Doanh nghiệp nơi đầu sóng

Doanh nghiệp nơi đầu sóng

(ĐTCK) Nếu coi thương trường là chiến trường thì vai trò của các DN đầu ngành Việt Nam giống như lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư vào thời điểm xung đột biển Đông diễn ra. Họ gánh trách nhiệm rất nặng nề nơi đầu sóng, vinh dự và tự hào, nhưng cũng đầy hiểm nguy và căng thẳng khi phải đối đầu với đối thủ cạnh tranh mạnh hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Họ đã vươn lên như thế nào?

Từ câu chuyện ngành thép...

Nhìn vào ngành thép, DN tư nhân phải cạnh tranh trực diện với DN có vốn đầu tư nước ngoài ngay trên sân nhà trong bối cảnh cung dư thừa, thị trường nội địa yếu về sức mua nhiều năm qua. Trong bối cảnh đó, vị thế đầu ngành mà hai DN nội là Hòa Phát và Hoa Sen đạt được rất đáng ngưỡng mộ. Hoa Sen đạt mức tăng trưởng bình quân 100%/năm, đặc biệt trong 5 năm qua đã tăng 300% về doanh thu, hiện chiếm đến gần 40% thị phần tôn thép, xuất khẩu đi 52 quốc gia và lãnh thổ, trở thành DN tôn thép hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực Đông Nam Á. Còn Hòa Phát đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng, sản lượng thép cán mốc 1 triệu tấn năm 2014, tăng 43% so với năm 2013.

Bằng việc đầu tư Khu liên hiệp Gang thép Hải Dương luyện phôi từ quặng, Hòa Phát đã đi trước một bước, rót hàng tỷ USD xây Khu liên hiệp gang thép tại Việt Nam. Và với lợi thế am hiểu thị trường Việt, DN này không hề nao núng khi tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và 3 của KLH. Thép ra lò đến đâu bán hết đến đấy.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG phân tích, nếu cộng doanh thu của 3 DN đầu ngành thép lại thì vẫn chưa thấm vào đâu với số vốn đầu tư của chỉ 1 đại gia nước ngoài tại Hà Tĩnh, tới 20 tỷ USD. So sánh vậy để thấy DN Việt vẫn còn nhỏ bé, trong khi nền kinh tế thì đang mở cửa nhanh và rộng.

“Cạnh tranh với các DN nước ngoài, chúng tôi phải lấy sự năng động thắng quy mô, sáng tạo thắng kinh nghiệm và tốc độ của người đi sau để đuổi kịp tập đoàn đi trước”, ông Vũ nói.

Trên thực tế, Hoa Sen đã phát triển hệ thống phân phối, nắm thị trường để cạnh tranh với đối thủ là DN nước ngoài sở hữu chuỗi giá trị sản xuất từ thượng nguồn luyện thép cán nóng đến sản phẩm. Hội nhập Hoa Sen có thể mua nguyên liệu ở bất cứ đâu với giá cạnh tranh. Ở thị trường xuất khẩu, Hoa Sen phải đối mặt với chính sách áp thuế chống bán phá giá theo đơn kiện của đối thủ như BlueScope Steel. Nhưng tại Indonesia, sau khi nước này áp thuế tự vệ thương mại, Hoa Sen chuẩn bị đối sách từ trước, lại nâng được sản lượng xuất khẩu sang thị trường này lên cao hơn.

 “Không thể ngủ quên trên chiến thắng, tôi hiểu rằng nếu không nỗ lực sẽ bị rớt lại. Mất 20 năm, Hoa Sen mở được 150 chi nhánh trên toàn quốc, nhưng trong 3 năm tới tôi đặt mục tiêu phát triển thêm 150 chi nhánh để chiếm lĩnh thị trường nội địa”, ông Vũ nhấn mạnh. Với đối tác, Hoa Sen cam kết làm ăn trung thực, minh bạch, dần dần đạt mục tiêu trở thành nhà sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam, doanh thu đạt mốc 1 tỷ USD và lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. 

... Đến các ngành khác

Nhìn rộng ra thị trường niêm yết, có thể thấy nhiều hơn những câu chuyện thành công của DN đầu ngành. Gemadept (GMD) là DN hàng đầu trong lĩnh vực logistcic, năm nay tổ chức tiệc tất niên tại địa điểm đẹp và sang trọng bậc nhất của TP. HCM với slogan “Xuân xanh rạng ngời, tương lai rộng mở”. Mảng logistic của GMD ngày càng phát triển khi các khách hàng đã chuyển những phần việc mà trước đây họ tự làm hoặc thuê công ty nước ngoài sang cho GMD làm. Không chỉ sản xuất tốt, tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, mà điểm khá tương đồng ở các DN hàng đầu là đều có hệ thống phân phối mạnh. Một nhà đầu tư lớn từng là thành viên HĐQT của Dược Hậu Giang, công ty hàng đầu trong ngành dược phẩm chia sẻ, cách xây dựng hệ thống phân phối rất quan trọng. Ở Dược Hậu Giang có một giám đốc bán hàng và dưới giám đốc này ở mỗi tỉnh có một nhân sự phụ trách bán hàng. Vì thế, hàng DHG len lỏi khắp nơi. Doanh thu của tỉnh miền núi xa xôi mà cũng đạt mức tăng trưởng 30% mỗi năm.

Nhìn vào cách phát triển của Vinamilk có thể thấy vì sao nhiều DN sữa nội ra đời, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với ông lớn này. Lý do là hệ thống phân phối của Vinammilk cắm rễ sâu từ cửa hàng tạp hóa, quán nước vỉa hè cho đến siêu thị lớn. Có thể hình dung người tiêu dùng bước chân ra cửa là có thể mua được sản phẩm Vinamilk.

