Tại Hội thảo Lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019, điều các doanh nghiệp quan tâm nhất trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi nằm ở chương 7 điều 107 khi thay đổi giờ làm việc mỗi lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần/lao động.
Các công ty, tập đoàn tùy quy mô và lĩnh vực sẽ có chiến lược phát triển của riêng mình. Tuy vậy tất cả đều phải dựa trên nhân tố chung là tập trung vào năng lực sản xuất và hiệu suất lao động. Chiến lược này về ngắn hạn cũng như dài hạn đều dựa trên quỹ thời gian làm việc hiện tại là 48 tiếng/ tuần và không làm thêm giờ.
Trong khi đó, nhìn vào thực tế, do năng suất lao động thấp (chỉ đạt 65% -70%), ông Nguyễn Ngọc Nở, giám đốc nhân sự Công Ty TNHH May Mặc United Sweethearts Việt Nam (Malaysia) cho rằng, các công ty không còn giải pháp nào khác là sắp xếp làm thêm giờ, thậm chí phải tận dụng hết quỹ tăng ca cho phép là 200 giờ/năm/lao động.
Đại diện này nói, việc tăng chi phí nhân công còn bị tác động mạnh bởi: Mức lương tối thiểu vùng hàng năm đều tăng và Lương làm thêm được dự kiến tăng theo lũy tiến.
United Sweethearts Việt Nam ước tính, với doanh nghiệp quy mô 17.000 lao động cần tuyển thêm 1.764 người nhằm bù đắp vào số giờ làm việc bị cắt giảm. Cùng với đó là xây dựng nhà xưởng chi phí khoảng 500 tỷ đồng để hơn 1.700 lao động làm việc cũng như cần khoảng 3 năm để hoàn thành thi công nhà xưởng.
United Sweethearts Việt Nam ước tính chi phí lao động tăng cao "khổng lồ" nếu huy động làm thêm giờ.
“Khách hàng luôn quan tâm giá thành và tiến độ. Chẳng lẽ nhà sản xuất phải nói khách chờ 3 năm. Như vậy, sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở đâu?”, ông Nở chia sẻ.
Do đó, chính sách này giúp thu nhập của người lao động tăng do tăng lương tối thiểu vùng và lương phụ trội. Dù vậy, bài toán về hiệu quả sản xuất của United Sweethearts Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam khác nói chung chưa được cải thiện. Kéo theo đó là giá thành xuất xưởng sẽ tăng trong khi khách hàng hàng năm đều đòi giảm giá, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh về giá của doanh nghiệp.
Còn với người lao động, nếu giảm giờ làm, thu nhập không đủ chi trả cho các nhu cầu trong cuộc sống, họ buộc phải tăng ca hoặc làm thêm các công việc khác.
Theo tính toán của United Sweethearts Việt Nam, giảm 4 tiếng làm việc/tuần sẽ đồng nghĩa với giảm 9.1% trung bình thu nhập cho lao động được trả lương theo giờ hoặc trả lương sản phẩm. Còn nếu chọn tăng ca liên tục mỗi ngày hơn 2 tiếng sẽ khiến lao động kiệt sức, mệt mỏi, căng thẳng, giảm năng suất lao động trong những ngày kế tiếp.
“Người lao động sẽ chịu áp lực trong việc chăm sóc gia đình khi giảm giờ làm, doanh nghiệp thúc đẩy tăng ca, trung bình mỗi ngày tăng ca từ 2 tiếng đến 2.5 tiếng. Họ phải tan ca trễ (18 giờ đến 18 giờ 30) gây ảnh hưởng đến việc đưa đón con cái đi học, chăm lo đời sống gia đình, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”, ông Nguyễn Ngọc Nở, giám đốc nhân sự Công Ty TNHH May Mặc United Sweethearts Việt Nam lý giải.
United Sweethearts Việt Nam ước tính cần hơn 47.000 tỷ đồng để tuyển thêm lao động nếu quy định giảm giờ làm được thực thi.
Trong 18 nước mà công ty United Sweethearts Việt Nam thực hiện nghiên cứu, so sánh, có 06 nước quy định dưới 48 giờ/tuần/người, một nước trên 48 giờ là Hàn Quốc (với 52 giờ) và 11 nước có giờ làm việc là 48 giờ.
Các doanh nghiệp đánh giá, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, trong khi đa số các nước vẫn duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần còn Việt Nam giảm còn 44 giờ là không hợp lý.
Việc tăng chi phí nhân công được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi khiến giá thành sản xuất tăng. “Từ đó, họ có tể chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác trong khu vực thay vì đầu tư tại Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Nở nói.
Ông Nguyễn Ngọc Nở, giám đốc nhân sự Công Ty TNHH May Mặc United Sweethearts Việt Nam (Malaysia)
Trong công văn của 6 Hiệp hội và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa soạn thảo đóng góp ý kiến về Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này gửi đến Quốc hội cũng nhấn mạnh về quan điểm đầu tư và mở rộng sản xuất.
6 Hiệp hội bao gồm Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp Hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Các Hiệp hội cho rằng, trước tình hình tuyển dụng lao động khó khăn, các doanh nghiệp phải thường xuyên đi đến các tỉnh xa để tuyển dụng mà vẫn không đủ lao động.
Nhân lực không đủ, doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ nhưng lại vướng vào giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam (không quá 200 giờ/năm).
“Ngay cả thời giờ làm việc tiêu chuẩn cũng bị cắt đi thì chắc chắn doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng nhu cầu khách hàng, gây mất niềm tin và dần dần sẽ không còn đơn đặt hàng nào. Các công ty đa quốc gia sẽ chuyển sản xuất sang nước khác”, theo công văn của các Hiệp hội.