 1,6%, dự kiến sẽ tăng khoảng 3% vào 2015. Với tổng dân số gần 40 triệu người, hiện Ba Lan được xem là một thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với Việt Nam, với các dòng sản phẩm truyền thống như mỳ tôm, dệt may, da giày, thủy hải sản.

Năm 2013, thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt 1,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan ước đạt khoảng 1,1 tỷ USD, giá trị nhập khẩu từ Ba Lan khoảng 150 triệu USD.

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), dù người Ba Lan tiêu thụ chủ yếu là cá trích (chiếm 33%), cá minh thái Alaska (26%) và cá thu (11%), nhưng cá ngừ vẫn giữ một vị trí quan trọng tại thị trường này, nhất là đối với các sản phẩm đóng hộp. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng lên tới 3 con số, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Ba Lan đã tăng từ 840.000 USD năm 2009 lên hơn 3,2 triệu USD năm 2013.

Đặc biệt, sau khi giảm vào năm 2012, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ba Lan đã tăng trở lại với mức tăng hơn 146%. Năm 2013, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 trong tổng số 24 nước xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan.

Dự báo, với sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế Ba Lan, cùng với thu nhập của người dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ của nước này sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và đây cũng là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Ba Lan cũng muốn phân phối tại Việt Nam nhiều sản phẩm như bia, sữa, cá hồi, gia cầm, chất tẩy rửa, thịt và thịt nguội, bánh kẹo… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Công ty Omilife Việt Nam SJC, chuyên phân phối sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu, cũng đang kỳ vọng có thể phân phối hàng hóa Ba Lan tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Hậu, Chủ tịch Công ty cho biết, Công ty đang muốn trở thành cánh tay nối dài của doanh nghiệp Ba Lan tại Việt Nam. Từng ở Ba Lan một thời gian dài, ông Hậu nhận thấy tiềm lực kinh tế của Ba Lan không mạnh, nên mức độ gia nhập thị trường thương mại hay đầu tư ra nước ngoài của họ cũng rất thận trọng.

“Nếu các công ty lớn của Anh, Mỹ có thể giúp đối tác trong quảng cáo, hỗ trợ chi phí gia nhập thị trường bản địa, thì các doanh nghiệp Ba Lan rất khó, đòi hỏi tự doanh nghiệp đối tác phải đứng trên thị trường, mặt hàng phải ổn định”, ông Hậu nói và cho biết, nhiều sản phẩm Ba Lan có thế mạnh về chất lượng, giá cả khi thâm nhập thị trường Việt Nam, nhất là dòng sản phẩm bánh kẹo, sữa.

Theo ông Hồ Chí Hưng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, so với các nước khác thuộc khu vực thị trường chung châu Âu, Ba Lan có cách thức vận hành uyển chuyển, không quá cứng nhắc trong yêu cầu về chất lượng, tiêu chí sản phẩm… Hạn chế của mối quan hệ này là khoảng cách địa lý, thông tin thị trường cũng như những vấn đề còn tồn tại về thủ tục, tâm lý đầu tư, kinh doanh khác biệt

Được biết, tính đến tháng 12/2013, Ba Lan có 10 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đứng thứ 40 trong số các quốc gia có hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, chế biến - chế tạo, thông tin truyền thông. Các doanh nghiệp Việt Nam có 3 dự án đầu tư tại Ba Lan, với tổng vốn 8,3 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, chế biến... 

Tin bài liên quan