Tuy nhiên, theo nhận xét của chính các DN và chuyên gia thì số DN tư nhân dẫn đầu các ngành kinh tế còn rất ít và đó là điều nguy hiểm khi hội nhập. Theo một nghiên cứu của Công ty Mackenzi, Việt Nam chỉ có một vài lĩnh vực có khả năng cạnh tranh quốc tế. Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP. HCM chia sẻ, với Việt Nam trong hội nhập, cơ hội còn ở dạng tiềm năng mà thách thức đã đến rồi.

Ông Vũ tỏ ra băn khoăn: “Với tư cách là người đứng đầu DN, tôi rất lo vì hiện nay những DN cực lớn là DN FDI và một số DN Nhà nước, khối dân doanh còn rất nhỏ. Đó là một rủi ro khi chúng ta hội nhập sâu hơn, đặc biệt là tham gia cộng đồng chung ASEAN”. 

Bài học hội nhập

Ông Lịch kể, khi ông sang Hàn Quốc, các chuyên gia nước này hỏi rằng: “Tại sao lại dễ dàng cho Samsung đầu tư mà không đặt ra điều kiện phải chuyển giao công nghệ cho DN Việt?”.

“Chúng ta mới chỉ chăm chăm thu hút được tiền đầu tư mà thôi”, ông Lịch nói và cho rằng đây thực sự là bài học.

Ở thị trường nội địa trong nước, các DN của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đang mạnh tay mua lại vốn góp trong các chuỗi siêu thị phân phối bán lẻ. Khi tham gia thị trường chung ASEAN, hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực diện với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà, trong hệ thống phân phối do DN nước ngoài làm chủ. Việc các DN nước ngoài mua lại hệ thống siêu thị Việt Nam thực chất là đang muốn chiếm lĩnh thị trường với sức mua lớn.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons (CTD) nhà thầu xây lắp hàng đầu hiện nay cho biết, trong năm 2014 thì các hợp đồng xây dựng nhà xưởng, KCN tăng đột biến so với trước do các DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư đón đầu sự kiện Việt Nam ký kết TPP. Họ luôn yêu cầu xây dựng nhà xưởng quy mô lớn với một thời gian rất nhanh.

Có thể thấy không chỉ DN kinh doanh trong lĩnh vực đối mặt nhiều với DN các nước ASEAN, mà ngay cả DN như CTD hoạt động chủ yếu ở thị trường trong nước đang cảm nhận rõ ràng hội nhập đã đến trước cửa.

“Nếu muốn xây dựng nền kinh tế tự chủ, chúng ta cần phải phát triển DN hàng đầu, có khả năng dẫn dắt ngành, lĩnh vực đó. Nhưng khoảng trống cơ hội để các DN Việt Nam dẫn đầu hiện nay còn rất ít, khi mà các công ty nước ngoài với tiềm lực kinh tế, công nghệ vượt trội đang xâm nhập mạnh mẽ”, ông Vũ nêu quan điểm.

Cuộc khủng hoảng lạm phát và lãi suất cao tới 20%/năm như mấy năm trước thực sự là cú đánh chí mạng với DN nội khi mà tích lũy vốn của DN còn mỏng, có bao nhiêu đã đầu tư hết nên phần lớn phải phụ thuộc vốn vay ngân hàng. Điều đáng mừng là lãi suất đã giảm về mức có thể chấp nhận được cho phát triển trung hạn, nhưng DN cần một chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn để có lòng tin, tích cực đầu tư kinh doanh và làm giàu chính đáng. Những DN nào đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng, vươn lên phát triển và dần đầu ngành lĩnh vực của mình, không chỉ là ngôi sao sáng trên TTCK niêm yết, mà thực sự là người hùng của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập.

Nhưng để con đường phát triển phía trước bớt chông gai, công cuộc hội nhập hơn bao giờ hết đang cần sự hợp sức chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và DN, giống như cảnh sát và kiểm ngư trên biển đang cần sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của đất liền khi biển động sóng trào. 

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam

Để vượt qua những thách thức, không có con đường nào tốt hơn bằng việc mỗi tổ chức phải định ra cho mình chiến lược phát triển và thực thi những hành động cụ thể trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Ông Vũ Tuấn Ngọc,  Chủ tịch CTCP CNG Việt Nam

Ban lãnh đạo Công ty luôn linh hoạt với nhiều kịch bản kinh doanh khác nhau để ứng phó với biến động phức tạp của thị trường. 

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch CTCP Nhà Thủ Đức (TDH)

TDH chú trọng đẩy mạnh dòng sản phẩm S-Home và đất nền tại các dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm quỹ đất để phát triển tại các vị trí có nhiều tiềm năng ở TP. HCM.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)

HAGL lấy phương châm “Tập trung vào năng lực cốt lõi” làm kim chỉ nam cho chiến dịch tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn.

Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm

Để có thể thành công trên rất nhiều khó khăn, thử thách thì chỉ có tinh thần lạc quan, hợp tác, kiên trì và đầy máu lửa mới có thể vượt qua.

Ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí

Công tác quản trị rủi ro sẽ không ngừng được nâng cao và cải tiến, hình thành một văn hóa phòng chống rủi ro gắn liền cùng trách nhiệm với môi trường, xã hội, cộng đồng xung quanh. 

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch CTCP Traphaco

Chất lượng sản phẩm được quản lý và khẳng định ngay từ khi trồng dược liệu đã tạo cho Traphaco sức mạnh cạnh tranh. Công ty tiếp tục con đường phát triển bền vững với cách làm việc công khai, minh bạch, công bằng và nhân văn. 

Tin bài liên quan